Tình yêu trong những truyện cổ tích: “Chử Đồng Tử”, “Trầu cau” và “Từ Thức”

0

Lần giở lại những quyển truyện cổ tích dân gian tôi chợt sửng sốt và bàng hoàng tự hỏi: Từ thời xa xưa nhân dân ta đã có cái nhìn vượt thời gian đến thế ư? Những nhân vật Từ Thức, Chử Đồng Tử, anh em họ Cao có thật là sản phẩm mơ ước xuất phát từ đầu óc ưa tưởng tượng của người Việt Nam hay chăng? Ôi! Những nhân vật cổ tích, sao mà đáng yêu và tuyệt vời đến thế, họ chính là kết tinh của cái đẹp, là những mâu thuẫn điển hình nhất, hoàn thiện nhất về phương diện nghệ thuật lẫn nội dung.

Trở về với câu chuyện Chử Đồng Tử, ta bắt gặp một biểu tượng tuyệt vời về lòng hiếu thảo của một người con. Gia đình họ Chử nghèo quá đỗi, đến nỗi hai cha con chỉ có chung một mảnh khố. Thế rồi, cha Đồng Tử chết đi để lại di chúc và nhường khố cho con. Thương cha, chẳng lẽ để cha lạnh lẽo dưới mồ. Đồng Tử đã chôn cả khố theo cha. Lạ lùng thay, thời xưa nhân dân vẫn thường quan niệm: người con hiếu thảo phải thực hiện triệt để những di chúc của cha để lại, đằng này làm trái di chúc vẫn là con ngoan. Một khái niệm mới về chữ hiếu đã được hình thành trong tầng lớp nhân dân: quên mình vì đấng sinh thành và sẵn sàng gánh chịu mọi khổ đau. Phải chăng đó là một cái đẹp tiềm ẩn mà nhân dân muốn nói đến? Cái đẹp ấy đâu chỉ xuất hiện ở những kẻ cao sang, quyền quý, cái đẹp hoà cùng bản chất chân thực của những con người lao động. Chính ở những con người bình thường nhất cái đẹp sẽ vươn lên với tất cả hoa quả ngọt ngào nhất, cái đẹp chính là giá trị tâm hồn, là thước đo nhân phẩm của con người. Cái đẹp bao trùm câu chuyện Chử Đồng Tử bởi màu sắc kì ảo, hoang đường thông qua cuộc tình duyên tuyệt vời của Tiên Dung và Đồng Tử. Có lẽ lần đầu tiên trong nên văn học dân gian, một tình yêu thiên tính của lứa đôi đã được phôi thai. Trong lúc những nhà văn đương thời, những nhà nhân đạo lớn vẫn còn nhỏ lệ xót thương cho thân phận bảy nổi ba chìm của phụ nữ, nạn nhân đau khổ của chế độ phong kiến bất công, lúc nào cũng bị đóng kín trong tam tòng tứ đức, văn học dân gian đã vượt rào phong kiến, cho ra đời một mẫu nhân vật mới, thật đẹp, thật lý tưởng. Như thế, về tư tưởng văn học dân gian đã vượt cả văn học viết, những nàng Tiên Dung trong cổ tích đến nay các nhà văn vẫn không thể xây dựng được. So với nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng Tiên Dung tự tìm đến với tình yêu, hạnh phúc tự nhiên như quy luật đất trời. Lạ lùng thay mối duyên kì ngộ, chẳng cần mai mối họ đã thành hôn với nhau. Lễ cưới của một vị công nương chẳng pháo hoa chào đón, chỉ có sự chứng kiến của thiên nhiên hoang dã. Đẹp làm sao tình yêu, phải chăng hình ảnh Tiên Dung, Chử Đồng Tử cũng là sản phẩm ước mơ, phản ánh ước vọng, khao khát tình yêu thiên tính, không bị chi phối bởi quyền lực phong kiến.

Cái đẹp chỉ được thể hiện ở một khía cạnh thôi ư? Hoàn toàn không phải thế khi bạn đã có lần đọc câu chuyện Trầu cau. Những chi tiết hiện thực đầy mâu thuẫn liên tục đan xen trong câu chuyện. Cả ba nhân vật anh, em và vợ đều là những người tốt, đầy nhân nghĩa. Thế nhưng họ đã không hiểu được nhau bắt đầu từ những điều bình thường và đơn giản nhất. Họ đã lầm khi định mức dung lượng, tình cảm của nhau mà không hề nghĩ rằng tình cảm không là một vật thể để được đo lường, tính toán. Khởi đầu là sự thành lập một gia đình, anh và em trước kia cùng chung sống và rất giống nhau, sau đó anh lấy vợ đẹp, em vẫn cô đơn. Đến lúc này tình cảm của anh đã chia làm hai nửa: một cho vợ và một cho em, đồng thời trong lòng anh cũng nhen nhúm một mối ngờ vực, nghi kị đối với em. Cuộc sống, dòng chảy trong câu chuyện vẫn tiếp tục trôi nhanh trước mắt ta, cái độc đáo của cốt lõi hiện thực dần hiện ra khi xuất hiện chi tiết tất yếu: em về sớm, vợ nhận lầm, ngay lúc đó người anh xuất hiện. Sự xuất hiện của người anh là vô tình hay hữu lí, do đâu mà người vợ lại có cử chỉ có lẽ rất xa lạ với truyền thống Đông phương – ôm chầm chồng mình đến như vậy? Theo trình tự câu chuyện, ta nhận thấy chắc chắn sự có mặt của người anh chẳng phải vô tình: anh đã nghi ngờ em và theo dõi từng cử chỉ của em, vừa thấy em về sớm anh lập tức theo ngay. Riêng người vợ, những tình cảm lâu ngày không thể bộc lộ, bị dồn nén tình cảm quá mức nên giờ đây vừa nhận ra chồng, lại không có mặt em, chị quá mừng và chẳng kịp suy xét, nghĩ suy.

Chi tiết hay nhất của câu chuyện là cái chết, biểu tượng của cái chết và sự hoá thân của các nhân vật. Họ sống như thế nào thì họ chết như thế: người em chịu đựng và nhẫn nhục biến thành tảng đá nghìn đời yên lặng, u uất và đau khổ. Người anh hiểu lầm em để rồi trở thành cô độc lại hoá ra cây cau, mọc thẳng, không cành, vươn lên trơ trọi, lẻ loi như tìm kiếm. Người vợ bé bỏng, vô tội lại biến thành dây leo quấn chặt vào chồng để nương tựa, mong chờ sự chở che và tiếp thêm nguồn sức mạnh. Dưới con mắt của chúng ta, không bị ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo, cái chết của nhân vật sao mà đau xót, đáng thương quá. Chỉ vì không sống thật với chính mình, không hiểu nhau mà gây nên bi kịch thương tâm đến thế. Nhưng quay trở về thời xa xưa, người dân sống trong môi trường dân gian, thấm đẫm quan niệm Phật giáo, sự hoá kiếp đó là tất yếu, là một cuộc đổi đời mới thật đẹp, thật hạnh phúc. Nhân dân mong muốn mọi người hãy hiểu nhau, xoá bỏ cho nhau những lỗi lầm để đời không còn là bể khổ.

Quay trở lại đề tài tình yêu trong các câu chuyện cổ, ta chợt vỡ lẽ: không chỉ có một Tiên Dung, một nàng công chúa nơi trần thế đại diện cho sự khát khao tự do, hạnh phúc, mà còn biết bao những Tiên Dung khác, điển hình là cô tiên Giáng Hương. Cả hai Tiên Dung và Giáng Hương cùng gặp gỡ nhau ở giấc mơ lên tiên, một biểu hiện cho mơ ước bay bổng của người dân. Họ là những người con gái sống từ thời xa xưa nhưng sao mà gần gũi chúng ta ngày nay đến thế. Phải chăng nguyên nhân tạo nên mối quan hệ gần gũi ấy là do cá tính của họ. Phụ nữ nhưng không muôn lệ thuộc vào nam giới, tự vươn lên để tìm hạnh phúc cho bản thân. Cùng với Từ Thức, Giáng Hương đã xây dựng, vun đắp một mối tình thật đẹp, tưởng chừng vượt qua tất cả những khó khăn đời thường, hai người cùng nắm lấy tay nhau bay đến khung trời mới. Xứ Tiên mở ra trước mắt họ với bao nhiêu là hào quang hạnh phúc, một thiên đường tuyệt vời. Ca ngợi cuộc sống hạnh phúc cõi Tiên, nhân dân ta đã gián tiếp phủ định cõi Trần đầy bất công, luôn gây cho con người những nỗi đau truyền kiếp. Cõi Tiên ở đây thật là cõi Trần, cõi Thực trong những giấc mơ của con người, san bằng mọi khó khăn để tìm đến bờ hạnh phúc.

Mối duyên giữa Từ Thức và Giáng Hương để lại những dấu ấn khá đặc biệt. Có lẽ cuộc tình này đã giúp những nhân vật toàn vẹn là hoàn mĩ hơn: một Giáng Hương thuỳ mị, đoan trang, xinh đẹp tuyệt trần và một Từ Thức hào hoa phong nhã, phóng khoáng tự do. Không cần bạc tiền, địa vị, chàng và nàng đã tìm đến bên nhau bằng tình cảm thực sự của trái tim mình. Đấy là một bằng chứng tình yêu tuổi trẻ, tình yêu chỉ bất tử đối với những người thực sự muốn đến với tình yêu. Ôi! Tình yêu thiên tính, một tình yêu mà con người hằng ao ước. Phải chăng đấy cũng là ước mơ của người dân lao động muốn vượt rào phong kiến hạnh phúc? Khái niệm về tình yêu đã một lần xuất hiện trong Chử Đồng Tử, giờ lại được tái hiện sinh động ở Từ Thức và càng đẹp bội phần: thể hiện được cuộc sống nhân sinh trong dòng thời gian. Xuyên suốt câu chuyện ta bắt gặp những nhân vật tuy quen mà lạ, nhân vật Từ Thức cũng là một người lạ đã quen biết, chính chàng đã giúp ta hiểu thêm về đời sống tình cảm, tâm hồn của con người Việt Nam với những mối quan tâm đời thường. Kỳ lạ thay, một đất nước chưa bao giờ ngưng binh đạo, những hận thù chinh chiến… nhưng nhân dân lại có những băn khoăn về lẽ sống đời thường nhân thế. Sức mạnh tư tưởng, quan điểm chế độ quân chủ. Những câu chuyện cổ tích, đó là sức sống tiềm tàng của nhân dân lao động. Trong chế độ phong kiến, văn chương luôn phủ định cái tôi (bản ngã) nhưng nhân dân lại cho ra đời những nhân vật và những cái tôi thật tiêu biểu, thật mãnh liệt.

Từ Thức, Chử Đồng Tử, Trầu cau giúp ta nhận thức sâu sắc hơn nét độc đáo của những câu chuyện cổ, những yếu tố hiện thực và lãng mạn luôn đan xen nhau hình thành những giấc mơ bay bổng, diệu kì. Đẹp làm sao những giấc mơ ấy, nó đã giúp con người thêm hăng say, nung nấu niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống đường hoàng, hạnh phúc ở ngày mai. Nhân vật trong truyện cổ là những biểu tượng về tài năng và trí tuệ của con người, những biểu tượng đẹp bất tử với thời gian. Đưa Từ Thức đến với cõi Tiên, cho Chử Đồng Tử kết hợp với Tiên Dung để cả hai cùng hướng tới hạnh phúc. Những khúc ca bay bổng, đầy lãng mạn. Mơ ước một cõi tiên, một tình yêu thiên tính, nỗi khát khao hạnh phúc chẳng phải là giấc mơ bay bổng của con người sao?

Có lẽ mãi mãi và mãi mãi truyện cổ dân gian là những hòn ngọc ngời sáng ước mơ, chính nó đã tạo cho con người tất cả sự lạc quan và tin tưởng ở cuộc sống. Những ước mơ bay bổng ấy đã, đang và sẽ được chúng ta nâng cánh để tiếp tục bay cao, xa hơn vào vùng trời hạnh phúc.

Leave a comment