Soạn bài Làm thơ lục bát
Soạn bài Làm thơ lục bát
Bài tập
1. Cho bài ca dao :
Cậu cai nón dấu lông gà,
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.
(Ngữ văn 7, tập một, trang 51)
a) Hãy đối chiếu bài ca dao trên với mô hình thơ lục bát được cung cấp ở phần Ghi nhớ (SGK, trang 156) để chỉ ra chỗ thuộc trường hợp ngoại lệ.
b) Trường hợp ngoại lệ này có hoàn toàn phù hợp với điều đã nêu ở phần Ghi nhớ không ? Từ đây, có thể rút ra nhận xét gì ?
2. Phần Ghi nhớ về mô hình thơ lục bát ở SGK đã cho biết mối quan hệ về thanh giữa những tiếng ở vị trí 2 và 4, giữa những tiếng ở vị trí 6 và 8.
a) Hãy nhắc lại mối quan hệ ấy.
b) Đọc lại 4 bài ca dao được cung cấp ở trang 51, SGK.
– Hãy chỉ ra ít nhất 4 chỗ thuộc trường hợp ngoại lệ trong mối quan hệ về thanh giữa những tiếng ở các vị trí nêu trên.
– Ngoài trường hợp ngoai lệ trong quan hệ về thanh nói trên, em có nhận thấy điều gì khác về vị trí gieo vần so với mô hình ?
– Từ đây có thể rút ra nhận xét gì ?
3. Có phải bao giờ thơ lục bát cũng gồm những khổ thơ có một câu chỉ có 6 tiếng và một câu chỉ có 8 tiếng không ? Ta thường dùng khái niệm gì để chỉ một bài thơ lục bát có một (hoặc một số) câu thơ không theo đúng quy định về số chữ như ở mô hình ?
4. Hãy dựa vào hiểu biết về vần và căn cứ vào văn cảnh để điền từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu thơ lục bát dưới đây :
a)
Nói ra sợ mất lòng…
Van em em hãy giữ nguyên quê…
Như hôm em đi lễ…
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
( Theo Nguyễn Bính, Chân quê, trong Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam, NXB Văn hoá,
Hà Nội, 1994, trang 102)
b)
Từ ô cửa sổ nhìn …
Ta thấy cô gái, ngôi nhà cái…
Ngôi nhà vôi gạch đang…
Cô gái đang lớn, cái cây chưa già.
( Theo Thanh Thảo, Chuỗi cườm, trong Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam, Sđd, trang 171)
c)
Tìm đồng đội nằm nơi đâu,
Chiến trường xưa đã xanh … cỏ xanh.
Dâng lên một tấm lòng…
Một làn hương mỏng mong …trở về.
( Theo Nguyễn Minh Khang, Tìm đồng đội, trong Một thời đừng quên, NXB Hội Nhà văn,
Hà Nội, 2007, trang 90)
5. Làm hai bài thơ lục bát, mỗi bài có hai khổ (tức bốn câu) với đề tài tự chọn, trong đó một bài có trường hợp ngoại lệ trong mối quan hệ về thanh giữa các tiếng ở vị trí 2 và 4.
Gợi ý làm bài
1. a) Lần lượt đối chiếu theo trình tự sau để tìm ra chỗ ngoại lệ :
– Số tiếng trong mỗi câu.
– Xem xét thanh của các tiếng ở vị trí 6, 8 và mối quan hệ về vần giữa các tiếng ấy.
– Xem xét thanh, của các tiếng ở vị trí 2, 4, 6, 8 và mối quan hệ về thanh giữa các tiếng ở vị trí 2 và 4, giữa các tiếng ở vị trí 6 và 8.
b) Đối chiếu câu có chứa trường hợp ngoại lệ trong bài ca dao này với điều đã nêu trong phần Ghi nhớ ở SGK, sẽ thấy có chỗ không hoàn toàn phù hợp (thanh của tiếng thứ hai là trắc nhưng thanh của tiếng thứ tư vẫn không đổi). Từ đây, có thể thấy, trường hợp ngoại lệ ở thơ lục bát khá phong phú đa dạng, không dễ quy thành công thức.
2. a) Đọc kĩ Ghi nhớ để nhắc lại những quan hệ ấy. Đặc biệt lưu ý, theo mô hình, cả hai tiếng ở vị trí 6 và 8 đều phải thuộc thanh bằng.
b) Cần lưu ý :
– Cả 4 bài đều có trường hợp ngoại lệ (trong quan hệ về thanh giữa tiếng thứ 2 và thứ 4 cũng như giữa tiếng thứ 6 và thứ 8).
– Những tiếng có thanh bằng ở vị trí 4.
– Sự linh động về vị trí gieo vần thường kéo theo trường hợp ngoại lệ về thanh của tiếng thứ 6.
3. – Đọc lại và đếm số chữ những câu thơ trong bài ca dao theo hình thức đối đáp ở cuối trang 37, đầu trang 38 của SGK để trả lời. Có thể và nên tìm các ví dụ khác để minh hoạ thêm.
– Khái niệm đó là lục bát biến thể.
4. – Chúng ta đã nắm được khái niệm vần ở cấp tiểu học.
– Căn cứ vào văn cảnh là cần phải xét đến các mối quan hệ về nội dung cũng như hình thức giữa từ giả định phải tìm với những từ ở trước và sau đó.
+ Tất cả các từ phải tìm đều ở vị trí 6 hoặc 8. Ở các câu này đều không có ngoại lệ về vị trí gieo vần (như ở bài tập 2) nên tất cả các từ (tiếng) cần tìm đều thuộc thanh bằng.
+ Nếu chỉ xét đơn thuần về hình thức, bất cứ một chỗ trống nào cũng có thể điền ít nhất là 2 từ. Muốn xác định từ nào thích hợp nhất, cần phải đọc câu tiếp hoặc những câu tiếp, thậm chí có lúc phải đọc hết cả bài để phát hiện ra lôgic diễn đạt, mạch ý, mạch văn, mối liên hệ giữa các hình ảnh, chi tiết, giữa các từ…, từ đó mới xác định được từ cần tìm.
+ Về trình tự điền chỗ trống, không nhất thiết làm từ trên xuống. Chẳng hạn, ở bài tập 4a, có lẽ cần điền chỗ trống thứ ba trước khi điền chỗ trống thứ hai…, nói chung là chỗ nào điền chắc chắn đúng thì điền trước.
5. – Tên bài học là Làm thơ lục bát song đến đây mới thực sự có bài tập làm thơ lục bát. Sáng tác thơ đã là khó, sáng tác thơ theo đúng quy định về thể thơ càng khó. Ở THCS, HS chỉ mới tập dượt bước đầu. Song chính vì là bước đầu, cần phải thật đúng quy cách. Bốn bài tập ở trên chính là giúp HS nắm vững quy cách làm thơ lục bát. Nếu chưa làm xong 4 bài tập trên, tuyệt đối chưa nên làm bài tập này.
– Nắm vững quy cách, chỉ mới là điều kiện cần. HS còn cần nắm vững các yêu cầu khác :
+ Dù chỉ có 4 dòng vẫn là một văn bản, nên trước hết phải đảm bảo tính chỉnh thể của văn bản. Không thể khổ trước nói một đường, khổ sau nói một nẻo.
+ Với thơ, “tình là gốc” (Bạch Cư Dị), nên phải biểu hiện được tình cảm chân thực, tránh khiên cưỡng, giả tạo.
+ Muốn gây được ấn tượng, tạo được sức hấp dẫn, tình cảm cần được thể hiện một cách độc đáo, tránh mô phỏng, sao chép.
+ Thể hiện tình cảm không có nghĩa là chỉ dùng phương thức biểu cảm trực tiếp. Có thể và cần sử dụng phương thức biểu cảm gián tiếp qua các yếu tố miêu tả, tự sự.
+ Để có thể đạt được những yêu cầu trên, cần phải chọn đề tài thích hợp, gần gũi với cuộc sống, hoàn cảnh bản thân.
– Cần đảm bảo yêu cầu “trong đó một bài có trường hợp ngoại lệ trong mối quan hệ về thanh giữa các tiếng ở vị trí 2 và 4”.
+ Đưa ra yêu cầu này vì tuy gọi là ngoại lệ nhưng là ngoại lệ khá phổ biến trong thơ lục bát. cả 3 đoạn thơ được sử dụng ở bài tập 4 đều có trường hợp ngoại lệ này.
+ Ba trường hợp sau có thể xem là ngoại lệ : thanh của cả hai tiếng đều trắc hoặc đều bằng ; thanh của vị trí 2 là trắc và thanh của vị trí 4 là bằng.