Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự
Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự
1. Bài tập 1, trang 99, SGK.
Trả lời:
a) Đoạn văn kể về sự việc cô thanh niên xung phong tên là Phương Định phá một quả bom nổ chậm, ở phần thân bài của truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
b) Sai sót của người chép là : Văn bản gốc dùng ngôi kể thứ nhất – nhân vật Phương Định, xưng “tôi” – nhưng người chép lại dùng các danh từ cô, cô gái và danh từ riêng Phương Định ở 5 câu. Anh (chị) hãy tự sửa lại cho đúng.
c) Từ sự phát hiện và chỉnh sửa đoạn trích, anh (chị) hãy tự rút ra kinh nghiệm về ngôi kể khi viết đoạn văn, bài văn tự sự.
2*. Bài tập 2, trang 99, SGK.
Trả lời:
a) Trước hết, cần đọc lại 9 câu thơ đầu trong đoạn trích Tiễn dặn người yêu (phần in trong SGK) để xác định ý bao trùm và những ý cụ thể của đoạn truyện thơ này.
b) Sau đó, hình dung lại hình ảnh, những cử chỉ và tâm trạng của nhân vật mà văn bản gốc dùng cụm từ “người đẹp anh yêu” để gọi tên. Chú ý : Đề bài yêu cầu “diễn tả cử chỉ và tâm trạng của cô gái bị ép duyên”, hai ý cụ thể.
c) Viết một câu mở đoạn, rồi viết tiếp các câu sau. Có thể mở đoạn như sau : “Người đẹp anh yêu phải gồng gánh theo chồng, chân cất bước mà lòng chẳng thể nguôi ngoai”.
Các câu sau : “Em vừa đi vừa ngoảnh lại để… ngóng, để trông. Mỗi bước em đi xa, lòng càng thêm đau, nỗi nhớ càng bồi hồi…”.
Từ những gợi ý trên, anh (chị) hãy triển khai các câu tiếp theo.
3. Hãy đọc đoạn văn mở bài (từ đầu đến “còn chưa thấy đâu”) và đoạn văn kết bài (từ “Lá thư vỏn vẹn 45 chữ’ đến hết) trong truyện ngắn Điểm tám (phần Gợi ý làm bài, bài Viết bài làm văn số 2 : Văn tự sự, trang 55 – 56 ở sách này) và cho biết :
a) Hai đoạn văn trên có gì giống và khác nhau ?
b) Qua cách viết của tác giả Nguyên Hương, anh (chị) rút thêm được kinh nghiệm gì về cách viết đoạn văn trong bài văn tự sự ?
4. Viết một đoạn văn kể một sự việc nào đó (trong phần mở bài, thân bài hoặc kết bài) của câu chuyện Quả thị kể chuyện mình trở thành chốn nương thân của Tấm… (xem bài tập 4, phần Gợi ý làm bài, bài Lập dàn ý bài văn tự sự, trang 30 ở sách này).
Trả lời:
a) Có thể viết đoạn mở bài như sau :
Câu mở đoạn – câu chủ đề : “Tôi là một quả thị, được sinh ra trong nắng hồng và gió mát của vườn cây nên lớn nhanh như thổi”.
Các câu tiếp sau : “Thân hình tôi tròn trịa, to gần bằng nắm tay người lớn. Da tôi hoe vàng, săn mọng, bao bọc lớp thịt vàng ngọt ngào bên trong, cả người tôi toả mùi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng trong không gian”.
b) Có thể viết một đoạn nào đó ở phần thân bài, ví dụ :
Câu chủ đề : “Một hôm, tôi đang mơ màng đón những cơn gió mát mơn man da thịt thì nghe một tiếng nói thầm, nhỏ nhẹ : Thị ơi, cho tôi gửi thân, nương náu ít ngày…” (Sự việc Tấm tìm đến quả thị để nương nhờ, hoá thân…).
Các câu sau, anh (chị) hãy tự viết tiếp.
c) Đoạn văn kết bài có thể là :
Câu chủ đề : “Thế là từ hôm nay, cô Tấm – người bạn của tôi – được đức vua đón về cung hưởng trọn niềm hạnh phúc mà cô đã bị mẹ con Cám cướp đoạt”.
Từ gợi ý trên, anh (chị) triển khai các câu tiếp theo.