Soạn bài Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

0

Soạn bài Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

1. Bài tập 1, trang 88, SGK.
Trả lời:
Cần chú ý đến việc dùng nhiều thuật ngữ ngôn ngữ học, sự lựa chọn có ý thức của người viết để thay thế từ, việc dùng các loại dấu câu đặc trưng cho ngôn ngữ viết, việc tách dòng ba lần để cho các ý rõ ràng, mạch lạc, và cả việc dùng các từ ngữ chỉ thứ tự trình bày,… Tất cả những điều đó là đặc trưng của ngôn ngữ viết.
2. Bài tập 2, trang 88 – 89, SGK.
Trả lời:
Đoạn hội thoại vốn thuộc ngôn ngữ nói, nhưng được tái hiện trong dạng viết. Do đó có một số đặc điểm của ngôn ngữ nói. Cần chú ý các phương diện sau :
– Sự đổi vai người nói và người nghe, sự chuyển đổi lượt lời.
– Sự phối hợp của lời nói với cử chỉ, điệu bộ : cười như nắc nẻ, cong cớn, vuốt mồ hôi trên mặt cười, liếc mắt, cười tít,…
– Dùng nhiều từ ngữ khẩu ngữ : kìa, có… thì, có khối… đấy, này, nhà tôi ơi, thật… đấy, đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ.
– Nhiều câu tỉnh lược chủ ngữ, nhiều câu cảm thán, nhiều câu cầu khiến,…
3. Bài tập 3, trang 89, SGK.
Trả lời:
a) Các từ thì, hết ý mang tính chất ngôn ngữ nói. Cần bỏ từ thì, thay hết ý bằng rất và đặt trước đẹp.
b) Các từ ngữ khẩu ngữ : vống lên, vô tội cần thay bằng các từ ngữ : vọt lên, chẳng có căn cứ nào.
c) Câu vừa lộn xộn, vừa dùng nhiều từ ngữ của ngôn ngữ nói (chừa ai sất), cần chữa lại, chẳng hạn :
Chúng chẳng chừa một thứ gì : từ cá, rùa, ba ba, ếch nhái, ốc, tôm cua đến những loài chim ở gần nước như cò, vạc, vịt, ngỗng,…
4. Đoạn văn viết sau đây tái hiện ngôn ngữ nói của một cuộc hội thoại. Hãy chỉ ra những đặc điểm của ngôn ngữ nói.
Chị Chiến lại nói, giọng còn rành rọt hơn cả hồi nãy :
– Bây giờ chị Hai ở xa. Chị em mình đi thì thằng Út sang ở vói chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Chú Năm nói có con nít học ê a có gì nó quét dọn cho. Thằng Út cũng học ở đây. Mầy chịu không ?
Việt chụp một con đom đóm úp trong lòng tay :
– Sao không chịu ?
– Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học, nghen ?
– Hồi đó má dặn chị làm sao, giờ chị cứ làm y vậy, tôi chịu hết.
(Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình)
Trả lời:
Muốn phân tích đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn hội thoại này, cũng cần dựa vào một số tiêu chí như đã gợi ý ở bài tập 2, như : sự đổi vai nói – nghe giữa hai nhân vật Chiến và Việt ; sự thay thế các lượt lời ; sự phối hợp giữa lời nói với giọng điệu, cử chỉ (giọng còn rành rọt, chụp một con đom đóm,…) ; việc dùng nhiều từ khẩu ngữ kể cả từ địa phương (con nít, mầy, nghen) ; dùng hình thức hỏi – đáp, câu hỏi,…
5. Hãy phân tích những nét biểu hiện của ngôn ngữ nói trong bài ca dao sau :
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi, nếm thử mà xem !
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.
Trả lời:
Bài ca dao thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng vẫn có những nét biểu hiện của ngôn ngữ nói thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, cần chú ý :
– Hình thức độc thoại (tự nói với bản thân), nhưng vẫn hàm ý đối thoại với người khác : tự xưng là em, dùng hô ngữ : ai ơi.
– Một số hình thức quen thuộc của ngôn ngữ nói : so sánh (thân em như…), cầu khiến (nếm thử mà xem), hư từ ngăn cách chủ ngữ và vị ngữ (từ thì).

6. Xác định những lỗi trong câu (thuộc văn bản viết) sau đây và chữa cho đúng :
Bánh tét nếp cẩm hảo hạng của tôi một lò nổi tiếng ở đường Nguyễn Văn Cừ Cần Thơ bắt đầu nhận “đơn đặt hàng” tới tấp mà theo lời chủ nhân : “Chắc số lượng tăng gần gấp đôi năm rồi”.
Trả lời:
Câu văn lộn xộn, ý không mạch lạc, rõ ràng, viết mà như nói. Nhưng nếu nói thì còn có sự hỗ trợ của ngữ cảnh, của giọng điệu, cử chỉ ; còn trong văn viết thì không có sự hỗ trợ ấy nên câu văn khó hiểu.
Có thể chữa lại như sau :
Bánh tét nếp cẩm hảo hạng của tôi được một lò ở đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Cần Thơ đặt hàng tới tấp. Hiện nay lò bánh đó đã đặt hàng với “số lượng chắc gần gấp đôi năm rồi”, theo lời ông chủ lò.

Leave a comment