Soạn bài Phương châm hội thoại
Soạn bài Phương châm hội thoại
A. Các phương châm hội thoại
I. Phương châm về lượng:
1. Đọc ngữ liệu 1 và 2 trong sách giáo khoa.
2. Nhận xét:
a. Ví dụ 1:
– Điều An muốn biết là một địa điểm cụ thể nào đó, ví dụ: bể bơi, sông, hồ…Vậy,câu trả lời của Ba “ở dưới nước” không đáp ứng được điều mà An muốn biết.
– Lẽ ra, câu trả lời ấy phải là: “Tớ học bơi ở Câu lạc bộ, bể bơi A…”
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, cần nói có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp.
b. Ví dụ 2:
– Truyện này gây cười vì các nhân vật nói nhiều hơn những gì cần nói, khoe lợn cưới, khoe áo mới.
– Lẽ ra:
+ Chỉ cần hỏi: “Bác có thấy con lợn nào chạy qua đây không?”
+ Chỉ cần trả lời: “(Nãy giờ), tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!”.
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, không nên nói nhiều hơn những gì cần nói.
3. Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 9:
Khi giao tiếp, cần nói cho đúng nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa(Phương châm về lượng).
II. Phương châm về chất:
1. Đọc ngữ liệu trong sách giáo khoa.
2. Nhận xét:
– Truyện cười này phê phán tính nói khoác, nói sai sự thật.
– Như vậy trong giao tiếp, cần tránh nói những điều mà mình không tin là đúng, hay không có bằng chứng xác thực ( Phương châm về chất)
3. Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 10:
III. Phương châm quan hệ:
– Thành ngữ “Ông nói gà, bà nói vịt” chỉ tình huống hội thoại: Mỗi người nói một đằng, không khớp, không hiểu nhau.
– Nếu xuất hiện những tình huống hội thoại như vậy, mọi người sẽ không giao tiếp được.
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề ( Phương châm quan hệ)
* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 21:
IV. Phương châm cách thức:
1. Đọc ngữ liệu 1 và 2 trong sách giáo khoa:
2. Nhận xét:
a. Ví dụ 1:
– Thành ngữ:
+ “Dây cà ra dây muống” chỉ cách nói dài dòng, rườm rà.
+ “Lúng búng như ngậm hột thị” chỉ cách nói ấp úng, không thành lời, không rõ ràng.
– Những cách nói đó đều khiến người nghe khó tiếp nhận, hoặc tiếp nhận không đúng nội dung.
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp cần nói ngắn gọn, rành mạch.
b. Ví dụ 2:
“Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy”.
– Câu trên có thể hiểu theo hai cách:
+ Nếu “của ông ấy” bổ sung ý nghĩa cho “nhận định” thì có thể hiểu là: Tôi đồng ý với những nhận định của ông ấy về truyện ngắn.
+ Nếu “của ông ấy” bổ sung ý nghĩa cho “truyện ngắn” thì có thể hiểu là: Tôi đồng ý với những nhận định của ai đó về truyện ngắn của ông ấy”.
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, nếu không vì một lí do nào đó đặc biệt thì không nên nói những câu mà có thể hiểu theo nhiều cách. Bởi vì như vậy, sẽ khiến người khác khó hiểu.
3. Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 22:
Khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch; tránh cách nói mơ hồ (Phương châm cách thức).
V. Phương châm lịch sự:
– Đọc ngữ liệu “Người ăn xin” trong sách giáo khoa.
– Nhận xét: Đọc câu chuyện ta thấy tuy cả hai nhân vật ông lão ăn xin và cậu bé đều không có tiền bạc, của cải gì để cho và để nhận những cả hai đều nhận được một thứ còn quý trọng hơn tiền bạc: tình cảm mà người kia đã dành cho mình. Ở cậu bé, đó là thái độ tôn trọng, không tỏ ra khinh miệt, xa lánh người ăn xin. Còn ông lão lại cũng rất chân thành và tôn trọng trước cách ứng xử ấy.
– Bài học rút ra: Trong giao tiếp, dù địa vị xã hội và hoàn cảnh của người đối thoại như thế nào, thì người nói cũng phải tôn trọng đối tượng giao tiếp.
* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 23:
VI. Quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp:
– Đọc ngữ liệu “Chào hỏi” trong sách giáo khoa.
– Nhận xét:
+ Nhân vật chàng rể chào hỏi là đã tuân thủ đúng phương châm lịch sự. Tuy nhiên, lời chào hỏi đó không đúng lúc, đúng chỗ, nên đã gây phiền hà, quấy rối công việc của người đốn củi.
– Bài học rút ra: Không nên tuân thủ phương châm hội thoại một cách cứng nhắc, mà phải vận dụng một cách đúng lúc, đúng chỗ.
* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 36:
VII. Những trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại:
1. Bài 1:
– Ngoại trừ tình huống ở phương châm lịch sự, còn lại tất cả đều không tuân thủ p/c hội thoại.
2. Bài 2:
– Câu trả lời của Ba không đáp ứng được nhu cầu thông tin như An mong muốn. ( Ba không tuân thủ phương châm về lượng vì thiếu thông tin An mong muốn).
– Ba không tuân thủ phương châm hội thoại ấy vì không biết chính xác thông tin.
3. Bài 3:
– Bác sĩ có thể không tuân thủ phương châm về chất.
– Mục đích làm cho người bệnh không bi quan sợ hãi, để cùng chiến đấu với bệnh tật.
– Tình huống tương tự: Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt –không khai sự thật những gì mình biết về đồng đội, về bí mật của đơn vị…
4. Bài 4:
– Xét về nghĩa hiển ngôn ( điều diễn đạt trực tiếp), thì câu“Tiền bạc chỉ là tiền bạc” không tuân thủ phương châm về lượng, bởi vì nó dường như không cho người nghe thêm một thông tin nào.
– Xét về nghĩa hàm ẩn, thì câu nói này vẫn tuân thủ phương châm về lượng.
– Phải hiểu ý nghĩa: Đây là lời răn dạy người ta không nên chạy theo tiền mà quên đi những thứ khác quan trọng trong cuộc sống.
* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 37.
B. Luyện tập:
Bài tập 1, sách giáo khoa, trang 10:
a. Nói “Trâu là một loài gia súc nuôi ở nhà” là thừa cụm từ “nuôi ở nhà” vì loài gia súc nào cũng nuôi ở nhà.
b. Thừa cụm từ “có hai cánh” vì tất cả các loài chim đều có hai cánh.
Bài tập 2, sách giáo khoa, tranh 10:
a. nói có sách, mách có chứng.
b. nói dối.
c. nói mò.
d. nói nhăng nói cuội.
e. nói trạng.
=> Các từ ngữ trên đều chỉ những cách nói liên quan đến phương châm về chất.
Bài tập 3, sách giáo khoa, trang 11:
Câu hỏi “Rồi có nuôi được không?” vi phạm phương châm về lượng. Vì hỏi một điều rất thừa.
Bài tập 4. sách giáo khoa, trang 11:
a. Khi sử dụng các cụm từ “như tôi được biết, tôi tin rằng, nếu tôi không lầm thì, tôi nghe tin,theo tôi nghĩ, hình như là,…” người nói thể hiện thái độ thận trọng, không khẳng định điều mà mình nói ra là hoàn toàn xác thực -> Đảm bảo tuân thủ phương châm về chất.
b. Khi sử dụng các cụm từ “như tôi đã trình bày, như mọi người đều biết”. người nói muốn báo cho người nghe biết là việc nhắc lại nội dung đã cũ là có chủ ý. -> Đảm bảo tuân thủ phương châm về lượng.
Bài tập 5, sách giáo khoa, trang 11:
– “Ăn đơm nói đặt”:vu khống, đặt điều.
– “Ăn ốc nói mò”:nói vu vơ không có bằng chứng