Soạn bài: Tổng quan văn học Việt Nam ngữ văn 10
Câu 1 (trang 13 sgk Ngữ văn 10 Tập 1): Sơ đồ các bộ phận và sự phát triển của văn học Việt Nam
Câu 2 (trang 13 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):
Quá trình phát triển của văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước. Nhìn tổng quát, văn học Việt Nam đã trải qua ba thời kì lớn:
– Văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX (văn học trung đại): hình thành và phát triển trong bối cảnh văn hóa, văn học vùng Đông Á, Đông Nam Á có giao lưu với nhiều nền văn hóa trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
– Văn học từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945.
– Văn học từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX.
Hai thời kì văn học sau (bao gồm : Văn học từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 và Văn học từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX) phát triển trong bối cảnh sự giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, tiếp thu tinh hoa văn học của nhiều nước trên thế giới, được gọi chung là văn học hiện đại.
1. Văn học trung đại (VHTĐ)
Văn học trung đại Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.
– Văn học chữ Hán :
+ Chính thức được hình thành vào thế kỉ X, khi dân tộc Việt Nam giành được chủ quyền từ tay thế lực đô hộ phương Bắc.
+ Là phương tiện để nhân dân ta tiếp nhận những học thuyết lớn của phương Đông và hệ thống thi pháp, thể loại của văn học cổ – trung đại Trung Quốc.
+ Nhiều tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
+ Tác phẩm tiêu biểu: Bình Ngô Đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), Thượng kinh kí sự (Lê Hữu Trác), …
– Văn học chữ Nôm:
+ Phát triển mạnh từ thế kỉ XV và đạt đỉnh cao vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX.
+ Là kết quả của lịch sử phát triển văn hóa dân tộc; đồng thời là bằng chứng hùng hồn cho ý chí độc lập và chủ quyền quốc gia.
+ Giúp hình thành nên các thể loại văn học dân tộc; gắn với những truyền thống của văn học trung đại như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, tính hiện thực, tính dân tộc – dân chủ hóa, …
+ Tác phẩm tiêu biểu: Đỉnh cao của văn học viết bằng chữ Nôm là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài ra còn có: Chinh phụ ngâm (bản dịch của Đoàn Thị Điểm), Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập (Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn), …
2. Văn học hiện đại (VHHĐ
Văn học hiện đại đã có mầm mống từ cuối thế kỉ XIX, nhưng phải đến đầu những năm 30 của thế kỉ XX, văn học Việt Nam mới thực sự bước vào quỹ đạo của văn học hiện đại. Văn học Việt Nam hiện đại được viết chủ yếu bằng chữ Quốc ngữ, với số lượng tác giả và tác phẩm đạt quy mô chưa từng có.
– Văn học hiện đại mang một số đặc trưng nổi bật như sau:
+ Về tác giả: xuất hiện đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, lấy việc viết văn, sáng tác thơ làm nghề nghiệp.
+ Về đời sống văn học: nhờ có báo chí và kĩ thuật in ấn hiện đại, tác phẩm văn học đến đời sống nhanh hơn, mối quan hệ qua lại giữa tác giả với độc giả vì thế mật thiết hơn, đời sống văn học sôi nổi, năng động hơn.
+ Về thể loại: Các thể loại thơ mới, tiểu thuyết, kịch, … dần thay thế thể loại cũ và trở thành hệ thống.Một vài thể loại của văn học trung đại vẫn tiếp tục tồn tại song không giữ vai trò chủ đạo.
+ Về thi pháp: Hệ thống thi pháp mới dần thay thế lối viết sùng cổ, ước lệ, phi ngã của văn học trung đại. Lối viết hiện thực, đề cao cá tính, đề cao “cái tôi” cá nhân dần được khẳng định.
– VHHĐ được chia thành 2 giai đoạn chính:
+ Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945: Đây là giai đoạn được đánh giá một ngày bằng ba mươi năm, văn học có nhiều cách tân đổi mói với ba dòng văn học:
Văn học hiện thực ghi lại không khí ngột ngạt của xã hội thực dân nửa phong kiến .
Văn học lãng mạn đề cao cái tôi cá nhân, đấu tranh cho hạnh phúc và quyền sống cá nhân.
Văn học cách mạng phản ánh và tuyên truyền cách mạng, góp phần đắc lực vào công cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc.
+ Giai đoạn Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX: Đây là giai đoạn văn học có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng,tập trung phản ánh sự nghiệp đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng XHCN; sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đi sâu vào những tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam trước những vấn đề mới mẻ của thời đại.
Câu 3 (trang 13 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):
Văn học Việt Nam thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm về chính trị, văn hóa, đạo đức, thẩm mĩ của con người Việt Nam qua nhiều thời kì trong nhiều mối quan hệ đa dạng :
– Con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên: Đây là một nội dung quan trọng, xuyên suốt trong văn học Việt Nam, thể hiện rõ qua ba giai đoạn phát triển của văn học dân tộc:
+ Văn học dân gian kể lại quá trình ông cha ta nhận thức, cải tạo, chinh phục thế giới tự nhiên; miêu tả thiên nhiên đầy tươi đẹp, thân thiết và gần gũi với đời sống của con người.
+ Văn học trung đại gắn vẻ đẹo của thiên nhiên với quan niệm thẩm mỹ của con người.
+ Văn học hiện đại miêu tả thiên nhiên gắn liền với những cảm xúc giản dị trong cuộc sống của con người: tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống; tình cảm lứa đôi.
– Con người Việt Nam trong quan hệ quốc gia dân tộc:
+ Là phần nội dung quan trọng, phong phú và mang giá trị nhân văn sâu sắc, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam.
+ Được văn học đề cập đến ở nhiều khía cạnh như: tinh thần yêu nước, tình yêu làng xóm, yêu quê cha đất tổ, căm ghét các thế lực giày xéo quê hương, ý thức về quốc gia dân tộc, ý chí đấu tranh, khát vọng tự do, độc lập….
+ Tinh thần yêu nước là nội dung tiêu biểu, mang những giá trị quan trọng của văn học Việt Nam.
– Con người Việt Nam trong quan hệ xã hội:
+ Thể hiện lòng nhân ái và mơ ước về một xã hội công bằng, tốt đẹp.
+ Lên tiếng tố cáo phê phán các thế lực chuyên quyền và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những người dân bị áp bức trong xã hội có giai cấp đối kháng.
+ Là một tiền đề quan trọng cho sự hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học dân tộc.
– Con người Việt Nam và ý thức về bản thân:
+ Văn học đã ghi lại quá trình tìm kiếm, lựa chọn các giá trị để hình thành đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam.
+ Trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, trung tâm của văn học (cộng đồng hoặc cá nhân) có những giá trị và cách phản ánh riêng.
+ Xu hướng chung của sự phát triển văn học dân tộc là xây dựng một đạo lí làm người với nhiều phẩm chất tốt đẹp như: nhân ái, thuỷ chung, tình nghĩa, vị tha, giàu đức hi sinh, …
Nội dung chính
Văn học Việt Nam có hai bộ phận lớn: văn học dân gian và văn học viết. Văn học viết Việt Nam gồm văn học trung đại và văn học hiện đại, phát triển qua ba thời kì, thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam.
Học văn học dân tộc là để tự bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ và trau dồi tiếng mẹ đẻ.