Soạn bài Thuế máu (Trích Bản án chế độ thực dân Pháp)
Soạn bài Thuế máu (Trích Bản án chế độ thực dân Pháp)
1. Em suy nghĩ gì về cái tên Thuế máu ? Hãy chỉ ra mối liên hệ giữa ba phần trong đoạn trích. Nhận xét về cách bố cục chương Thuế máu của tác giả.
Trả lời:
Trong rất nhiều thứ thuế mà người dân các xứ thuộc địa phải gánh chịu, “thuế máu” là thứ thuế bất công, tàn ác bậc nhất. Thực ra, trong hệ thống thuế khoá của thực dân, không có thứ thuế nào có tên là “thuế máu”. Đây là cách gọi đầy sáng tạo của tác giả tập Bản án chế độ thực dân Pháp, một cách gọi chua xót, chất chứa sự phẫn nộ và tinh thần tố cáo đanh thép. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) nổ ra, chính quyền thực dân Pháp đã bắt hàng vạn người dân các nước thuộc địa của chúng phải đi lính ra trận, chết thay cho chúng, để bảo vệ két bạc của bọn tư bản “mẫu quốc”. Tiêu đề Thuế máu gợi lên số phận thảm thương của người dân nô lệ, tội ác đáng ghê tởm của chính quyền thực dân. Đặt tiêu đề chương truyện như vậy dường như đã gói gọn được thái độ, tình cảm của tác giả (căm phẫn, tố cáo quyết liệt bọn thực dân Pháp và niềm xót xa, thương cảm đối với nhân dân lao động bị áp bức).
Đoạn trích Thuế máu được bố cục thành ba phần : Chiến tranh và “người bản xứ”, Chế độ lính tình nguyện, Kết quả của sự hi sinh. Em suy nghĩ xem ba phần đó được sắp xếp theo trình tự nào.
Khi nhận xét về cách bố cục này nên chú ý hiệu quả, ý nghĩa của nó theo các ý :
– Vạch trần cả quá trình lừa bịp trắng trợn, bóc lột đến cùng kiệt thuế máu của bọn thực dân cai trị.
– Chứng tỏ tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, sự phê phán triệt để của Nguyễn Ái Quốc.
Cần chỉ ra rằng nội dung từng phần trong chương Thuế máu đều chứa đựng sự mâu thuẫn, đối chọi để toát lên ý nghĩa trào phúng và tinh thần phê phán thực dân gay gắt.
2. Phân tích giá trị biểu cảm của hệ thống hình ảnh ở phần Chiến tranh và “người bản xứ”.
Trả lời:
Khi phân tích hệ thống hình ảnh ở phần Chiến tranh và “người bản xứ”, cần hiểu một đặc sắc trong phong cách văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh : ngắn gọn, chính xác mà giàu hình ảnh, sinh động ; sắc sảo, đanh thép mà thắm thiết, trữ tình. Hệ thống hình ảnh này gắn với hai nội dung tố cáo, đả kích:
– So sánh thái độ của các quan cai trị thực dân đối với người dân thuộc địa ở hai thời điểm : trước chiến tranh và khi cuộc chiến tranh xảy ra. Qua đó, thấy rõ bộ mặt phản trắc hết sức trâng tráo, vô liêm sỉ của bọn thống trị thực dân bịp bợm.
– Số phận thảm thương của người dân thuộc địa đóng thuế máu trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ở nội dung thứ nhất, chú ý những từ ngữ, hình ảnh được tác giả đặt trong ngoặc kép (nhắc lại lời lẽ tâng bốc giả dối của các quan cai trị) tạo nên giọng điệu giễu nhại.
Ở nội dung thứ hai, chú ý một loạt hình ảnh xác thực, mang ý nghĩa trào phúng vừa sắc sảo vừa xót xa. Chúng được viết trong cảm hứng mỉa mai chua chát, cay đắng cho số phận thảm thương của người dân thuộc địa khi trở thành bia đỡ đạn phục vụ cho quyền lợi của kẻ cầm quyền.
Phân tích xem hệ thống hình ảnh ở phần này chứng tỏ thái độ, tình cảm gì của người viết, đem tới cho người đọc những nhận thức, cảm xúc như thế nào.
3. Nhận xét về giọng điệu của tác phẩm. Giọng điệu ấy cho em hiểu gì về thái độ, tình cảm của người viết ?
Trả lời:
Thuế máu có giọng điệu phong phú, đặc sắc :
– Giọng điệu hài hước, mỉa mai (qua việc nhắc lại những mĩ từ, danh hiệu hào nhoáng mà chính quyền thực dân khoác cho người lính thuộc địa, qua những hình ảnh về số phận thảm thương của kẻ bị bóc lột thuế máu. ..).
– Giọng điệu phản bác mạnh mẽ khi đưa ra những sự thật đập lại bản bố cáo của phủ toàn quyền Đông Dương ở cuối phần Chế độ lính tình nguyện.
– Giọng điệu chất vấn, tố cáo vừa phẫn nộ vừa xót xa ở đoạn đầu phần Kết quả của sự hi sinh.
Chú ý sự hoà trộn các giọng điệu trong cảm xúc phong phú, nóng bỏng của tác giả.
Qua các giọng điệu trên mà nhận xét về mức độ tình cảm căm ghét và yêu thương, phẫn nộ và xót xa của người viết.
4. Theo em, sức thuyết phục của đoạn trích này được tạo nên từ những yếu tố cơ bản nào ?
Trả lời:
Để làm tốt bài tập này, cần hiểu những yêu cầu cơ bản của một tác phẩm chính luận nói chung, cụ thể đối với Bản án chê độ thực dân Pháp là tác phẩm thuộc thể phóng sự điều tra nói riêng. Có thể giải thích sức thuyết phục của Thuế máu qua các phương diện chủ yếu sau :
– Bố cục tác phẩm (chặt chẽ, hợp lí).
– Lí lẽ, lập luận (đanh thép, xác đáng).
– Dẫn chứng (cụ thể, sinh động, gắn với những hình ảnh sống động đầy ấn tượng).
– Lời văn (vừa hùng hồn vừa thiết tha, giàu chất trữ tình).
– Ngôn ngữ (chính xác mà gợi cảm, giàu hình ảnh).
5. Phân tích sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích được học.
Trả lời:
Phân tích sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giửã miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích Thuế máu, nên chú ý trả lời các câu hỏi:
– Yếu tố tự sự, miêu tả trong đoạn trích gồm những gì ? (Biện pháp thuật kể để nêu ra những câu chuyện, những bằng chứng rõ ràng, các sự kiện, con số không thể chối cãi, những hình ảnh sinh động từ thực tế lịch sử, đời sống. ..)
– Yếu tố trữ tình, biểu cảm trong đoạn trích gồm những gì ? (Những câu chuyện, con số, hình ảnh được tác giả đưa ra với thái độ, cảm xúc như thế nào ? Từ các dẫn chứng, từ giọng điệu,… trong tác phẩm thấy toát lên lòng căm phẫn, tình yêu thương của tác giả ra sao ?…).
– Sự kết hợp chặt chẽ, hài hoà các yếu tố trên như thế nào ? (Thực ra, trong yếu tố này ít nhiều đã bao hàm, chứa đựng yếu tố kia và chúng thường được thể hiện qua nhau). Chính vì thế, tác phẩm cộ khả năng thuyết phục, lôi cuốn mạnh mẽ (vừa làm sáng tỏ nhận thức, vừa gây xúc động mạnh mẽ đối với người đọc).