Soạn bài Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ – Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

0

Soạn bài Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ – Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

1. Cho đề bài : Cảm nhận và suy nghĩ của em về hình ảnh ánh trăng trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.
    Hãy trả lời các câu hỏi :
   – Đề bài này có yêu cầu gì ?
   – Để giải quyết yêu cầu ấy cần có các luận điểm nào ? Nên sắp xếp các luận điểm ấy ra sao ?
Trả lời:
   Vận dụng tri thức đã được đọc – hiểu về bài Ánh trăng (Bài 12, Ngữ văn 9, tập một), căn cứ vào yêu cầu của bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ mà xác định yêu cầu cụ thể của đề bài này.
   Mọi người đều biết trăng là một biểu tượng phổ biến trong thơ, nhưng ở mỗi trường hợp trăng lại có ý nghĩa cụ thể riêng.
   Khi tìm các luận điểm cho bài văn, cần đặt hình ảnh ánh trăng trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc gắn với thái độ, tâm trạng của nhân vật trữ tình (tác giả), cần bám chắc vào ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh này. Ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng được kết đọng rõ nhất ở khổ cuối bài thơ. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng các luận điểm của bài nghị luận phải gắn với sự nhận xét, đánh giá của cá nhân người viết, nên có màu sắc cảm xúc.
2. Lập dàn ý chi tiết (theo các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài) cho đề văn sau :
   Vẻ đẹp tình đồng chí trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Trả lời:
   Đọc kĩ phần Ghi nhớ trong SGK để nắm vững yêu cầu đối với từng phần Mở bài, Thân bài, Kết bài của bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, tái hiện các kiến thức khi đọc – hiểu về bài thơ Đồng chí (Bài 10, Ngữ văn 9, tập một) để lập dàn ý theo yêu cầu của đề.
   Bài thơ Đồng chí ra đời vào thời gian nào ? Đề tài vả nét đặc sắc nổi bật của bài thơ ? Vị trí của bài Đồng chí trong thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp ?
   Vẻ đẹp của tình đồng chí trong bài thơ được thể hiện qua các khía cạnh nào ? Từng nội dung cảm xúc, nhận thức ấy đã được Chính Hữu diễn tả qua hình ảnh, ngôn từ ra sao ? Suy nghĩ của em về vẻ đẹp của tình đồng chí và cách thể hiện của nhà thơ ?
   Ý nghĩa của bài thơ Đồng chí là gì ?
3. Nhận xét nghệ thuật diễn tả tâm trạng nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (SGK Ngữ văn 9, tập một).
Trả lời:
   Khi nhận xét nghệ thuật diễn tả tâm trạng cô đơn của nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du ở đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, cần chú ý biện pháp tả cảnh ngụ tình, sử dụng biện pháp nghệ thuật này, ngòi bút Nguyễn Du rất uyển chuyển, linh hoạt và rất sâu sắc.
   – Tâm trạng cô đơn của nhân vật được thể hiện qua khung cảnh thiên nhiên, qua cảm nhận không gian và thời gian.
   – Tâm trạng cô đơn của nhân vật được bộc lộ trực tiếp gắn với những cảnh vật gợi cảm tương ứng với thân phận. Cách dùng điệp ngữ “Buồn trông” như diễn tả nỗi buồn lớp lớp khôn nguôi, dự cảm ngày một rõ về thân phận mong manh, chìm nổi, bất an của nhân vật.
   Việc phân tích này cần gắn với những nhận xét, đánh giá về tấm lòng, tài năng của Nguyễn Du chứ không nên sa vào phân tích lại đoạn trích đã học.
4. Tìm các luận điểm cho phần Thân bài đối với đề bài sau : 
   Phân tích tấm lòng thành kính và niềm xúc động thiết tha của Viễn Phương trong bài thơ “Viếng lăng Bác “.
   Để làm sáng tỏ luận điểm niềm xúc động thiết tha, theo em, cần những luận cứ gì ?
Trả lời:
   Cần xác định được quan hệ gần gũi nhưng vẫn mang nội dung khác nhau của hai luận điểm tấm lòng thành kính và niềm xúc động thiết tha của Viễn Phương ở bài thơ Viếng lăng Bác.
   Khi phân tích, nhận xét một nội dung cảm xúc nào đó trong một bài thơ trữ tình, cần chú ý đến những biểu hiện cụ thể của nó (hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu,…).
5. Khi lập dàn ý cho đề bài “Cảm nghĩ về tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ Nói với con của Y Phương”, một học sinh đã nêu các luận điểm (cho phần Thân bài) như sau :
   a) Tình cảm của người cha đối với con gắn liền tình cảm gia đình ấm cúng, hoà trong tình yêu thiên nhiên quê hương giàu đẹp.
   b) Người cha đã truyền cho con lòng tự hào đối với ý chí lớn lao, tinh thần bền bỉ của con người quê hương, đối với cội nguồn dân tộc.
   c) Tình cảm của người cha gắn liền mong muốn cho con nhanh chóng trưởng thành, xứng đáng với truyền thống cao đẹp của quê hương, tự tin mà vững bước trên đường đời.
   Theo em, các luận điểm ấy có đúng không, đã đủ cho việc giải quyết yêu cầu của đề chưa, đã được sắp xếp hợp lí chưa ?
   Nếu cần làm sáng tỏ luận điểm (b), em sẽ nêu các luận cứ như thế nào ?
Trả lời:
   Vận dụng những kiến thức về bài thơ Nói với con khi được đọc – hiểu và cách tìm, nêu luận điểm trong bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ để suy nghĩ về các luận điểm được bạn học sinh đó đưa ra.
   Suy nghĩ xem ý chí lớn lao, tinh thần bền bỉ của con người quê hương, truyền thống của dân tộc,… đã được Y Phương diễn tả trong cảm xúc như thế nào, bằng những hình ảnh gợi cảm ra sao.
6. Đọc đoạn văn sau rồi trả lời câu hỏi : Tác giả đã nêu nhận định về vấn đề gì ? Đâu là câu chủ đề của đoạn văn ? Nhận xét về sự liên kết giữa các câu trong đoạn văn.
   “Thơ là đi giữa Nhạc và Ý. Rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý :
                                      Ai đi Nam Bộ
                                      Tiền Giang, Hậu Giang
                                      Ai vô Thành phố
                                      Hồ Chí Minh
                                      Rực rỡ tên vàng.
 
                                      Ai về thẵm bưng biền Đồng Tháp
                                      Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp
                                      Nơi chôn rau cắt rốn của ta !
                                      Ai đi Nam – Ngãi, Bình – Phú, Khánh Hòa…
   Trong sóng nhạc cuồn cuộn, những ý nổi lên, như đẩy nhạc đi, như giữ nhạc lại. Và chính là cái hơi nhạc đã thức dậy rồi lại phủ lên những ý này. Một đoạn thơ chỉ xem thôi thì không hiểu hết cái hay, phải đọc nó lên, để cho tất cả khả năng của nó biểu hiện ra trong âm nhạc.”
(Theo Chế Lan Viên, Nghĩ cạnh dòng thơ,
NXB Văn học, Hà Nội, 1981)
Trả lời:
   Một đoạn văn phải có một ý (luận điểm) nào đó. Các câu trong một đoạn văn cần được liên kết một cách chặt chẽ, tự nhiên. Suy nghĩ xem những đặc điểm ấy được thể hiện ở đoạn văn của Chế Lan Viên như thế nào. Phân tích cách nêu luận điểm (nhận định), cách lập luận, chứng minh, kết luận của Chế Lan Viên.
7. Kết thúc Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật viết :
                                      Không có kính, rồi xe không có đèn,
                                      Không có mui xe, thùng xe có xước,
                                      Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước :
                                      Chỉ cần trong xe có một trái tim.
   Hãy phân tích khổ thơ để làm nổi bật phong thái hiên ngang, tinh thần dũng cảm của những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Trả lời:
   Chú ý viết bài văn có chủ đề, nội dung xác định theo yêu cầu. Các câu trong bài văn cần được liên kết chặt chẽ và thể hiện được nhận xét, rung cảm của mình trước hình ảnh, giọng điệu,… của khổ thơ.
8. Trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, em thích nhất hình ảnh nào, câu thơ nào ? Hãy trình bày cảm nhận của mình về hình ảnh và những câu thơ ấy.
 Trả lời:
   Chọn một hình ảnh hoặc một câu thơ mà em thực sự yêu thích trong bài Mùa xuân nho nhỏ. Bài văn trình bày cảm nhận phải gắn với việc chỉ ra, bình luận cái hay, cái đẹp của hình ảnh, câu thơ ấy và chứng tỏ được rung cảm chân thành của người viết.

Leave a comment