Soạn bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam

0

Soạn bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam

1. Anh (chị) hãy cho biết:
a) Văn học dân gian khác văn học viết như thế nào ? Vì sao ?
b) Những điểm nổi bật nhất về nội dung và nghệ thuật của văn học dân gian.
c) Trong phần văn học dân gian vừa học, anh (chị) thích nhất tác phẩm nào ? Vì sao ?
Trả lời:
a) Phân biệt văn học dân gian và văn học viết:
Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng khởi đầu có thể do một người làm ra rồi được hình thành, tồn tại, phát triển nhờ tập thể và gắn bó mật thiết với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Còn văn học viểt vốn là tiếng nói của cá thể nghệ sĩ, in rõ dấu ấn của nghệ sĩ trong cảm hứng, phong cách và nghệ thuật sáng tác.
b) Những điểm nổi bật nhất của văn học dân gian :
– Về nội dung: Là sáng tác tập thể của quần chúng lao động nên nội dung của văn học dân gian mang tính nhân dân rõ rệt và sâu sắc ; tư tưởng đúng đắn, tiến bộ ; quan điểm thực tiễn ; tinh thần lạc quan, lòng yêu đời, yêu thương đồng loại; tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với cái ác ; tình cảm đối với làng xóm, quê hương ; lòng yêu nước, ý thức dân tộc. Trong văn học dân gian, cuộc sống của người lao động hiện lên chân thực với niềm vui, nỗi buồn, có cả cay đắng, xót xa nhưng vẫn lạc quan, yêu đời với những ước mơ nhân đạo cao cả. Có thể xem văn học dân gian là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc trong quá khứ.
– Về nghệ thuật : Văn học dân gian là kết tinh nghệ thuật ngôn từ của nhân dân nên mang những nét đẹp riêng, trong đó đáng chú ý là sự lặp lại các hình ảnh và chi tiết có giá trị nghệ thuật và lối diễn đạt bằng một số công thức truyền thống in đậm sắc thái dân gian.
c) Anh (chị) nêu tác phẩm mình thích nhất và phân tích rõ lí do.
2. Hoài Thanh có nhận xét:
Văn nghệ dân gian Việt Nam biểu hiện tài năng sáng tạo, óc thực tiễn và trí tưởng tượng phong phú của người lao động Việt Nam.
(Nhiều tác giả, Những ý kiến về văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969)
Anh (chị) hãy chứng minh nhận định trên.
Trả lời:
– Ỷ kiến của Hoài Thanh nói về văn nghệ dân gian, nhưng trong văn nghệ dân gian có văn học dân gian.
 
– Nhận xét đó có ba ý : tài năng sáng tạo ; óc thực tiễn ; trí tưởng tượng phong phú của người lao động Việt Nam.
 
– Xem xét phần văn học dân gian vừa học, ta thấy có đủ cả ba ý trên :
 
+ Tài năng sáng tạo : chứng minh qua nghệ thuật của các thể loại văn học dân gian (hư cấu, tưởng tượng trong truyện dân gian ; ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng trong ca dao).
 
+ Óc thực tiễn : chứng minh qua tục ngữ, câu đố, truyện cười, vè và một số câu ca dao.
 
+ Trí tưởng tượng phong phú : chứng minh qua thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười,…
 
3. Phần văn học dân gian trong Ngữ văn 10, tập một đã giúp anh (chị) thấy rõ cội nguồn, truyền thống và bản sắc của dân tộc như thế nào ?
Trả lời:
– Cội nguồn, truyền thống và bản sắc của dân tộc – tất cả đều được thể hiện trong văn học dân gian một cách đậm đà và rõ nét, vì dân gian chính là dân tộc, dân gian bộc lộ rõ nhất gương mặt dân tộc trong quá khứ.
– Anh (chị) tự chứng minh qua những gì mà mình đã thu nhận được từ các tác phẩm văn học dân gian vừa học về ba ý : cội nguồn, truyền thống, bản sắc dân tộc.
4. Viết bài thu hoạch về những vấn đề anh (chị) tâm đắc nhất sau khi học xong phần văn học dân gian.
Trả lời:
Anh (chị) có thể tự chọn vấn đề tâm đắc nhất, có thể là :
– Nội dung đúng đắn, tiến bộ ; tình cảm trong sáng, lành mạnh ; những ước mơ nhân đạo trong văn học dân gian.
– Những nét đẹp về nghệ thuật của văn học dân gian (kết cấu, ngôn ngữ, cách diễn đạt, hình ảnh, biểu tượng, các biện pháp tu từ,…).
– Một tác phẩm, một nhân vật cụ thể (Đăm Săn, Mị Châu, Tấm,…).
– Một số đặc điểm nổi bật : yếu tố kì ảo trong truyền thuyết, truyện cổ tích ; các hình thức lặp lại trong ca dao ; nghệ thuật gây cười trong truyện cười.
5. Sưu tầm và chép vào sổ tay văn học một số ý kiến của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học,… về văn học dân gian nói chung hoặc về từng thể loại nói riêng.
Trả lời:
Tham khảo một số ý kiến sau :
(1)   Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử, mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lí tưởng hoá, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hoá mà đời đời con người ưa thích.
(Phạm Văn Đồng, Nhân ngày giỗ Tổ vua Hùng,
báo Nhân dân, số 549, ngày 29 – 4 – 1969)
(2)   Trong các truyện cổ tích, điều trước tiên có tác dụng giáo dục là sự “hư cấu” – cái khả năng kì diệu của trí óc chúng ta có thể nhìn xa về phía trước hiện tượng !
(M. Go-rơ-ki, Về truyện cổ tích)
(3)   Phát sinh vì dân tộc, sống còn nhờ dân tộc, ca dao là kết tinh thuần tuý của tinh thần dân tộc.
(Thuần Phong, Ca dao giảng luận,
Á Châu xuất bản, 1958)

Leave a comment