Soạn bài: Đặc điểm của văn bản biểu cảm
Soạn bài: Đặc điểm của văn bản biểu cảm
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
Soạn bài: Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Ví dụ: Đọc bài vănTấm gương(SGK, tr.85) và trả lời các câu hỏi sau:
a) Bài vănTấm gươngbiểu đạt tình cảm gì?
b) Để biểu đạt tình cảm đó, tác giả bài văn đã làm như thế nào?
c) Bố cục bài văn gồm mấy phần? Phần Mở bài và Kết bài có quan hệ với nhau như thế nào? Phần Thân bài đã nêu những ý gì? Những ý đó đã liên quan đến chủ đề như thế nào?
d) Tình cảm và sự đánh giá của tác giả trong bài có rõ ràng, chân thực không? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với giá trị của bài văn?
Gợi ý:
a) Bài văn này ngợi ca đức tính gì? phê phán đức tính gì? (trung thực, xu nịnh dối trá).
b) Để biểu đạt tình cảm đó tác giả đã mượn hình ảnh tấm gương làm chỗ dựa bởi nó luôn phản chiếu một cách trung thực tất cả mọi thứ xung quanh.
c) Bố cục của bài văn:
– Mở bài: đoạn đầu.
– Thân bài: tiếp theo đến … mà lòng không hổ thẹn.
– Kết bài: đoạn còn lại.
Mở bài và Kết bài tương ứng với nhau về ý. Thân bài nói về các đức tính của tấm gương, hướng tới làm nổi bật chủ đề của bài văn.
d) Tình cảm và sự đánh giá của tác giả rõ ràng và chân thực. Điều đó làm cho bài văn giàu sức gợi, thuyết phục và hấp dẫn. Hay nói cách khác, những tình cảm ấy tạo nên giá trị cho bài văn.
2. Biểu cảm trực tiếp
Trong một văn bản, khi người viết công khai thổ lộ tình cảm, tư tưởng (yêu, ghét, vui, buồn, phản đối, ngợi ca,…) của mình trước sự vật, sự việc, con người,… khi đó họ đang biểu cảm một cách trực tiếp. Cách biểu cảm này thường xuyên được dùng trong các tác phẩm trữ tình, nhất là thơ. Chẳng hạn:
Anh đội viên mơ màng Như nằm trong giấc mộng Bóng Bác cao lồng lộng Ấm hơn ngọn lửa hồng Lòng vui sướng mênh mông Anh thức luôn cùng Bác.
(Minh Huệ, Đêm nay Bác không ngủ)
Hay:
Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi của con mà con người ta giằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa! Mẹ xa con, mẹ có biết không?
(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)
3. Biểu cảm gián tiếp
Để có một văn bản tự sự, miêu tả hay, người viết không chỉ phải có tài quan sát và thể hiện bằng các từ ngữ, hình ảnh, bằng lối so sánh, ví von độc đáo,… mà còn phải có tình cảm. Tình cảm ấy có thể là lòng say mê, thái độ trân trọng yêu mến đối với cái đẹp, cái thiện, cái trong sáng, cao thượng,… cũng có thể là sự căm ghét, khinh bỉ đối với cái xấu, cái ác, cái lố lăng, kệch cỡm ở đời. Không có cái tình, dù ngôn ngữ có sắc sảo, phong phú và mới mẻ đến bao nhiêu thì bài văn cũng chỉ là cái xác không hồn, không gây được xúc động trong lòng người đọc. Nhìn chung trong văn xuôi, khi miêu tả, thái độ và tình cảm của người viết thể hiện một cách gián tiếp thông qua cách nhìn nhận sự vật, cách dùng từ ngữ, ví von, so sánh. Phải yêu quê hương và gắn bó với cảnh vật làng quê lắm, nhà văn Vũ Tú Nam mới miêu tả được thế này:
Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ: hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen,… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng nó gọi nhau trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng được. Ngày hội mùa xuân đấy!
(Cây gạo)
Hay, mặc dù không thể hiện trực tiếp nhưng đọc đoạn văn miêu tả sau đây, không ai không nhận ra thái độ châm biếm, giễu cợt và lòng căm ghét của Ngô Tất Tố đối với tên trọc phú Nghị Quế và thói trưởng giả vô học của y:
Ông nghị đâm chéo đôi đũa qua mặt mâm, bưng bát nước canh húp đánh soạt. Rồi ông vừa nhai vừa nuốt, vừa giục thằng nhỏ lấy tăm. Ông bà Nghị, mỗi người nhúng ba ngón tay vào chậu, vuốt qua hai mép một lượt, rồi cùng uống nước xỉa răng … Dứt mạch diễn thuyết, ông Nghị bưng tách nước uống một hớp lớn, xúc miệng òng ọc mấy cái rồi nhổ toẹt xuống nền nhà.
(Tắt đèn)
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Đoạn văn trích từ Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng ở trên biểu hiện tình cảm gì? Dựa vào đâu để nói nó trực tiếp biểu hiện tình cảm?
Gợi ý: Nhân vật trực tiếp bộc lộ trạng thái tình cảm cô đơn, buồn tủi, ước muốn được chở che, thông cảm. Dấu hiệu nhận biết về cách thức biểu cảm là những từ ngữ cảm thán trực tiếp của nhân vật, lời hỏi, lời than.
2. Bài văn Hoa học trò (SGK, tr. 87) biểu cảm trực tiếp hay gián tiếp? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?
Gợi ý: Bằng hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: hoa phượng, Xuân Diệu đã thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế cảm xúc của tuổi học trò trong những ngày hè chia li. Những trạng thái cảm xúc được biểu hiện ở ba đoạn văn mang sắc thái khác nhau, từ bối rối, xuyến xao buồn nhớ đến những khoảnh khắc trống trải, xa vắng và nỗi niềm cô đơn, bâng khuâng nhung nhớ, dỗi hờn. Tất cả đều được tác giả gửi gắm qua hình ảnh hoa phượng, gợi lên từ hoa phượng, hoá thân vào hoa phượng mà thổ lộ tâm tình.