Suy nghĩ về hai chữ “nhẫn nhịn”, “nhẫn nhục”

0

Trong hành trang bước vào đời của mỗi chúng ta, không thể không mang theo chữ “nhẫn”, cổ nhân từng nói: “Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu”, nghĩa là, đôì với chuyện nhỏ, việc nhỏ mà không kiềm chế, nhẫn nại, chịu đựng thì sẽ làm hỏng việc lớn.

Vậy “Nhẫn” là gì? – Nhẫn là nhịn, dằn lòng xuống. Nhẫn thường đi liền với các từ nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Nhẫn nại có nghĩa là bền bỉ, chịu đựng những khó khăn nào đó để làm việc gì. Nhẫn nhịn chịu nhịn, chịu dằn lòng xuồng. Còn nhẫn nhục nghĩa là dằn lòng chịu đựng những điều cực nhục. Tất cả đó là những biểu hiện tâm lí tự làm chủ bản thân rất cao trước những áp lực bên ngoài.

Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, rất ít khi tránh khỏi mâu thuẫn và xung đột. Không nên “việc bé xé làm to”. Nếu chuyện nhỏ mà cố chấp, không nhẫn nhịn, tự kiềm chế thì sẽ làm hỏng việc lớn. Ông bà, cha mẹ thường khuyên bảo con cháu: “Một điểu nhịn là chín điều lành”, cổ ngữ có câu: “Tiến bất nhẫn bất thành đại sự” (không biết nhẫn nhịn chuyện nhỏ thì việc lớn không thành).

Trong cuộc sống, có lúc ta phải làm ngơ trước những điều trái tai của những kẻ hung hăng, hiếu thắng. Có lúc bị “bắt nạt” một cách hồ đồ mà ta vẫn phải nén lòng nhẫn nhịn, chịu đựng, cho qua… Có nên tranh luận, cãi lí với những kẻ nóng nảy, ăn nói hồ đồ, thậm chí vô lễ không? Ta phải biết “tránh voi” nhưng có lúc lại cần tránh xa “con trâu lấm”. Mà loại “trâu lấm” trên đường đời rất nhiều. Câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, và câu “Thấy cứt tránh ngang, có sang gì cứt!” là những câu tục ngữ chí lí nêu lên bài học về chữ “nhẫn”.

Sách cổ ghi lại bao câu chuyên lí thú về chữ “nhẫn”. Thuở thiếu thời, Trương Lương (đại mưu sĩ của Hán Cao Tổ sau này) lúc đi ngang qua bến đò sông Xích Thủy đã gặp một ông lão người nhỏ bé, mắt xếch, ngạo mạn bắt “nhặt giày”, rồi còn bắt “xỏ giày” cho ông ta. Sau lời khen: “Tay này có cốt cách làm người”, ông lão lên giọng bảo: “Năm ngày sau, nhà ngươi hãy đến gặp ta ở bến đò!…”. Trương Lương rất khó chịu, nhưng vẫn nén lòng chịu đựng. Sau đó, phải hai lần ra đứng đợi ở bến đò vào lúc nửa đêm, Trương Lương mới được gặp “lão già quái gỡ!”. Sự nhẫn nhục, nhẫn nại đã đưa đến một điều bất ngờ hiếm có: Trương Lương được ông lão tặng cho quyển sách quý Binh pháp Thái Công. Lúc đó, Trương Lương mới biết ông già ấy là Hoàng Thạch Công, một tiên ông ở chân núi thành Bấc.

Chuyện thứ hai nói về Hàn Tín bị anh bán thịt giễu cợt, chua cay, thậm chí còn bị hắn bắt chui qua háng. Trong bụng thì chua cay, tức giận, nhưng Hàn Tín vẫn nhẫn nhục nhất nhất làm theo lời anh hàng thịt trước những cặp mắt ngạc nhiên và những tiếng cười ré lên của hàng trăm người đi chợ có mặt lúc ấy. Vị đại tướng của nhà Hán sau này, lúc đó không phải là một thằng hèn, trái lại ông ta đã nêu cao chữ “nhẫn”, làm đúng lời dạy của người xưa “Tiểu bất nhẫn tất loạn đạo mưu”.

Nhẫn nhịn, nhẫn nhục là một đức tính đẹp của người biết làm chủ bản thân, tự kiềm chế mình trước hoàn cảnh bất thuận, bất lợi. Có trường hợp bị người thân trách nhầm, bị bạn bè hiểu nhầm, rất dễ dẫn đến bất hòa. Lúc đó, nóng giận sẽ làm cho môi quan hệ bị rạn nứt, chẳng khiến cho mây mù tan nhanh, không làm cho gió xuân thành mưa. Phải bình tĩnh, hết sức bình tĩnh là ta sẽ tìm được cách “phá vây”, thoát ra khỏi tình trạng nặng nề, ngột ngạt!

Nhẫn nhịn, nhẫn nhục không phải là sự nhu nhược đáng khinh. Trái lại, chính là biểu hiện của một phẩm cách tự tin, thể hiện ý chí vừa tự kiềm chế, vừa kiên cường. Lan Tương Như, vị tể tướng quyền cao chức trọng thời Chiến quốc, ở gia thất cũng như ở triều đình, ở đâu, tiếp xúc với ai, ông cũng lễ độ, nhường nhịn, khiêm nhường, cung kính. Nguyễn Công Trứ, nhà thơ lỗi lạc, vị đại quan thời Nguyễn, “Lúc thủ khoa khi tham tán, lúc Tổng đốc Đông…”, “Lúc bình Tây cờ Đại tướng”, có khi bị cách tuột làm lính thú, thế nhưng ông vẫn nhẫn nhục chờ thời. Ông từng nói: “Lúc làm Đại tướng, ta không lấy thế làm vinh thì lúc là lính thú, ta cũng không lấy thế làm nhục!”. Giữa thời loạn, ông mang cốt cách một kẻ sĩ quân tử, một đấng trượng phu, lúc về chí sĩ, ông là “cây thông đứng giữa trời mà reo!”. Bài học về chí nam nhi, chí anh hùng và bài học về chữ “nhẫn” mà ông nêu cao, cho đến nay vẫn còn được nhiều người ngưỡng mộ và giàu ý nghĩa nhân sinh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của quân đội ta – cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền những trang sử vàng chói lọi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ xâm lược. Nghe nói, từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX đến nay (năm 2010), trong tư dinh Đại tướng có treo một chữ “nhẫn” rất to, chắc do nhiều nguyên nhân, nhưng cái tâm đức của ông thật vô cùng trong sáng, được thiên hạ ngợi ca.

Tóm lại, nhẫn nhịn là sự độ lượng, khiến cho đức trong, tâm sáng, lòng thanh thản. Người có thể tự kiềm chế, biết nhẫn nại là người sâu sắc, giàu bản lĩnh thể hiện một cốt cách trí tuệ, mưu lược, cao thượng.

Ai cũng cần biết “nhẫn” trong cuộc sống. Tuổi trẻ cần biết “nhẫn” để rèn luyện bản lĩnh, để chờ thời cơ, để vươn lên lập đức, lập nghiệp.

Leave a comment