Soạn bài: Làng (Kim Lân) – Ngắn Gọn – Ngữ Văn 9
Bố cục:
– Phần 1 (từ đầu đến “ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”): Ông Hai khi nghe tin tức chiến đấu của quân ta, trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
– Phần 2 (tiếp theo đến “cũng vợi đi được đôi phần”): Tâm trạng phức tạp của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
– Phần 3 (đoạn còn lại): Niềm vui, niềm tự hào, xúc động của ông Hai khi nghe nghe tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Truyện “Làng” đã xây dựng được môt tình huống truyện độc đáo làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê, tình yêu đất nước của nhân vật ông Hai. Đó là tình huống : ông Hai, một người dân làng Dầu rất yêu và tự hào về làng mình đi tản cư lại nghe được tin làng Chợ Dầu đi theo giặc, làng Chợ Dầu làm việt gian, lập làng tề. Cái tin ấy ông nghe từ chính miệng những người tản cư đi qua.
Câu 2:
a. Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện.
– Khi nghe tin đột ngột, “cổ họng ông lão nghẹn ắng lại, da tê rân rân, …ông không thể không tin”
– Ông đi về nhà, mặt cúi gằm xuống đất, về đến nhà ông vật ra gường, nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão tràn ra. Ông đau đớn rít lên, nguyền rủa bọn phản bội.
– Suốt ngày ông Hai ở trong nhà, chẳng chịu đi đâu, ông luôn chột dạ …
– Ông quyết đoạn tuyệt với làng để đi theo kháng chiến, theo cách mạng “Làng thì yêu thật nhưng làng làm Việt Gian thì phải thù”.
– Khi đi nghe tin cải chính làng chợ Dầu không theo giặc ông Hai như được hồi sinh “cái mặt bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên”.
b. Sở dĩ cái tin làng chợ Dầu theo giặc làm ông Hai khổ tâm là vì ông yêu cái làng của mình như đứa con yêu mẹ, tự hào về mẹ, tôn thờ mẹ, một tình yêu hồn nhiên như trẻ thơ. Thế mà, đùng một cái ông nghe được cái tin làng chợ Dầu của ông theo Tây làm Việt gian. Càng yêu làng, hãnh diện, tự hào về làng bao nhiêu thì bây giờ ông Hai lại càng thấy đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu. Ông Hai ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớm, bất ổn trong nỗi tủi nhục ê chề. Thậm chí ông không dám nhắc tới, phải gọi tên cái chuyện phản bội là “chuyện ấy”. Ông tuyệt giao với tất cả mọi người, “không dám bước chân ra đến ngoài” vì xấu hổ.
Câu 3: Câu chuyện giữa ông Hai với thằng con út là một đoạn truyện hết sức cảm động :
– Ông Hai trò chuyện với đứa con nhỏ thực chất là tự nhủ với chính mình, tự giãi bày nỗi lòng mình.
– Qua lời trò chuyện của đứa con, ta thấy:
+ Tình yêu làng của ông Hai vô cùng sâu nặng. Ông muốn khắc ghi vào ký ức con ông rằng “Nhà ta ở làng chợ Dầu”.
+ Tình yêu đất nước, tấm lòng chung thủy với kháng chiến, với cách mang, với Bác Hồ. Đó là tình cảm sâu nặng, bền vững, không bao giờ thay đổi “chết thì chết có bao giờ đám đơn sai”.
– Tình yêu làng quê, yêu đất nước đã gắn bó làm một, hòa quyện trong con người ông Hai trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng bền vững. Tình yêu ấy không chỉ riêng ở ông Hai mà nó chính là tình cảm của nhân vật Việt với làng quê, với đất nước.
Câu 4:
Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật được thể hiện qua tình huống, cách miêu tả cụ thể – đặc biệt sự đặc tả tâm trạng trong nỗi day dứt ám ảnh của ông Hai.
Ngôn ngữ truyện mang đậm tính khẩu ngữ, gần gũi với đời sống.
Luyện tập
Câu 1 (trang 174 SGK) :
Chọn đoạn:
“Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây…”, cái câu nói đó của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông.
Hay là quay về làng?…
Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ,…”
+ Đoạn trích thể hiện tâm trạng vô cùng rối ren phức tạp của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, nửa muốn quay về làng, nửa lại muốn từ bỏ cái làng ấy.
+ Ông Hai muốn quay về làng bởi dẫu sao đó cũng là mảnh đất gắn bó với ông, là quê hương ông luôn mong nhớ trong lòng.
+ Ông muốn từ bỏ làng bởi bây giờ làng đã theo Tây, đã thành làng bán nước, ông trở về làng nghĩa là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ nên ông không còn muốn quay về nữa.
+ Ông Hai vốn yêu làng, yêu nước, hai tình cảm ấy trong ông gắn bó với nhau, càng yêu làng ông lại càng đau khổ, dằn vặt, giận dữ khi nghe tin làng theo Tây.
+ Đoạn trích sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm để miêu tả tâm lí nhân vật.
Câu 2 (trang 174 SGK) :
+ Những truyện ngắn, bài thơ viết về tình cảm quê hương, đất nước: Tre Việt Nam – Nguyễn Duy, Quê hương – Giang Nam.
+ Nét riêng của truyện ngắn Làng: tình cảm quê hương đất nước được đặt trong sự gắn bó khăng khít với nhau, hòa quyện, thống nhất với nhau, tình cảm ấy được làm nổi bật lên trong hoàn cảnh cụ thể là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.
Ý nghĩa – Giá trị
– Qua đoạn trích, học sinh thấy được một cách chân thực, sâu sắc và cảm động tình yêu làng quê và lòng yêu nước cũng như tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư như ông Hai.
– Đồng thời, thấy được nét hay của nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả tâm lí và xây dựng ngôn ngữ nhân vật của tác giả.