Soạn bài Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

0

Soạn bài Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

1. Bài tập 1, trang 13 – 15, SGK.

NGỌC HOÀNG XỬ TỘI RUỒI XANH
    Do loài người phát đơn kiện, Ngọc Hoàng Thượng đế mở phiên toà công khai xử tội loài ruồi. Ngọc Hoàng truyền cho vệ sĩ Nhện điệu Ruồi xanh lên điện, đập bàn thị uy:
   – Ruồi kia, loài người kiện mi làm hại chúng sinh, mau mau khai ra tên họ, chủng loại và nơi ở !
   Ruồi sợ hãi quỳ thưa trước vành móng ngựa :
   – Con là Ruồi xanh, thuộc họ côn trùng hai cánh mắt lưới. Họ hàng con rất đông, gồm Ruồi trâu, Ruồi mắt đỏ, Ruồi nhà… Nơi ở là nhà xí, chuồng lợn, chuồng trâu, nhà ăn, quán vỉa hè…, bất kì chỗ nào có thức ăn mà không đậy điệm con đều lấy làm nơi sinh sống.
   Ngọc Hoàng yêu cầu Thiên Tào tra sổ xác nhận rồi cho đọc cáo trạng : “Bị cáo Ruồi bị cáo buộc hai tội. Một là sống nơi dơ bẩn, mang nhiều vi trùng gieo rắc bệnh tật. Các nhà khoa học cho biết bề ngoài con ruồi mang 6 triệu vi khuẩn, trong ruột chứa đến 28 triệu vi khuẩn. Chúng gieo rắc bệnh tả, kiết lị, thương hàn, viêm gan B. Tội thứ hai là sinh đẻ nhanh quá mức, vô kế hoạch. Mỗi đôi ruồi, trong một mùa từ tháng 4 đến tháng 8, nếu đều mẹ tròn con vuông sẽ đẻ ra 19 triệu tỉ con ruồi, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái”.
   Một luật sư biện hộ nói: “Ruồi tuy tội nhiều nhưng nó cũng có nét đặc biệt ví như mắt lưới, một mắt chứa hàng triệu mắt nhỏ; chân ruồi có thể tiết ra chất dính làm cho nó đậu được trên mặt kính mà không trượt chân. Nếu con người biết bắt chước mắt ruồi mà làm máy chụp ảnh, mô phỏng chân ruồi mà làm giày leo núi thì cũng hay. Đó đều là tình tiết giảm nhẹ tội cho ruồi”.
   Ngọc Hoàng cân nhắc, tuyên phạt Ruồi khổ sai chung thân ; truyền cho chim chóc, cóc, nhái, thằn lằn, kiến, nhện ra sức giết bớt ruồi, không cho đẻ nhiều. Ngọc Hoàng lại nói với Người: “Ruồi có tội mà con người cũng có lỗi. Con người phải thường xuyên làm vệ sinh, đậy điệm thức ăn, nhà xí, chuồng trại phải xây dựng theo lối mới thì mới ngăn chặn ruồi sinh sôi và hạn chế tác hại của ruồi được”.
   Lời tuyên án của Ngọc Hoàng làm cho các loài vật phấn khởi, còn con người thì trầm ngâm nghĩ ngợi.
 (Tường Lan)
    Câu hỏi :
    a) Văn bản có tính chất thuyết minh không ? Tính chất ấy thể hiện ở những điểm nào ? Những phương pháp thuyết minh nào đã được sử dụng ?
    b) Văn bản thuyết minh này có nét gì đặc biệt ? Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào ?
    c) Các biện pháp nghệ thuật ở đây có tác dụng gây hứng thú và làm nổi bật nội dung cần thuyết minh hay không ?
Trả lời:
Bài văn thuyết minh về loài ruồi, sử dụng các phương pháp định nghĩa, phân loại, thống kê,… Bài văn còn sử dụng biện pháp hư cấu, nhân hoá, vẽ ra một cuộc xử án, có bên nguyên, bên bị, có người bào chữa, lí lẽ có lôgíc, gây hứng thú cho người đọc.
2. Bài tập 2, trang 15, SGK.

Đọc đoạn văn sau và nêu nhận xét về biện pháp nghệ thuật được sử dụng để thuyết minh.
     Bà tôi thường kể cho tôi nghe rằng chim cú kêu là có ma tới. Tôi hỏi vì sao thì bà giải thích : “Thế cháu không nghe tiếng cú kêu thường vọng từ bãi tha ma đến hay sao ?”. Sau này học môn Sinh học tôi mđi biết là không phải như vậy. Chim cú là loài chim ăn thịt, thường ăn thịt lũ chuột đồng, kẻ phá hoại mùa màng. Chim cú là giống vật có lợi, là bạn của nhà nông. Sở dĩ chim cú thường lui tới bãi tha ma là vì ở đó có lũ chuột đồng đào hang. Bây giờ mỗi lần nghe tiếng chim cú, tôi chẳng những không sợ mà còn vui vì biết rằng người bạn của nhà nông đang hoạt động.
Trả lời:
Đoạn văn thuyết minh chim cú gắn với hồi ức tuổi thơ, với nhận thức mê tín thuở bé. Tri thức khoa học đã đẩy lùi sự ngộ nhận ngây thơ.
3. Cho tư liệu sau, viết một bài thuyết minh về nghề nuôi tằm, có sử dụng một số biện pháp nghệ thuật:
Để nuôi tằm sơ sinh, người ta chọn lá dâu non, xắt mỏng. Dao xắt là một loại chuyên dùng gọi là dao dâu, có lưỡi dài khoảng 50 cm, to bản, mũi bằng và sắc bén. Cán dao cũng dài tương đương với lưỡi. Tằm trưởng thành ăn rất bạo. Chỉ trong chốc lát, chúng nuốt chửng một lượng lá dâu tương đương với trọng lượng của cơ thể chúng.
Người ta cho tằm ăn bằng cách đổ phủ lá dâu, có khi để nguyên lá với cành vào nong có tằm. Vài giờ sau, tằm ăn lá hết sạch. Tằm ăn từ mép lá ăn vào, tạo thành hình vòng cung.
Trồng dâu và nuôi tằm, người ta luôn giữ vệ sinh môi trường. Điều tối kị hàng đầu là mùi thuốc lá. Gần ruộng dâu, không được trồng thuốc lá, dù là trồng ít. Vì thuốc lá làm cho cây dâu chết hàng loạt. Một điều tối kị khác là mùi súc vật chết. Xác súc vật chết không được bỏ vào ruộng dâu. Tằm ăn lá dâu có bón xác súc vật chết sau đó sẽ không ăn lá dâu khác nữa. Vì vậy khi phát hiện có xác súc vật chết trôi sông gần bãi dâu, người ta phải vớt đem đốt và chôn ở cách xa ruộng dâu, bảo vệ môi trường tinh khiết cho tằm.
Tằm ăn khoảng 15 kg lá dâu sẽ cho khoảng 1 kg kén tươi. Mỗi ổ kén cho một sợi tơ đơn dài chừng 800 m trở lên. Ươm khéo người ta đạt được kết quả : cứ 7 kg kén, có thể thu được 1 kg tơ nõn, tức là 100 tới 130 kg tơ trên 1 ha trồng dâu. Nuôi tằm hiệu quả hơn trồng lúa, cho nên có câu : “Làm ruộng ba năm, không bằng nuôi tằm một lứa”.
(Theo Làng nghề truyền thống Việt Nam)
Trả lời:
Có thể kể lại bằng cách để con tằm tự kể chuyện mình, hoặc hư cấu câu chuyện con tằm bỏ ăn, hỏi nguyên do thì tằm trả lời rằng lá dâu thiêu tính khiết,… Như thế câu chuyện sẽ thú vị.
4. Đọc bài văn sau và chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng.
Lúc bé dưới nước, áo đen
Lớn khôn áo lục nhẩy lên trên bờ.
Biết bơi, biết hát, biết bò
Có đầu khôngcổ, mắt không lông mi, lông mày.
Đó là một câu đố nêu được một số nét tiêu biểu của con ếch : Khi mới nở là con nòng nọc ếch ở dưới nước, có màu đen. Khi lớn lên, ếch mới có màu xanh lục. Ếch không có cổ, mắt không có lông mi, lông mày.
Ếch là động vật nhỏ sống lưỡng thê, vừa ở nước vừa ở trên cạn. Lưng ếch có màu xanh vàng hay màu nâu xám, điểm một số chấm đen. Ếch có tài giấu mình. Trong đám cỏ xanh hay trong hồ nước nếu không chú ý thì không nhận ra ếch ở đâu. Khi có động, chỉ cần hai ba bước là ếch nhảy tùm xuống nước, hoặc nhanh nhẹn nhảy khỏi mặt nước lao vào đám cỏ rậm.
Cơ thể ếch có cấu tạo đặc biệt. Khi ở dưới nước, nếu cá thở bằng mang thì ếch thở bằng phổi và bằng da, tim ếch có thêm một ngăn. Trên cạn, ếch thở bằng phổi, nhưng da ếch có chất nhầy làm cho da ướt, dù ở nơi khô ráo ếch vẫn thích nghi được.
Chân sau của ếch là một công cụ để bơi. Bàn chân có màng như mái chèo bơi rất đẹp. Chả thế mà con người có kiểu bơi gọi là “bơi ếch”. Lưỡi ếch mới thật đặc biệt. Lưỡi ếch dài hơn lưỡi người, cuống lưỡi gắn với cơ ở răng trước. Đầu lưỡi lại chẻ làm hai, như cái móc cuốn vào trong, mặt lưỡi có chất dính. Côn trùng hễ bị ếch “liếm” trúng là dính ngay vào lưỡi, không chạy thoát được. Miệng ếch lại có một hàm răng nhỏ mà dày, khi côn trùng bị ngậm trong miệng ếch thì hết đường thoát.
Ếch là giống vật ăn các côn trùng có hại, mỗi ngày mỗi con ếch có thể bắt ăn hơn một trăm con côn trùng. Ếch là vệ sĩ của đồng ruộng. Có ếch là đảm bảo đồng ruộng yên lành.
Trả lời:
Các biện pháp nghệ thuật: sử dụng câu đố, yếu tố miêu tả. Các chi tiết về các bộ phận cơ thể con ếch như hai chân sau, da ếch, lưỡi ếch, hàm ếch,… đều rất thú vị, mới lạ.
5. Viết về cái mũ, sao cho thú vị, hấp dẫn.
Trả lời:
– Trước hết, hãy nêu câu hỏi tu từ:
“Con người, từ trẻ đến già, từ bé đến lớn, ai mà không dùng mũ, đội mũ ? Vậy mũ có gì đáng chú ý nữa ? Có đây.”
– Tiếp theo, hãy cho biết mũ có công dụng đội đầu, che nắng, che mưa, giữ ấm, làm đẹp. Họ nhà mũ thật hết sức đa dạng về chức năng và kiểu dáng, chất liệu.
– Sau đó hãy kể và tả các loại mũ : về chất liệu có mũ lá, mũ nan, mũ len, mũ dạ, mũ vải, mũ cối, mũ sắt,… về kiểu dáng có mũ rộng vành, mũ ca lô, mũ lưỡi trai, mũ nồi,… về công dụng có mũ che nắng, mũ giữ ấm, mũ làm đẹp, mũ bảo hiểm,…
Kết hợp liệt kê và miêu tả… sẽ làm hiện ra một thế giới mũ phong phú, đa dạng…

 

Leave a comment