Soạn bài Sài Gòn tôi yêu – Mùa xuân của tôi

0

Soạn bài Sài Gòn tôi yêu – Mùa xuân của tôi

Bài tập
1. Câu 1, trang 172, SGK.
2. Phân tích cách cảm nhận khá tinh tế của tác giả về đặc điểm của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn trong phần đầu bài tuỳ bút.
3. Những điểm gì là nét tính cách chung nổi bật của con người Sài Gòn đã được tác giả nhận xét và chứng minh trong bài văn ?
4. Ngoài Sài Gòn, trên đất nước ta em còn biết vùng nào có những đặc điểm riêng nổi bật về thiên nhiên, môi trường và tính cách con người ở đó ? Hãy nêu vài nhận xét về đặc điểm của vùng ấy.
5. Qua sự cảm nhận và trình bày của tác giả trong bài Mùa xuân của tôi thì thiên nhiên mùa xuân miền Bắc đã khơi dậy trong lòng người những cảm xúc và tình cảm như thế nào và vì sao mùa xuân lại có tác động như vậy với con người ?
6. Câu 5*, trang 178, SGK.
7. Viết một đoạn văn diễn tả cảm xúc của mình về cảnh sắc mùa xuân ở quê hương em (nếu nơi đó khí hậu không có bốn mùa rõ rệt thì có thể nói về một mùa nào đó, như mùa mưa hay mùa nắng, mà em có ấn tượng đậm nhất).

 
Gợi ý làm bài
1. Trong bài Sài Gòn tôi yêu, tác giả đã thể hiện sự cảm nhận của mình về thành phố này trên các phương diện sau : thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, cư dân và nét tính cách nổi bật của con người Sài Gòn. Có thể còn nhiều phương diện khác cần được tìm hiểu về mảnh đất ấy, nhưng những điều tác giả nói đến trong bài là những phương diện quan trọng, nổi bật dễ thấy và thường gây ấn tượng ngay đối với một người từ nơi khác đến.
   HS đọc kĩ lại văn bản và lập dàn ý của bài văn, nhận xét về trình tự sắp xếp các ý trong bài văn.
2. Sự cảm nhận tinh tế của tác giả về thiên nhiên, khí hậu đặc biệt của Sài Gòn được thể hiện ở :
– Cảm nhận qua nhiều hiện tượng thời tiết với những nét riêng (nắng sớm, gió lộng buổi chiều, cơn mưa nhiệt đới ào ạt và mau dứt).
– Cảm nhận về sự thay đổi nhanh chóng, đột ngột của thời tiết (trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thuỷ tinh).
– Cảm nhận về không khí, nhịp điệu cuộc sống đa dạng của thành phố trong những thời khắc khác nhau (đêm khuya thưa thớt tiếng ồn, phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm, cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương, làn không khí mát dịu, thanh sạch).
   Trong đoạn văn này, tác giả đã sử dụng biện pháp điệp từ ở đầu câu và điệp cấu trúc câu để tạo hiệu quả nhấn mạnh tình cảm của mình và thể hiện sự phong phú, nhiều vẻ của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn.
3. Theo nhận xét của tác giả, nét tính cách nổi bật của người Sài Gòn là : tự nhiên, chân thành, bộc trực, dễ cởi mở, mạnh bạo mà vẫn ý nhị. Tác giả đã chứng minh những nhận xét bằng sự hiểu biết lâu bền của mình về con người Sài Gòn suốt gần năm mươi năm được gần gũi họ. Những nét tính cách ấy được biểu hiện trong đời sống hằng ngày và cả trong những hoàn cảnh thử thách của lịch sử.
4. Nhiều vùng trên đất nước ta có những đặc điểm rõ nét về cảnh quan thiên nhiên, môi trường và tính cách con người (ví dụ : Hà Nội, Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ,…). Tuỳ theo sự hiểu biết của mình mà HS chọn nêu một vùng nào đó với vài ba nét nổi bật về thiên nhiên và con người ở đó.
5. Bài tuỳ bút của Vũ Bằng đã diễn tả rất gợi cảm và tinh tế không khí và khung cảnh mùa xuân ở miền Bắc cùng với những tác động của nó đến lòng người. Mùa xuân đã khơi dậy ở con người sức sống tiềm tàng và làm cho nó trở nên mạnh mẽ, làm bừng dậv lòng yêu đời, khao khát sống và yêu thương. Mùa xuân cùng với ngày Tết cũng là dịp sum họp của gia đình, nó thôi thúc trong lòng người tình cảm gia đình gắn bó, hướng về cội nguồn tổ tiên.
   Để trả lời câu hỏi : “Vì sao mùa xuân lại có tác động như vậy đối với con người ?”, em hãy suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người và môi trường, về sự thống nhất của con người và giới tự nhiên trong quy luật tuần hoàn của thời tiết.
6.* Cảnh sắc mùa xuân miền Bắc được miêu tả trong bài tuỳ bút này vừa cụ thể, vừa bao quát và đặc biệt rất gợi cảm. Nó gồm cả cảnh vật thiên nhiên và những cảnh sinh hoạt của con người từ ngoài xã hội đến trong gia đình, về cảnh sắc thiên nhiên, tác giả đã gợi tả được thời tiết, khí hậu đặc biệt của mùa xuân, vừa có cái lạnh của “mưa riêu riêu, gió lành lạnh” như từ mùa đông còn vương lại, nhưng lại có cái ấm áp, nồng nàn của khí xuân, hơi xuân tràn ngập trời đất và thấm vào lòng người.
   Em cần nêu ấn tượng đậm nét của mình về cảnh sắc mùa xuân miền Bắc qua sự miêu tả của tác giả.
7. Em tự viết đoạn văn theo sự quan sát và cảm xúc của mình. Chú ý không biến đoạn văn thành bài văn miêu tả thuần tuý mà cần tập trung biểu hiện cảm xúc, tình cảm của mình trước cảnh mùa xuân.

Leave a comment