Top 10 món ăn đặc sản phải thử khi đến Hải Dương
Contents
Nhắc đến Hải Dương không chỉ được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, những danh lam thắng cảnh đẹp hấp dẫn, những con người thân thiện mến khách mà còn có những đặc sản nức tiếng khắp nơi. Nếu bạn có dịp đến với mảnh đất xinh đẹp này thì đừng bỏ qua top các món ăn đặc sản phải thử khi đến Hải Dương nhé!
Bánh đa gấc Kẻ Sặt
Về Hải Dương, không ai không biết đến bánh đa gấc Kẻ Sặt. Cả tỉnh có nhiều nơi làm bánh đa nhưng chỉ có Kẻ Sặt mới có thể làm ra những chiếc bánh đa gấc trứ danh, trở thành đặc sản độc đáo giống như món bánh đậu xanh của vùng đất này.
Những chiếc bánh đa có màu đỏ của gấc, vị bùi của lạc, vừng, dừa và mùi thơm của gừng tươi và hương gạo mới. Khác với những loại bánh đa khác, bánh đa gấc Kẻ Sặt được cuộn tròn thành từng cuộn , nổi tiếng thơm ngon của xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, Hải Dương. Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo, đường, có thêm vừng, lạc và dừa thái mỏng và thêm hương vị của gừng tươi. Ngày nay người ta còn có thêm cả gấc để tạo màu đỏ hấp dẫn và lạ mắt cho chiếc bánh.
Để làm nên chiếc bánh đa đặc sản Hải Dương này, người dân nơi đây phải vô cùng khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Gạo làm cần đạt yêu cầu ngọt, tới và nhiều bột. Vừng cũng phải chọn loại vừng tốt, loại vừng tấm thơm bùi là tốt nhất. Lạc được chọn phải là loại lạc già, nhân to, mẩy để dễ thái mỏng. Dừa phải chọn loại dừa già, cùi dày thì bánh mới thơm và bùi.
Để tiện cho khách mua, người làm bánh hơ qua lửa để bánh chín. Khi tráng và phơi xong, bánh có hình tròn. Tuy nhiên, khi quạt chín, bánh còn mềm và dẻo, người làm đã cắt bánh làm đôi theo hình bán nguyệt và cuộn tròn lại theo hình ống để tránh bánh bị vỡ vụn khi vận chuyển. Trước kia, món bánh đa gia truyền này có màu vàng óng, nhưng ngày nay, hầu hết những hộ làm bánh hiện tại (chỉ còn rất ít hộ làm) cho thêm màu đỏ của gấc để bánh có màu hấp dẫn hơn chính vì vậy cái tên bánh đa Kẻ Sặt có cái tên mới là bánh đa gấc Kẻ Sặt. Khi ăn, chính vị bùi và béo của lạc vừng lẫn dừa, cùng vị cay đặc trưng của gừng khiến chiếc bánh đa gấc Kẻ Sặt đặc biệt hơn những loại bánh đa thông thường luôn gây cảm giác khô.
Giá bánh đa gấc từ 35-40 nghìn/10 chiếc.
Bánh lòng Kinh Môn
Mỗi độ Tết đến xuân về, trên mâm lễ vật dâng cúng trời đất, gia tiên hay bày trong mâm bánh kẹo để tiếp đãi khách quý của người dân Kinh Môn không chỉ có bánh chưng mà còn có cả bánh lòng. Làng Huề Trì, xã An Phụ được xem là cái “nôi” của món bánh lòng Kinh Môn bởi cả làng hầu như nhà nào cũng biết làm món này rất ngon.
Bánh lòng được làm từ những nguyên liệu chính: gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng, mứt dừa. Khâu chuẩn bị nguyên liệu thì việc nổ bỏng và cô đường là vất vả nhất. Gạo nếp cái hoa vàng đem nổ thành bỏng rồi giã (hoặc nghiền) nhỏ, mịn. Đường trắng đem cô thành mật, đường cô càng kỹ, bánh sau này sẽ càng chắc, thơm và để được lâu. Lạc rang bỏ vỏ, vừng rang thơm, gừng giã lấy nước, mứt dừa. Tất cả cho vào nồi đường đảo thật nhanh và đều tay cho đến khi bánh nhuyễn, se mặt, đem đổ vào khuôn gỗ để ép.
Mẻ bánh ngon khuôn bánh phải chặt, các nguyên liệu quện đều, mềm, dẻo, không bị vón cục, không quá rắn và cũng không bị nhão. Có rất nhiều người nhìn qua cứ ngỡ bánh lòng giống như các loại bánh cáy, chè lam. Nhưng khi thưởng thức đều cảm nhận vị ngon đặc trưng của bánh: mùi thơm, béo ngậy từ gạo nếp cái hoa vàng đặc sản Kinh Môn, của lạc, của vừng, vị cay của gừng và độ ngọt vừa phải từ đường, mứt. Do làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không có chất bảo quản nên bánh lòng chỉ để được khoảng 10 ngày. Ngon nhất vẫn là khi vừa làm xong, thưởng thức bánh mới bên ấm trà nóng.
Cũng bởi vị thơm ngon đặc trưng mà bánh lòng Kinh Môn dần được nhiều người biết đến. Rất nhiều du khách thập phương khi về trẩy hội, du xuân tại quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương (Kinh Môn) đều chọn mua bánh lòng làm quà biếu người thân.
Rươi Tứ Kỳ
Hải Dương là một tỉnh có nhiều loại đặc sản trong số đó phải kể đến một loại đặc sản vẫn còn mới lạ với chúng ta đó là rươi Tứ Kỳ. Một loài thủy sinh hiếm có chỉ có tại một số con sông và vùng nước lợ.
Rươi là một loài động vật rất nhiều chất bổ dưỡng và giàu chất đạm. Với mức giá không quá cao từ 370.000-450.000 đồng/kg rươi tươi được những người bán buôn thu mua ngay tại ruộng.
Theo thông tin cập nhật từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và Tứ Kỳ là 2 huyện nổi tiếng về đặc sản rươi ở tỉnh Hải Dương. Rươi ở Tứ Kỳ được tập trung khai thác chính ở 2 xã là Tứ Xuyên và An Thanh.
Theo thống kê, xã Tứ Xuyên có 20 gia đình và An Thanh có 500 hộ gia đình có diện tích khai thác rươi. Sản lượng khai thác trung bình của hàng nay, tính đến thời điểm này đạt 80 kg/ha.
Tổng sản lượng khai thác đặc sản này tính chung toàn huyện khoảng 1,2 tấn, nhưng càng về gần đây sản lượng khai thác đã giảm mạnh chỉ đạt được mức 60% so với cùng kì năm trước.
Hiện nay, rươi Tứ Kỳ được biết rộng rãi và phổ biến tại các địa phương lân cận. Đặc biệt tại Hà Nội đã suốt hiện các hàng quán bán các món chả rươi vẫn đang và rất hấp dẫn khách du lịch.
Bánh dày Gia Lộc
Bánh dày Gia Lộc Hải Dương dẻo thơm là món đặc sản của vùng đất này, nếu chỉ một lần được thưởng thức bạn sẽ nhớ mãi hương vị để lần sau có dịp đi qua nhất định lại ghé nơi này.
Chiếc bánh dày trắng mịn, dẻo thơm đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của thị trấn Gia Lộc. Bánh dày Gia Lộc có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một dư vị rất độc đáo.
Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ làm bánh phải rất khéo léo. Đặc biệt muốn có hương vị thơm ngon nguyên liệu làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp vụ mới thì mới bảo đảm được độ dẻo, mềm, thơm ngon.
Thưởng thức thứ bánh này, thực khách sẽ thấy nhẹ nhàng, mềm mại, cảm nhận dư vị đậm đà của hương nếp trong từng miếng bánh quyện với hương thơm lá chuối. Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng của người dân địa phương.
Giữa vô vàn những thứ quà ăn sáng như phở, bún, cháo…nhưng những chiếc bánh dày vẫn được nhiều du khách lựa chọn như một món ăn đậm tình quê. Giá một cặp bánh dày giò rất rẻ chỉ khoảng 10 nghìn đồng/1 cặp.
Gà Mạnh Hoạch
Gà Mạnh Hoạch là những chú “gà đi bộ”, được chăn thả tự nhiên vùng đồng quê, lúc giết thịt nặng không quá 1kg vì vậy thịt gà rất chắc, thơm và ngọt tạo nên hương vị không thể chối từ cho món gà Mạnh Hoạch. Gà tươi Mạnh Hoạch nổi tiếng khắp cả nước 20 năm nay không phải là một loại gà như ông cha ta vẫn gọi như: gà ri, gà Tam Hoàng, gà chọi… mà là tên một thương hiệu xuất phát từ ông “vua gà” đến từ Hải Dương – Phạm Hồng Hoạch.
Từ một quán nhỏ do ông Phạm Hồng Hoạch làm chủ đến nay đã trở thành một thương hiệu có hệ thống nhà hàng trên khắp cả nước thu hút nhiều thực khách gần xa và là một món ngon mà dân sành ăn nhắc đến như một món ăn không thể bỏ qua của ẩm thực miền Bắc Việt Nam, thu hút các du khách đến Hải Dương du lịch.
Trước đây gà Mạnh Hoạch chỉ được chế biến rất đơn giản theo phương pháp truyền thống là chân, cánh, đùi thì luộc còn những bộ phận khác thì nấu miến hoặc xào. Nhưng hiện nay thì các món ăn của gà Mạnh Hoạch rất đa dạng phong phú, đáp ứng được mọi yêu cầu của những thực khách khó tính nhất: gà rán nguyên con, gà luộc, gà hấp lá chanh, lẩu gà, cháo gà, xôi gà, gà nấu miến, giò gà… Mỗi món đều có một vị ngon riêng nhưng đều có điểm chung là sự thơm ngọt của gà ta hấp dấn thực khách xa gần.
Đến với nhà hàng gà Mạnh Hoạch, bạn sẽ phải đợi lâu một chút để có thể thưởng thức được món gà tươi ngon chế biến tại chố. Tuy nhiên sẽ không có cảm giác bực mình khi các nhân viên ở đây phục vụ bạn rất nhẹ nhàng, kiên nhẫn, nhiệt tình và chu đáo. Hải Dương thật sự là một điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Bắc Việt Nam.
Bánh gai Ninh Giang
Bánh gai không chỉ là đặc sản cổ truyền vốn là niềm tự hào của người dân Ninh Giang, Hải Dương mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo mang lại thu nhập chính giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Cách thành phố Hải Dương khoảng 30 km, nằm bên dòng sông Luộc êm đềm thơ mộng, thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang, Hải Dương) từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với sản phẩm bánh gai truyền thống khá nổi tiếng.
Theo nhiều cụ già tại thị trấn Ninh Giang, nghề làm bánh gai đã có từ rất lâu, khoảng hơn 700 năm trước. Ban đầu, bánh tròn như quả chanh, không có lá bọc. Ngày xưa, bánh gai rất hiếm, chỉ được dùng trong ngày Tết hay nhà có giỗ chạp. Ngày thường, hàng xóm láng giềng có việc đi xuống huyện về biếu chiếc bánh, nhà có 5 hay 6 người thì phải xắt thành từng ấy miếng, mỗi người một miếng nhỏ, cùng nhâm nhi vị ngọt đượm của bánh. Còn nay, bánh gai đã được làm quanh năm, trở thành đặc sản để du khách chọn làm quà khi đến Hải Dương.
Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có gần 100 cơ sở sản xuất bánh gai. Trước đây bánh gai chủ yếu làm để biếu tặng trong các ngày lễ hội, Tết, cưới xin, giỗ chạp… nhưng ngày nay, khi sản phẩm bánh gai của làng đã nổi tiếng, khách hàng từ khắp nơi tìm về mua bánh gai ngày càng đông. Điều này đã giúp người dân làng nghề có công việc ổn định, cuộc sống được nâng cao.
Những chiếc bánh gai ngon, đạt tiêu chuẩn thì đầu tiên gạo làm bánh phải là loại đặc sản nếp cái hoa vàng. Mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Lá gai phải là lá gai nếp thì bánh mới dẻo và có mùi thơm. Lá gai được rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ, rồi ủ bằng đường 2 – 3 ngày. Khi lá đã được ủ ngấu, người thợ mới dùng chày giã nát lá, lọc lấy bột mịn rồi đem trộn với bột nếp. Tỷ lệ bột lá và bột nếp sẽ quyết định chất lượng của “lớp áo” bánh gai.Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém. Mỡ cánh (mỡ cổ lợn) được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ lợn không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không nát, còn nguyên hương vị. Bột gạo nếp, bột lá gai được trộn đều với mật để làm vỏ bánh. Khi trộn bột, càng vắt lâu thì bánh càng dẻo càng mềm mại thơm ngon. Người Ninh Giang không luộc bánh gai mà hấp khoảng 2 giờ đến khi bánh dậy mùi thơm ngậy đặc trưng. Giá bánh gai tại đây khoảng 5 nghìn đồng/chiếc.
Vải thiều Thanh Hà.
Vải thiều Thanh Hà là một trong những đặc sản nức tiếng của đất Hải Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cứ đến tháng 5, tháng 6, người nông dân trồng vải lại tất bật cho vụ mùa mới, còn nhà nhà đều tranh thủ mua về những chùm vải mọng quả để thưởng thức trước khi mùa vải kết thúc.
Vải thiều Thanh Hà có vị ngọt mát, thịt quả dày, mọng nước, hạt nhỏ, đôi khi có quả chín mà không có hạt. Khác với vải thiều Lục Ngạn – vỏ quả khi chín có màu hồng thẫm, vải thiều Thanh Hà khi chín có vỏ nhẵn hơn và màu trắng sáng, hồng hồng.
Trên địa bàn huyện Thanh Hà hiện có hơn 350 ha vải được chứng nhận theo quy trình Vietgap, 92,68 ha vải được Cục Bảo vệ Thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU.
Nếu có cơ hội tới Hải Dương, bạn đừng quên Ngày hội vải thiều Thanh Hà thường được tổ chức vào tháng 5 hàng năm, để tìm hiểu thêm về loại quả ngọt lành của vùng đất này.
Ngày hội vải thiều hàng năm là hoạt động đa dạng, phong phú nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, du lịch của huyện đến với đông đảo người tiêu dùng cùng du khách trong và ngoài nước. Ngoài vải thiều, huyện Thanh Hà (Hải Dương) còn nổi tiếng với nhiều loại quả như bưởi, ổi… được nhiều người yêu thích.
Bánh đậu xanh Hải Dương
Nhắc đến đặc sản Hải Dương, người ta không thể không nghĩ ngay đến bánh đậu xanh. Bao nhiêu lâu nay, qua từng ấy năm tháng, qua từng ấy thăng trầm, từng ấy đổi thay bánh đậu xanh Hải Dương trong lòng mỗi người vẫn giữ được sự yêu mến nhất định. Vẫn là món quà trao tay nhau ngày lễ Tết, vẫn là lựa chọn của mỗi du khách khi ghé thăm mảnh đất Kinh môn, vẫn là thức nhâm nhi bên ly trà xanh, vẫn là nỗi nhớ của những người con xa quê.
Theo truyền thuyết được truyền lại, trong một lần vua Bảo Đại kinh lý qua Trấn Hải Dương, đã được người dân xứ này dâng lên một loại bánh được làm từ đỗ xanh. Nhà Vua ăn thấy rất ngon và hết lời khen ngợi bởi hương vị nhẹ nhàng, thanh ngọt, mịn và đặc biệt khi uống kèm trà thì vô cùng tuyệt vời. Do đó, sau khi về cung Vua Bảo Đại đã ban sắc lệnh ngợi khen bánh Đậu xanh Hải Dương. Trên sắc có in hình “Rồng Vàng” – biểu tượng Uy quyền của vua. Từ đó đến nay, mới có tên gọi “Bánh Đậu xanh Rồng vàng”.
Cũng giống như nhiều món ăn khác trong ẩm thực Hải dương, bánh đậu xanh Hải Dương không chỉ nổi tiếng như là một món ăn đặc trưng của vùng đất Kinh môn mà còn bởi nó thơm ngon, thơm ngon một cách bình dị và bởi nó gắn liền với làng quê, được làm nên từ những cây nhà lá vườn, dưới bàn tay của những người thợ yêu nghề, thủy chung với nghề. Chính vì mộc mạc, chính vì thân quen, chính vì gần gũi mà bánh đậu xanh luôn là một thức quà của con người nơi đây dành tặng cho mỗi du khách như một lời cảm ơn thầm kín, hay góp phần làm vơi đi nỗi nhớ quê hương của những người phải tha phương cầu thực.
Bánh cuốn Hải Dương
Về thành phố Hải Dương, tìm tới con phố Bắc Sơn, con phố với món bánh cuốn nổi tiếng đã được đưa vào từ điển Wikipedia. Ở đó có quán bánh cuốn bà Thấu gắn liền với thương hiệu bánh cuốn Hải Dương.
Chẳng như bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Hà Nam hay bánh cuốn Hàng Kênh, Nam Định nổi tiếng nhờ các phương tiện truyền thông hoặc phương tiện… giao thông do ở gần quốc lộ, không nhiều người còn nhớ đến bánh cuốn Hải Dương. Nhưng nếu ai đã thử, sẽ chẳng thể nào quên những tấm bánh mỏng mướt như giấy pơ-luya, thanh mát, trong suốt mà vẫn béo ngậy. Chẳng thế mà cách đây ít năm, khi quốc lộ 5 còn đi qua trung tâm thành phố Hải Dương, những chiếc xe gắn biển Hải Phòng, Hà Nội bao giờ cũng ghé vào Bắc Sơn ăn “Bánh cuốn bà Thấu”.
Bây giờ, những hàng bánh cuốn ở Bắc Sơn đã vãn. Nhưng miếng ngon nhớ lâu, nhiều vị khách ở nơi xa, dù chỉ một lần nếm thử bánh cuốn Hải Dương, mỗi lần đến đây vẫn phải cố công tìm ăn bằng được.
Bún cá rô đồng
Nhắc đến Hải Dương, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến đặc sản bánh đậu xanh, rươi Tứ Kỳ, bánh đa gấc Kẻ Sặt, vải thiều Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang… và không thể bỏ qua bún cá rô đồng.
Bún cá rô đồng là món ăn quen thuộc có thể bắt gặp ở nhiều nơi nhưng nếu muốn thưởng thức tô bún cá ngon chuẩn vị thì nhất định phải đến Hải Dương.
Chế biến bún cá tưởng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người làm. Những con cá được luộc chín, bóc thịt ra riêng rồi phi cùng hành mỡ có mùi thơm nức. Nước dùng của bún cá rô cũng được chế biến rất tỉ mỉ, nước trong leo lẻo và đậm đà vị ngọt của cá, người ta có thể bỏ ít gừng tươi để mùi hương thêm phần quyến rũ.
Thưởng thức bát bún cá rô đồng trong ngày đông lạnh giá mới là cái thú. Tô bún cá nóng hổi, nước dùng ngọt thanh đậm đà có chút chua nhẹ, cá rô chiên ròn giụm, thịt cá rô xào béo ngậy, thơm phức ăn cùng những sợi bún trắng thơm ngon hấp dẫn. Hương vị vừa lạ vừa quen, kích thích vị giác cô cùng, khiến thực khách nhớ mãi.