Soạn bài Tôi yêu em
Soạn bài Tôi yêu em
1. Chứng minh rằng tình yêu mà Pu-skin dành cho người mình yêu là tình yêu đơn phương nhưng chân thành, tha thiết.
Trả lời:
Tình yêu là một chủ đề lớn của thơ ca Pu-skin. Bài thơ chỉ có tám câu được chia thành hai đoạn, tạo thành kết cấu hai phần của bài thơ. Tuy chỉ có số lượng câu thơ ít ỏi song lại chứa đựng nhiều lớp nghĩa, tạo ra một hình thức trùng điệp để nhấn mạnh cảm xúc tâm tư. Do đó, anh (chị) cần chú trọng các ý sau đây :
– Hoàn cảnh đặc biệt : Người đang yêu mãnh liệt phải tự nguyện từ bỏ, tự nguyện cắt đứt hay quên đi người tình mà mình theo đuổi, bởi vì đây là tình yêu đơn phương. Tính chất đơn phương được thể hiện qua hình thức tự giãi bày, tự bộc lộ tâm trạng. Anh (chị) lưu ý câu mở đầu hai khổ thơ (câu 1 và câu 5) đều là mệnh đề Tôi yêu em chứ không phải chúng ta đã yêu nhau, mối tình của chúng ta để đi đến câu thứ bảy, cụm từ này lại xuất hiện lần nữa tạo nhịp kết thúc cho câu chuyện tình yêu. Mệnh đề tôi yêu em cho thấy tính chất một chiều trong tình yêu. Nói cách khác là Pu-skin không nhận được sự đồng cảm, không có được sự đồng điệu từ phía người con gái, cho dù tình cảm của nhà thơ là chân thành.
– Sự chân thành của Pu-skin thể hiện qua sự trân trọng tình cảm mà mình đã dành cho người bạn gái và tôn trọng sự lựa chọn của người yêu. Tình cảm chân thành của nhà thơ được thể hiện qua sự đam mê, say đắm (âm thầm, hậm hực lòng ghen,…). Song sự chân thành còn vượt qua một tình yêu cá nhân ích kỉ để chuyển thành tấm lòng vị tha, nhân ái bằng lời cầu chúc cho cô gái cũng gặp được một người tình như tôi đã yêu em.
2. Tình yêu của nhà thơ tuy đơn phương nhưng không phải là thứ tình cảm tầm thường mà luôn vươn tới cái cao cả. Anh (chị) có đồng ý với nhận xét đó không ?
Trả lời:
Ở đây ta gặp kiểu tình yêu vị tha, đơn phương, sôi nổi, chân thành, cần phân tích các ý sau :
– Trước hết, anh (chị)-suy luận ý nghĩa của câu thơ “Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai” để thấy rằng tình yêu trong lòng tác giả vẫn còn vương vấn. Tình yêu của nhà thơ với người con gái cũng diễn ra như ở những người bình thường khác. Chú ý tới câu thơ “Lúc rụt rè, lúc hậm hực lòng ghen” để tạo ra lập luận cho mình. Cũng cần lun ý tới câu thơ thứ 5 : “Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng” để thấy được sự bất ổn trong mối tình giữa tác giả và người con gái. Sự bất ổn này đặt nhà thơ vào một sự lựa chọn bắt buộc : đó là chấm dứt mối tình.
– Cách giải quyết vấn đề của tác giả mang tính chất vị tha. Trước hết là để cho người con gái không phải “bận lòng thêm nữa” lại càng không muốn để cho “hồn em phải gợn bóng u hoài” (nguyên tác : “Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì”). Nhà thơ tự nhận lỗi về mình mà không hề oán trách, giận dỗi gì người con gái ấy, song nhà thơ luôn luôn khẳng định với cô về tình yêu “chân thành, đằm thắm” của mình.
– Đỉnh cao của tình yêu vị tha ấy là lời cầu chúc kết thúc bài thơ; “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em” (nguyên tác : “Cầu Trời cho em được người khác (cũng) yêu (chân thành, đằm thắm) như thế”). Anh (chị) suy nghĩ về câu thơ này, tìm ý nghĩa của câu thơ theo hướng chứng minh cho sự cao thượng của tình yêu. Có thể so sánh với câu hát quan họ trong bài Giã bạn : “Người về em dặn câu rằng / Đâu hơn thì lấy, đâu bằng đợi em”. Cũng có thể suy luận là, ở câu thơ này, nhà thơ dường như muốn thách thức người con gái tìm được một người tình chân thành, đàm thắm như mình. Điều đó cho thấy niềm tự hào được yêu, được sống hết mình vì tình yêu đã lựa chọn, một tình yêu vị tha, không vụ lợi. Câu cuối cùng tạo nên tầm vóc cao cả trong mối tình của Pu-skin.
3. Từ bài thơ Tôi yêu em, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về cách ứng xử có văn hoá trong tình yêu.
Trả lời:
Bài tập này có tính chất mở rộng, do đó, anh (chị) có thể liên hệ thêm bàng thực tiễn cuộc sống để nhận thức sâu sắc hơn bản chất tốt đẹp của tình yêu nam nữ.
– Tôn trọng người mình yêu qua cách xưng hô : Tôi / em, lưu ý nội hàm của đại từ nhân xưng tôi (tính chất riêng lẻ, cô đơn, hàm chứa nỗi đau ngấm ngầm).
– Tôn trọng sự lựa chọn của người mình yêu : không phản bác mà tự nguyện chấp nhận sự lựa chọn của người con gái, cũng không hờn dỗi, trách móc hay oán thán, tự nhận về mình trách nhiệm đã làm người con gái phải bận lòng, phải u hoài.
– Tình yêu không phải là sự ép buộc mà tình yêu là một sự tự nguyện: tự nguyện của những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu. Song chia tay không phải để trở thành đối lập, thù địch của nhau mà chia tay để nối thêm, để mở rộng tình đời. Đó là văn hoá ứng xử trong tình yêu.
– Anh (chị) có thể suy luận thêm bằng cách Liên hệ với các tác phẩm văn học khác có trong chương trình để thấy sự độc đáo trong cách thức thổ lộ tâm trạng, tình cảm riêng tư của Pu-skin và rút ra những kết luận cần thiết.