Soạn bài Việt Bắc (trích) (ngắn gọn) – Tố Hữu

0

PHẦN I.

Câu 1: Vài nét về tiểu sử:

Tố Hữu (1920-2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Quê Thừa Thiên – Huế

– Thân sinh là nho nghèo, thân mẫu là con một nhà nho, thuộc và hát dân ca rất hay.

– Năm 13 tuổi: Học trường Quốc học Huế, tham gia phong trào đấu tranh cách mạng.

– 1938 ông được kết nạp Đảng.

– Cuối tháng 4-1939 bị thực dân Pháp bắt giam.

– Tháng 3-1942: vượt ngục ra Thanh Hoá tiếp tục hoạt động.

– Cách mạng tháng Tám 1945: Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế.

– 1947: Ra Thanh Hoá, lên Việt Bắc công tác ở cơ quan Trung ương Đảng, phụ trách văn hoá văn nghệ.

– Trong hai cuộc kháng chiến đến năm 1986: Giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

– Năm 1996: Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

– Năm 2002: Qua đời.

Câu 2: Đường cách mạng, đường thơ

1.Tập thơ “Từ ấy” (1937-1946), chặng đường đầu tiên của đời thơ Tố Hữu đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên quyết tâm theo Đảng.

2. “Việt Bắc“(1946-1954): Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khó, anh dũng của dân tộc. Gồm 27 bài.

3. “Gió lộng” (1955-1961): Sáng tác trong hoàn cảnh Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà . Gồm 25 bài.

4. “Ra trận” (1962-1971), gồm 34 bài, “Máu và hoa” (1972-1977), gồm 13 bài, ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

5. “Một tiếng đờn” (1992), “Ta với ta” (1999), sáng tác khi đất nước hàn gắn vết thương chiến tranh , xây dựng, đổi mới.

Câu 3: 

– Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước.

– Lí tưởng cách mạng là ngọn nguồn mọi cảm hứng nghệ thuật của Tố Hữu.

Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, nhà thơ của lí tưởng cộng sản.

Câu 4: Về nghệ thuật: đậm đà tính dân tộc

+ Về thể thơ: Tố Hữu sử dụng thành công các thể thơ thuần dân tộc (thơ lục bát, thơ bảy chữ) , thơ giàu nhạc điệu.

+ Về ngôn ngữ: dùng những từ ngữ và cach nói quen thuộc với dân tộc, phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt

PHẦN II.

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1: Bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10 năm 1954, ông viết bài thơ nhân một sự kiện quân ta đã đánh tan chiến dịch Điện Biện Phủ của Pháp,các chiến sĩ rời chiến khi về thủ đô, thấy được tình cảm quyến luyến, yêu quý của nhân dân Việt Bắc dành cho chiến sĩ, Tố Hữu đã sáng tác ra bài thơ Việt Bắc này

Tâm trạng: lưu luyến, bịn rịn giữa người đi – kẻ ở. Không khí ân tình của hồi tưởng, hoài niệm, của ước vọng và tin tưởng.

Câu 2: Cảnh Việt Bắc mang vẻ đẹp đa dạng, đầy ấn tượng khiến người về xuôi nhớ “như nhớ người yêu”.

Đẹp nhất và đáng nhớ nhất ở người Việt Bắc là cái nghĩa, cái tình. Kháng chiến thiếu thốn “miếng cơm chấm muối” nhưng “đắng cay ngọt bùi” cùng chia sẻ, gánh vác.

Tóm lại: Việt Bắc chính là cội nguồn của nghĩa tình, cội nguồn của chiến thắng.

Câu 3: Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu và vai trò của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến được khắc họa thật sinh động mang âm hưởng của những khúc tráng ca.

Câu 4: Nghệ thuật đậm đà tính dân tộc của bài thơ (qua trích đoạn này).

Được thể hiện qua các mặt sau đây:

– Thể thơ dân tộc: Thể thơ lục bát được Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn, uyển chuyển và sáng tạo.

– Hình ảnh dân tộc

– Lối phô diễn dân tộc

– Ngôn ngữ dân tộc: Tiêu biểu là cặp đại từ xưng hô ta – mình dùng rất sáng tạo trong bài thơ.

– Nhịp điệu, nhạc điệu dân tộc: khi nhẹ nhàng, thơ mộng, khi đằm thắm, ân tình; khi mạnh mẽ, hùng tráng.

II. LUYỆN TẬP

Nét tài hoa của Tố Hữu trong việc sử dụng cặp đại từ xưng hô ta – mình ở bài thơ Việt Bắc.

Cách sử dụng cặp đại từ xưng hô mình – ta 

– Trong đoạn trích bài thơ “Việt Bắc“, từ mình được dùng để chỉ bản thân người nói – ngôi thứ nhất, nhưng cũng còn dùng ở ngôi thứ hai. Từ ta là ngôi thứ nhất, chỉ người phát ngôn, nhưng có khi ta chỉ chúng ta.

– Cặp đại từ này được sử dụng rất sáng tạo, biến hóa linh hoạt:

+ Có trường hợp: mình chỉ những người cán bộ, ta chỉ người Việt Bắc (Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng).

+ Có trường hợp: mình chỉ người Việt Bắc, ta chỉ người cán bộ (Ta về, mình có nhớ ta/ Ta về, ta nhớ những hoa cùng người).

+ Có trường hợp: mình chỉ cả người cán bộ và người Việt Bắc (như chữ mình thứ ba trong câu: Mình đi mình lại nhớ mình).

Ý nghĩa của cách sử dụng cặp đại từ mình – ta:

– Mang lại cho bài thơ phong vị ca dao, tính dân tộc đậm đà và một giọng điệu tâm tình ngọt ngào, sâu lắng.

– Góp phần làm cho tình cảm giữa người ra đi và người ở lại, giữa cán bộ với nhân dân Việt Bắc thêm thân mật, gần gũi, tự nhiên, gắn bó khăng khít tuy hai mà một.

Leave a comment