Soạn bài Tìm hiểu chung về phép lập luận chứng minh

0

Soạn bài Tìm hiểu chung về phép lập luận chứng minh

Bài tập
1.  Bài luyện tập, trang 43, SGK.
2.  Hãy nêu các dẫn chứng để chứng minh rằng nói dối có hại.
3.  Hãy lấy các dẫn chứng để chứng minh rằng các hành động liều lĩnh, vô kỉ luật đều có hại.
4.  Đông gật gù bảo với Nam : “Các cụ ngày xưa nói chí lí thật, đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nam cãi : “Tục ngữ chỉ nói thế thôi, chứ làm gì có chuyện đi một ngày đàng, học một sàng khôn như thế”.
   Theo em, để thuyết phục Nam tin vào câu tục ngữ, Đông có cần phải chứng minh không ? Nếu cần thì Đông sẽ phải chứng minh theo cách nào trong các cách dưới đây :
   –  Chứng minh rằng, hễ cứ chịu khó đi hết một ngày đường, thì cuối ngày ấy, thế nào ta cũng học được “một sàng khôn”.
   –  Chứng minh rằng, nếu ta chịu khó đi hết nơi này đến nơi khác thì nhất định ta sẽ khôn lớn lên rất nhiều.
   –  Chứng minh rằng, ta sẽ lớn khôn, sẽ học được nhiều điều bổ ích, nếu ta chịu đi sâu vào thực tế để quan sát và học hỏi.
5. Cô giáo giao cho lớp một đề bài tập làm văn để các em tập viết ở nhà. Đề bài đó như sau :
   Hãy lấy những dẫn chứng trong thực tế và trong văn học để làm sáng tỏ chân lí : Trong thời nào và ở đâu cũng vậy, lao động vẫn quý như vàng, thậm chí còn quý giá hơn vàng.
a)  Em hãy cho biết : Đây có phải là đề văn lập luận chứng minh không ? Vì sao ?
b)  Một bạn em tỏ ra rất phấn khởi, vì trong SGK đã có bài thơ ngụ ngôn Lão nông và các con của La Phông-ten, bài thơ có dụng ý dạy người ta rằng “lao động là vàng” và có chính ngay các chữ “lao động là vàng” trong câu thơ kết ; bây giờ bạn chỉ cần dùng nội dung của bài thơ ấy để làm bài, thế là xong.
   Một bạn khác, khi làm bài, lại chỉ lo chăm chăm đưa hết dẫn chứng thực tế này đến dẫn chứng văn học khác vào bài làm của bạn, với lí do : đề bài đã yêu cầu rất rõ là “lấy những dẫn chứng trong thực tế và trong văn học”.
   Em thấy nghĩ và làm như các bạn ấy có đúng không ? Vì lẽ gì mà em cho nghĩ và làm như thế là đúng (hay không đúng) ?
Gợi ý làm bài
1. a) Trong rất nhiều trường hợp, luận điểm cơ bản của bài văn nghị luận được thể hiện ngay ở nhan đề. Và câu đúc kết một cách gọn, rõ và đầy đủ nhất luận điểm đó thường được đặt trong phần kết. Hãy xét xem, điều đó có đúng với bài văn nêu ở trong bài tập này không ?
  b)  Các luận cứ bao giờ cũng được đưa ra ở phần Thân bài. Trong bài văn “Không sự sai lầm” này, phần Thân bài gồm ba đoạn. Hãy xét xem : Mỗi đoạn nói lên ý cụ thể gì ? Các ý ấy có phải là những căn cứ được nêu ra nhằm mục đích làm sáng tỏ luận điểm (con người không được sợ sai lầm) của bài không ? Trong một bài nghị luận, luận cứ chỉ có sức thuyết phục khi phù hợp với lẽ phải và sự thật trong đời sống. Các căn cứ nêu trong bài văn có đạt được yêu cầu ấy hay không ?
  c)  Luận cứ được nêu trong bài “Đừng sợ vấp ngã” đều được lấy từ thực tế, có tên người và sự việc cụ thể, rõ ràng. Thử xét xem, luận cứ của bài “Không sợ sai lầm” có hoàn toàn giống thế không ?
2.  Có thể chia các mặt khác nhau mà lấy dẫn chứng :
–  Nói dối có hại cho người nghe.
–  Nói dối có hại cho bản thân người nói dối.
–  Nói dối tạo bầu không khí nghi ngờ, mất tin cậy lẫnnhau,…
3.  Có thể nêu ví dụ về các hành động liều lĩnh, bất chấp kỉ cương trong đời sống, như : ăn nói hỗn láo, không tôn trọng nội quy nhà trường, vi phạm luật giao thông,…
4.  Không thể hiểu một cách quá ngây thơ rằng các chữ “một ngày đàng”, “một sàng khôn” được dùng theo “nghĩa đen”. Vì thế, bài làm chỉ đúng hướng khi người làm bài chứng minh câu tục ngữ theo “nghĩa bóng”.
5. a) Đề bài ấy yêu cầu người làm bài phải “làm cho thấy rõ là có thật”, tức là phải làm công việc chứng minh.
  b)  Dễ thấy rằng, cách làm của bạn thứ nhất chỉ chứng minh được sự quý giá của lao động ở một trường hợp, một lúc, một nơi, chứ không thể làm rõ được yêu cầu của đề bài : Trong thời nào và ở dâu cũng vậỵ, lao động vẫn quý như vàng, thậm chí còn quý giá hơn vàng. Còn cách làm của bạn thứ hai mới chỉ là liệt kê dẫn chứng, chứ chưa phải chứng minh, và do đó, cũng sẽ không thể đáp ứng yêu cầu chứng minh đã được ghi rất rõ ở đề bài : Lấy những dẫn chứng trong thực tế và trong văn học để làm sáng tỏ một kết luận đã cho.

Leave a comment