Soạn bài “Truyện Kiều” của Nguyễn Du
Soạn bài “Truyện Kiều” của Nguyễn Du
1. Hoàn cảnh xã hội thời đại Nguyễn Du và cuộc đời tác giả đã có ảnh hưởng như thế nào đối với việc sáng tác Truyện Kiều ?
Trả lời:
Đọc mục I – Nguyễn Du (trang 77, SGK), kết hợp với bài giảng của thầy (cô) giáo để làm bài tập này.
Thời đại Nguyễn Du là thời đại khổ đau, bế tắc và đầy những biến động dữ dội. Khổ đau, bế tắc bởi xã hội phong kiến Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX bước vào thời kì khủng hoảng trầm trọng. Tầng lớp thống trị suy thoái, trong nước thì tranh quyền đoạt lợi quanh chiếc ngai vàng mục ruỗng, đối ngoại thì thần phục ngoại bang. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, điêu đứng. Trong bầu không khí xã hội ấy, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra liên tục mà lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ngọn cờ đào của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ phất lên đã làm “Một phen thay đổi sơn hà”, quét sạch các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh, Nguyễn, quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược, xoá đi nạn chia cắt đất nước, thu giang sơn về một mối. Sau những biến động dữ dội ấy, đất nước lại chìm trong chế độ phong kiến độc đoán triều Nguyễn. Lịch sử vẫn chưa mở được hướng đi. Những đổi thay kinh thiên động địa ấy đã tác động mạnh vào nhận thức và tình cảm Nguyễn Du để ông hướng ngòi bút vào hiện thực “Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Trong những biến động dữ dội của thời đại, Nguyễn Du đã sống một cuộc đời nhiều thăng trầm, từng trải. Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhưng Nguyễn Du đã phải sống phiêu bạt nhiều năm gió bụi, hết ở Thăng Long lại về quê nội ở Hà Tĩnh, quê ngoại ở Bắc Ninh. Năm 1789, khi Tây Sơn ra Bắc, ông chạy lên Thái Nguyên, về Thái Bình (quê vợ) rồi về Hà Tĩnh sống cuộc đời ẩn dật làm “dân chài biển Nam”, “phường săn núi Hồng”. Thời gian lưu lạc ở đất Bắc, nhà thơ gọi là mười năm gió bụi. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), Nguyễn Du ra làm quan, đã từng đi sứ Trung Quốc, từng qua nhiều vùng trên đất Trung Hoa rộng lớn với nền văn hoá rực rỡ.
Nguyễn Du từng trải qua những biến động lịch sử, đi nhiều, tiếp xúc nhiều với những cảnh đời, những con người, những số phận,… Điều đó ảnh hưởng lớn đến sáng tác của nhà thơ. Bức tranh xã hội nhiều vẻ, thế giới nhân vật đa dạng trong kiệt tác Truyện Kiều là một phần kết quả của những gì mà nhà thơ thiên tài từng chứng kiến, từng trải nghiệm, như câu thơ trong phần mở đầu Truyện Kiều : “Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
2*. Qua việc tìm hiểu cốt truyện và các đoạn trích trong SGK Ngữ văn 9, tập một, em hãy phân tích nhân vật Thuý Kiều để làm nổi bật giá trị nhân đạo của Truyện Kiều (Bài tập này làm sau khi đã hoc xong các đoan trích Truỵên Kiều trong SGK).
Trả lời:
Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều thể hiện ở tiếng nói cảm thương sâu sắc trước số phận bi kịch, tiếng nói khẳng định, ngợi ca con người và những khát vọng chân chính của con người. Tiếng nói nhân đạo ấy toát lên từ hình tượng Thuý Kiều.
– Nhân vật Thuý Kiều là hiện thân những bi kịch của người phụ nữ. Đời Kiều là “tấm gương oan khổ”. Số phận Kiều hội đủ những bi kịch của người phụ nữ. Tuy nhiên, hai bi kịch lớn nhất ở Kiều là bi kịch tình yêu tan vỡ và bi kịch bị chà đạp về nhân phẩm.
+ Tình yêu Kim – Kiều là một tình yêu lí tưởng với “Người quốc sắc kẻ thiên tài” nhưng cuối cùng “Giữa đường đứt gánh tương tư”, “… nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Tình yêu tan vỡ và không bao giờ hàn gắn được, “màn đoàn viên” có hậu về cơ bản cũng chỉ là “Một cung gió thảm mưa sầu” (Đặng Thanh Lê).
+ Kiều là người luôn có ý thức về nhân phẩm nhưng cuối cùng bị chà đạp về nhân phẩm. Nàng trở thành món hàng để kẻ buôn người họ Mã “Cò kè bớt một thêm hai”. Rồi nàng phải thất thân với những kẻ như Mã Giám Sinh, phải “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Câu biểu hiện nỗi đau xót nhất của cuộc đời Kiều chính là câu : “Thân lươn bao quản lấm đầu – Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Có nỗi đau nào lớn hơn khi con người trọng nhân phẩm, luôn ý thức về nhân phẩm mà cuối cùng phải tuyên bố từ bỏ nhân phẩm ?
– Thuý Kiều là hiện thân vẻ đẹp của nhan sắc, tài hoa, tâm hồn. Sắc và tài của Kiều đã đạt tới mức lí tưởng. Thể hiện vẻ đẹp, tài năng của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ của văn học cổ có phần lí tưởng hoá để trân trọng một vẻ đẹp “Một hai nghiêng nước nghiêng thành – Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”.
Tâm hồn đẹp đẽ của người con gái họ Vương thể hiện ở tấm lòng vị tha, nhân hậu. Nàng hi sinh tình yêu để cứu gia đình, cha mẹ. Khi ở lầu Ngưng Bích, Kiều nhớ tới cha mẹ với những tình cảm chân thực. Nàng tưởng tượng bóng dáng tội nghiệp “tựa cửa hôm mai” của người đã sinh dưỡng nàng. Kiều day dứt không nguôi vì nỗi không chăm sóc được cha mẹ già : “Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”. Thuý Kiều là người chí nghĩa chí tình “ơn ai một chút chẳng quên”. Khi có điều kiện, nàng đã trả ơn, hậu tạ những người cưu mang mình, nhưng nàng vẫn tự thấy công ơn đó không gì có thể đền đáp nổi: “Nghìn vàng gọi chút lễ thường – Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân”.
– Thuý Kiều còn là hiện thân khát vọng tình yêu tự do, khát vọng hạnh phúc và khát vọng về quyền sống.
+ Khát vọng tình yêu tự do đậm màu sắc lãng mạn được thể hiện qua mối quan hệ Thuý Kiều – Kim Trọng. Nguyễn Du đã dành tất cả tài năng và tâm huyết để viết nên một bản tình ca say đắm có một không hai trong văn học trung đại Việt Nam. Mối tình Kim – Kiều vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến bằng tình yêu tự do, chủ động của hai người. Khác nhiều phụ nữ xưa chịu sự sắp đặt của cha mẹ, Kiều chủ động đến với tình yêu theo tiếng gọi của trái tim. Kiều táo bạo, chủ động nhưng đồng thời cũng là người thuỷ chung như nhất trong tình yêu.
+ Khát vọng về hạnh phúc, về quyền sống đã đưa Kiều trở thành đại diện cho con người bị áp bức vùng lên làm chủ số phận của mình trong tư thế chiến thắng, tư thế chính nghĩa :
Nàng rằng: Lồng lộng trời cao
Hại nhân nhân hại sự nào tại ta.
Ở đây Thuý Kiều đã gặp gỡ bao người phụ nữ bị áp bức khác vùng lên đòi quyền sống, đòi lẽ công bằng, trừng trị kẻ ác. “Cái thế giằng co giữa sự sống và sự chết ở trong Tấm Cám, trong Thạch Sanh, trong nhiều truyện Nôm khuyết danh khác cũng như trong Truyện Kiều, về căn bản nào có khác gì nhàu, chỉ khác… một bên nhiều khi còn mượn những yếu tố thần linh phù trợ, một bên đã vươn tới tư tưỏng tự nhân dân và con người quyết định theo công lí của mình” (Cao Huy Đỉnh).
Với nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa rất mực yêu thương, rất mực đề cao con người, đề cao những khát vọng chân chính của con người.
3. So sánh cách kết thúc Truyện Kiều với cách kết thúc của truyện cổ tích.
Trả lời:
Em nhớ lại một số truyện cổ tích đã học hoặc đã đọc như Sọ Dừa, Thạch Sanh, Tấm Cám v.v…, tìm ra điểm giống nhau trong cách kết thúc của các truyện cổ tích đó. Tiếp đến, so sánh những điểm giống và khác nhau giữa cách kết thúc Truyện Kiều với cách kết thúc của truyện cổ tích. Có thể lập bảng so sánh :
So sánh
Truyện Kiều
Truyên cổ tích
Giống nhau
– Cách kết thúc có hậu : những người tốt được đền bù, được hưởng hạnh phúc, những kẻ ác bị trừng trị.
– Thể hiện ước mơ công lí chính nghĩa.
Khác nhau
– Nhìn hình thức : kết thúc có hậu (Thuý Kiều gặp lại gia đình, người thân sau bao năm lưu lạc).
– Thực chất là kết thúc bi kịch : gặp lại Kim Trọng nhưng không gặp lại tình yêu ; “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” (chuyển tình chồng vợ thành tình bè bạn).
– Thể hiện cái nhìn hiện thực sâu sắc, tăng sức mạnh lên án, tố cáo cũng như niềm thương cảm.
– Từ hình thức đến nội dung đều là kết thúc có hậu (Thạch Sanh được đền bù, được hưởng hạnh phúc. Mẹ con Lí Thông bị trừng trị,…).
– Ước mơ theo quan điểm nhân dân : “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.
4. Về cơ bản, thể loại truyện Nôm (như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên,…) thuộc loại hình nào ?
A – Trữ tình
B – Tự sự
C – Kịch
Trả lời:
Cần đọc lại phần Chú thích (Ngữ văn 9, tập một, trang 80) để có lựa chọn đúng.
Truyện Nôm (đặc biệt là Truyện Kiều) có chứa đựng yếu tố trữ tình, có những đoạn giàu kịch tính nhưng về cơ bản là thuộc loại hình tự sự. Bằng những hiểu biết về loại hình tự sự mà em đã học, đối chiếu với một truyện Nôm (ví dụ Truyện Kiều) để chỉ ra những yếu tố của loại tự sự trong tác phẩm (như có cốt truyện đầy đủ, có nhân vật, có lời trần thuật của người kể,…).