Soạn bài Trả bài tập làm văn số 1
Soạn bài Trả bài tập làm văn số 1
Đọc văn bản sau và làm các bài tập nêu ở dưới.
“Ở ngoại thành Nam Định, và dọc bờ sông Châu Hà Nam, nhiều nơi nổi tiếng về trồng chuối ngự. Nhưng ngon nhất vẫn là chuối làng chiêm trũng Đại Hoàng (Lí Nhân, Hà Nam).
Cây chuối ngự, theo các cụ kể ít ra đã có từ thời nhà Trần. Từ phủ Thiên Trường đến ngoại thành Nam Định, các làng xóm ở Hà Nam, nhiều vùng đất là quê hương, là thái ấp các vua quan nhà Trần. Nhân dân quý trọng những ông vua thương dân, đánh giặc giỏi, nên đã trồng loại sản vật quý giá để dâng vua : chuối ngự.
Trồng chuối cũng kì công, từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới ra hoa kết trái. Khác với cây chuối ngự trâu, quả to, ăn nhạt, chuối ngự thóc (hay còn gọi là chuối ngự mít) là loại được chọn tiến vua. Qua mùa bão táp mưa sa, cây càng phải gìn giữ kĩ. Mỗi cây có một cột tre làm nơi nương tựa. Ngay cả việc chăm sóc, chuối ngự cũng cầu kì. Loài cây này “ăn” sạch, thực ăn của chúng là các loại bùn ao, nước gạo, dầu lạc, chứ không ưa các loại phân uế tạp.
Chuối ngự đậu quả, không để chín cây mà phải giấm rất kì công. Lò giấm vách đất, chứa được mươi buồng, đủ nhiệt độ cho chuối chín mà không nẫu.Mùa chuối chín, hương thơm toả đầy ắp nhà. Quả chuối ngự xinh xinh, bụ bẫm, cuống thanh thanh. Các cụ ngày xưa thường ví như “búp tay cô gái” kéo sợi dệt vải quê đồng chiêm, vỏ chuối vàng óng như lụa, bóc vỏ, ruột lộ ra liền. Quả chuối mềm nuột, màu vàng nhạt, cắn một miếng, lộ ra ruột màu vàng sậm, thơm nức. Cái ngọt đậm đà đầu lưỡi.
Mùa chuối ngự, ở chợ Rồng, chợ Viềng, màu vàng sáng rực chợ. Cái màu vàng làm say lòng Nguyễn Tuân khi thăm chợ Rồng : “Tơ chín vàng, chuối chín vàng. Màu hoa hoè nở rộ vào mỗi mùa nhập trường thi chữ Hán ngày xưa, cũng khó mà đọ được với vàng chuối, vàng tơ của chợ Rồng chói lọi. Cái màu vàng giãy nảy lên ấy, tưởng chỉ có được trong nghệ thuật và tranh màu”. Tơ, lụa, chuối, theo Nguyễn Tuân, làm cả chợ rực sáng lên như nhuộm tắm trong một cái ráng trời óng lộng cuối mùa thu.
Làng Đại Hoàng, đất của chuối ngự, cũng chính là làng quê của nhà văn Nam Cao. Nghe kể, thời đi dạy học, đi viết văn ở Hà thành, Nam Cao rất nhớ món chuối ngự làng mình. Ông đi khắp chợ, gặp chuối ngự là mua về, để thơm nức mới thưởng thức, như nhớ về rặng tre, vườn chuối thân thương”.
( Theo báo Nhân dân điện tử)
1. Văn bản trên có thể coi là một văn bản thuyết minh được không ? Vì sao ?
Trả lời:
Đặc điểm quan trọng nhất của văn thuyết minh là loại văn có nhiệm vụ cung cấp những tri thức khách quan về sự vật, giúp con người có được hiểu biết về sự vật một cách đúng đắn, đầy đủ. Như thế văn thuyết minh không thể hư cấu, bịa đặt, tưởng tượng hay suy luận ra mà cần trung thành với sự vật như nó vốn có. Căn cứ vào đặc điểm quan trọng nhât này, em có thể xem xét và kết luận được văn bản trên có phải là văn bản thuyết minh không.
2. Có thể đặt tên cho văn bản trên như thế nào ? Dựa vào nội dung văn bản này, hãy nêu một đề văn thuyết minh cho phù hợp.
Trả lời:
Văn bản trên có thể đặt nhiều tên khác nhau, chẳng hạn : Chuối ngự đồng chiêm, Chuối ngự Hà Nam, Chuối ngự quê Nam Cao,… Nội dung của văn bản trên phù hợp với đề văn sau : Thuyết minh về một loài cây của quê hương em, hoặc : Hãy thuyết minh về cây chuối của quê em.
3. Chỉ ra các yếu tố miêu tả được sử dụng trong văn bản đó.
Trả lời:
Trong văn bản, tác giả sử dụng khá nhiều câu văn miêu tả. Chẳng hạn đoạn văn sau đây : “Mùa chuối chín, hương thơm toả đầy ắp nhà. Quả chuối ngự xinh xinh, bụ bẫm, cuống thanh thanh. Các cụ ngày xưa thường ví như “búp tay cô gái” kéo sợi dệt vải quê đồng chiêm, vỏ chuối vàng óng như lụa, bóc vỏ, ruột lộ ra liền. Quả chuối mềm nuột, màu vàng nhạt, cắn một miếng, lộ ra ruột màu vàng sậm, thơm nức. Cái ngọt đậm đà đầu lưỡi.
Mùa chuối ngự, ở chợ Rồng, chợ Viềng, màu vàng sáng rực chợ. Cái màu vàng làm say lòng Nguyễn Tuân khi thăm chợ Rồng : “Tơ chín vàng, chuối chín vàng. Màu hoa hoè nở rộ vào mỗi mùa nhập trường thi chữ Hán ngày xưa, cũng khó mà đọ được với vàng chuối, vàng tơ của chợ Rồng chói lọi. Cái màu vàng giãy nảy lên ấy, tưởng chỉ có được trong nghệ thuật và tranh màu”. Tơ, lụa, chuối, theo Nguyễn Tuân, làm cả chợ rực sáng lên như nhuộm tắm trong một cái ráng trời óng lộng cuối mùa thu”.