Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

0

Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

1. Tác giả viết văn bản này trong thời điểm và hoàn cảnh nào của đất nước ? Từ đó nêu ý nghĩa cấp thiết của vấn đề mà bài báo này đặt ra.
Trả lời:
Đọc lại văn bản và chú thích (★) ở trang 29, trong SGK Ngữ Văn 9, tập hai, để nắm được thời điểm và hoàn cảnh đất nước khi Vũ Khoan viết bài báo này. Từ đó thấy được ý nghĩa cấp thiết của vấn đề mà tác giả nêu ra để bàn luận. Tính cấp thiết của một vấn đề cần được xem xét ít nhất là ở hai phương diện sau :
– Tính kịp thời hay tính thời sự của vấn đề.
– Tầm quan trọng, sự cần thiết hay tính thiết yếu của vấn đề.
2. Vấn đề cơ bản của văn bản nghị luận này đã được nêu ra trong câu văn nào ? Để triển khai vấn đề ấy, tác giả đã đưa ra hệ thống luận điểm như thế nào ? Đánh giá hệ thống luận điểm ấy (có chặt chẽ, chính xác, toàn diện không).
Trả lời:
Đọc lại phần mở đầu để tìm ra câu văn chứa đựng vấn đề cơ bản của bài báo. Hệ thống luận điểm để triển khai vấn đề cơ bản ấy như sau :
– Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người.
– Bối cảnh của thế giới hiện nay và những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước.
– Những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam cần được nhận rõ khi bước vào thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thế kỉ mới.
– Thế hệ trẻ cần chuẩn bị cho mình hành trang vào thế kỉ mới bằng cách từ bỏ những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt từ những việc nhỏ.
Các luận điểm của tác giả không mang tính uyên bác, sách vở mà bám vào thực tiễn, vừa xác thực, vừa toàn diện, có cái nhìn khách quan về dân tộc mình, đồng thời lại đặt trong sự đối sánh với dân tộc khác, trong bối cảnh thế giới ngày nay.
3. Câu 3, trang 30, SGK.
Trong bài này, tác giả cho rằng: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất”. Điều đó có đúng không, vì sao ?
Trả lời:
Đọc lại đoạn văn từ “Trong những hành trang ấy” đến “điểm mạnh và điểm yếu của nó”, tìm những luận cứ mà tác giả nêu ra để khẳng định sự chuẩn bị hành trang con người là quan trọng nhất. Có thể bổ sung bằng những hiểu biết của em về vai trò quyết định của con người trong mọi vấn đề xã hội, kinh tế.
4. Phần chính của văn bản tập trung nói về những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam, đối chiếu với yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh việc khẳng định những điểm mạnh, tác giả còn đặc biệt quan tâm chỉ ra những điểm yếu của con người Việt Nam. Em hãy thống kê lại những điểm mạnh và điểm yếu mà tác giả nêu ra để làm rõ nhận xét trên.
Nhận xét về cách nêu điểm mạnh, điểm yếu và thái độ của tác giả.
Trả lời:
Đọc lại đoạn văn từ “Cái mạnh của con người Việt Nam” đến “quá trình kinh doanh và hội nhập”.
Thống kê những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam được tác giả nêu lên và nhận xét. Chú ý số lượng câu chữ mà tác giả dành để nói về những điểm yếu là nhiều hơn hẳn số lượng câu chữ nói về những điểm mạnh.
5. Bài luyện tập 2, trang 31, SGK.
Em nhận thấy ở bản thân mình có những điểm mạnh và điểm yếu nào trong những điều tác giả đã nêu, và cả những điều tác giả chưa nói tới ? Nêu phương hướng khắc phục những điểm yếu.
Trả lời:
Đối chiếu với những nhận xét của tác giả về điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam, rồi liên hệ với bản thân để thấy rõ cái mạnh, cái yếu của mình.
Có thể nêu cả những luận điểm mà tác giả chưa đưa ra trong bài báo. Đồng thời, cần đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh lớp 9 và yêu cầu của một công dân trong tương lai đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để nhận rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của mình, đề ra phương hướng khắc phục điểm yếu.

Leave a comment