Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
1. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ gồm mấy khúc hát ru ? Trong từng khúc hát ru ấy, những lời nào được lặp lại ? Phân tích ý nghĩa của bố cục, của phép điệp ngữ này.
Trả lời:
Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được chia làm ba khúc, mỗi khúc có hai khổ.
Từng khúc hát ru đều mở đầu bằng “Em cu Tai… đừng rời lưng mẹ” (hai câu) và kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ “Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi…” (bốn câu).
Như vậy, điệu hát ru vừa có sự lặp lại vừa phát triển qua ba khúc của bài thơ.
Suy nghĩ xem bố cục ba phần cân xứng như thế tạo cho bài thơ đặc sắc ra sao.
Chú ý cách ngắt nhịp ở các câu của lời ru. Phân tích cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp như thế tạo cho bài thơ chất nhạc, âm hưởng như thế nào.
2. Trình bày cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ qua những khúc hát ru.
Trả lời:
Để làm bài tập này, cần đọc kĩ từng khúc hát ru và trả lời các câu hỏi người mẹ đang làm gì, đang ước mơ gì. Chú ý các câu thơ diễn tả công việc cụ thể của người mẹ.
– Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
– Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi
– Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Từ ba đoạn thơ, lần lượt hiện lên những công việc cùng tấm lòng của người mẹ trên chiến khu gian khổ. Đó là người mẹ kháng chiến – người mẹ lao động và tham gia chiến đấu với tình yêu thương, lòng bền bỉ, với tinh thần quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi. Người mẹ ấy thắm thiết yêu con và cũng nặng tình thương buôn làng, quê hương, bộ đội, khát khao đất nước được độc lập, tự do.
3. Qua những khúc hát ru, tình cảm, ước mong của người mẹ có sự phát triển, mở rộng như thế nào ? Phát biểu cảm nhận của em về cuộc sống của người dân vùng chiến khu miền tây Thừa Thiên, về không khí thời đại toát lên từ bài thơ này.
Trả lời:
Trong từng khúc hát ru, giữa công việc cụ thể mẹ đang làm với ước mong của mẹ sau đó có mối liên kết chặt chẽ, tự nhiên. Hãy chú ý sự kết nối giữa hai khổ trong từng khúc hát ru để nhận thức sâu sắc điều ấy. Từ đây, tập trung suy nghĩ về ước mong của người mẹ qua ba lần :
– Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân…
– Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi…
– Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do…
Phân tích nội dung cảm xúc của từng khúc ru trên để làm sáng tỏ rằng tình cảm, khát vọng của người mẹ ngày càng lớn rộng, ngày càng hoà cùng công cuộc kháng chiến gian khổ anh dũng của quê hương, đất nước.
Từ các công việc cụ thể người mẹ đang làm, từ sự phát triển, mở rộng của tình cảm, ước mong qua từng khúc hát ru, em hãy trình bày cảm nhận của mình về cuộc sống của người dân chiến khu miền tây Thừa Thiên thời kì ấy (vất vả, gian khổ mà lạc quan như thế nào, kết hợp giữa lao động sản xuất và chiến đấu chống giặc ra sao), trình bày cảm nhận về không khí thời đại toát lên từ bài thơ (chú ý căn cứ vào thời gian sáng tác, vận dụng những hiểu biết về cuộc sống của nhân dân miền Nam trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ).