Top 10 Truyện về ngày Tết cho trẻ mầm non
Contents
Không khí mùa xuân đã tràn ngập khắp đất trời. Trong các lớp học đã rộn ràng trang trí hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét … Cô giáo và các bé đã tìm được truyện hay, phù hợp với không khí mùa xuân để kể cho nhau nghe chưa? Sau đây, Review.tip.edu.vn giới thiệu với cô và bé top các truyện về ngày Tết cho trẻ mầm non. Mời các bé thưởng thức nhé!
Sự tích mùa xuân
Bé có biết tại sao khi mùa Xuân về, ngoài vườn ngoài phố lại có nhiều hoa khoe sắc thế không?
Ngày xửa ngày xưa, không có mùa Xuân đâu bé ạ. Một năm chỉ có ba mùa thôi nhé, mùa Hạ, mùa Thu, và mùa Đông. Người ta bảo rằng, mùa Xuân chỉ đến khi một chiếc cầu vồng nhiều màu sắc xuất hiện và muôn hoa cùng đua nhau nở cơ!
Cầu vồng thì chỉ có vào mùa Hạ, khi ông mặt trời xuất hiện sau cơn mưa rào. Còn hoa thì nở rải rác quanh năm, rải rác khắp nơi trên trái đất nên không thể hẹn nhau cùng nở một lúc được. Vì thế, sau mùa Đông giá lạnh là đến ngay mùa Hạ nóng bức, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cho muôn loài hết sức khổ sở. Ai cũng mong ước có một mùa ấm áp, nên ai cũng thích nghe câu chuyện về mùa Xuân và ước ao được đón mùa Xuân.
Có một chú Thỏ sống trong khu rừng xanh nọ với mẹ. Mỗi lần chuyển mùa, mẹ của Thỏ lại bị ốm. Thương mẹ quá, Thỏ con liền bàn với bác Khỉ già thông thái:
– Bác Khỉ ơi, hay là chúng ta hãy cùng nhau làm một chiếc cầu vồng thật đẹp để đón cô mùa Xuân đến với chúng ta?
– Nhưng làm bằng cách nào? – Bác Khỉ già đắn đo hỏi lại.
– Cháu sẽ rủ các bạn trong rừng góp những chiếc lông đẹp nhất để làm chiếc cầu vồng thật nhiều màu sắc.
Bác Khỉ đồng ý với Thỏ. Tin tức lan truyền đi khắp nơi. Muôn thú trong rừng đều muốn gặp mùa Xuân dịu hiền, ấm áp nên vui vẻ góp những màu sắc đẹp nhất. Nào là màu nâu của Gấu, màu vàng tơ của Hươu sao, màu xám của Sóc… Rồi chim Công, Vẹt, Vành Khuyên cũng góp những chiếc lông sặc sỡ của mình. Bầy cá cũng cử cá Chép mang đến một túi đầy vây cá lấp lánh sắc cầu vồng. Chim Sâu khéo tay bắt đầu kết nối những mảng màu với nhau để làm chiếc cầu vồng.
Trong khi đó, Thỏ lên đường đi tìm các loài hoa. Thỏ đi khắp nơi, băng qua hết khu rừng này đến khu rừng khác để gặp từng loại hoa, thuyết phục các loài hoa nở cùng một lúc để đón mùa Xuân về. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Thỏ dành cho mẹ, các loài hoa đều đồng ý sẽ tích tụ dưỡng chất để chờ chị Gió báo tin đồng loạt nở.
Một buổi sáng cuối mùa Đông, chim Sâu đã dệt xong những mảng màu cuối cùng. Chiếc cầu vồng xuất hiện làm muôn loài trên mặt đất xôn xao. Chị Gió nhanh chóng báo tin cho các loài hoa. Như đã hẹn, những nụ hoa lần lượt vươn lên, nở muôn màu rực rỡ. Cả mặt đất lộng lẫy sắc màu. Nàng mùa Xuân xinh đẹp đã đến với trái đất. Từ đó, trên trái đất có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nếu để ý, các bé sẽ thấy các loài hoa đều khoe sắc rực rỡ khi những làn gió xuân nhè nhẹ thổi về. Còn riêng chú Thỏ đáng yêu thì đã được mùa Xuân tặng một chiếc áo trắng tinh, mềm mại vì tấm lòng hiếu thảo và đã biết đoàn kết các bạn muông thú cùng các loài hoa để cùng nhau đón mùa Xuân về.
Sự tích ngày Tết
Ngày xưa, con người chưa biết tính thời gian, chưa biết tính tuổi của mình. Ở nước nọ, có một ông vua nổi tiếng thông minh và tài đức. Đất nước của ông thanh bình, dân tình ấm no.
Một lần, nhân dịp vui, nhà vua nảy ý định muốn ban thưởng cho người già nhất trong nước. Cả nước tưng bừng. Làng làng họp bàn chọn người già nhiều tuổi nhất. Nhưng chẳng làng nào chọn được người già nhất vì chẳng ai biét mình bao nhiêu tuổi. Triều đình cũng bối rối không tìm ra cách nào để chọn ra người già nhất nước.
Thấy vậy, nhà vua liền phái một đoàn sứ giả đi tìm các vị thần để hỏi. Vâng lệnh vua, đoàn sứ giả lên đường. Vị thần đầu tiên họ gặp là thần Sông. Thần Sông mặc áo trắng, tóc mềm như nước, nghe sứ giả hỏi lắc đầu trả lời:
– Ta ở đây đã lâu nhưng chưa bằng mẹ ta. Mẹ ta là Biển cả hãy đến hỏi mẹ ta.
Thần Biển mặc áo xanh biếc đang âu yếm ru con bằng những lời ru sóng vỗ. Được hỏi, thần Biển chỉ tay lên rặng núi xa xa và nói:
– Hãy hỏi thần Núi. Thần còn sinh ra trước cả ta. Khi ta lớn lên thì thần núi đã già rồi.
Đoàn sứ giả lại lặn lội đến gặp thần Núi. Thần Núi da xanh rì vì rêu bám cũng chỉ lắc đầu chỉ tay lên trời:
– Hãy đến hỏi thần Mặt Trời. Lúc ta mới chào đời, ta phải nhắm mắt vì ánh nắng của thần. Thần Mặt trời còn ra đời trước cả ta.
Làm sao đến được chỗ thần Mặt Trời. Đoàn sứ giả thất vọng quay về. Đến một khu rừng, họ gặp một bà lão nét mặt buồn rầu ngồi chăm chú trước cây đào. Đoàn sứ giả đến gần hỏi:
– Thưa cụ, tại sao cụ lại ngồi đây?
– Tôi đến đây để hái hoa đào. Thuở trước con tôi đi xa, cây đào này nở hoa. Bây giờ, mỗi lần hoa đào nở tôi lại ra hái một bông về để nhớ đến con tôi. – Bà lão trả lời.
Một ý nghĩ chợt lóe lên, đoàn sứ giả từ biệt bà lão trở về kinh đô. Họ tâu lên vua việc gặp bà lão hái hoa đào tính thời gian chờ con. Nhà vua vốn thông minh nghĩ ra cách tính tuổi con người: Cứ mỗi lần hoa đào nở thì tính một tuổi. Sau này, người ta biết mười hai lần trăng tròn rồi lại khuyết, hoa đào lại nở một lần.
Lại kể về nhà vua thông minh nọ. Cảm động nhớ đến bà lão hái hoa đào, nhà vua truyền cho thần dân cả nước: Mỗi lần hoa đào nở mở hội ba ngày, ba đêm.
Những ngày vui ấy, sau này người ta gọi là Tết. Phong tục ấy còn truyền mãi đến bây giờ.
Thỏ con và mùa xuân
Trong khu rừng nọ có một chú Thỏ con rất dễ thương. Thỏ con yêu mùa xuân lắm bởi mùa xuân luôn làm cho vườn hoa của chú rực rỡ sắc màu. Nhưng mùa xuân thường không ở lại được lâu. Vì thế Thỏ con rất buồn mỗi khi thấy mùa xuân đi qua. Ngay sau màu xuân là mùa hè với cái nắng gay gắt khiến các bông hoa trong vườn của Thỏ con không thể nở được. Khi đi dạo trong vườn, Thỏ con thường nghe các loài hoa than thở:
– Nóng quá bạn Thỏ ơi! Có cách nào giúp chúng tôi không?
Nhìn các loài hoa khổ sở mệt nhoài vì nắng, Thỏ con thương lắm. Nhưng biết làm sao bây giờ?
Một hôm, Thỏ con quyết định đi tìm Thần Mưa để cầu cứu. Nghe nói, Thần Mưa thường núp sau các đám mây đen trên đỉnh núi cao. Đường đi thật gian nan nhưng Thỏ con không nản chí. Thế rồi Thỏ con leo lên được đỉnh núi cao rồi đấy! Ngước nhìn những đám mây đen, lúc đầu Thỏ con cũng thấy sờ sợ vì chúng có vẻ hung dữ quá. Nhưng hình ảnh về những nụ hoa đang cố nhú ra mà không được vì nắng đã khiến Thỏ con can đảm hẳn lên.
– Xin Thần Mưa hãy tưới mát cho các loài hoa trong vườn được khoe sắc! – Thỏ con hít một hơi dài rồi nói thật lớn.
– Chào Thỏ con! Cháu thật can đảm và đáng yêu. Hãy về với các loài hoa trong vườn của cháu đi! Ta sẽ làm mưa ngay thôi! – Thần Mưa ôn tồn nhận lời.
– Xin cảm ơn Thần Mưa! Nói rồi, Thỏ con phóng một mạch về nhà. Vừa tới cổng khu vườn, thì trời đã đổ mưa. Những giọt nước mưa đang tắm mát cho những nụ hoa. Và rồi một điều kỳ diệu đang dần hiện ra trước mắt Thỏ con: những cánh hoa mỏng manh, rực rỡ đang xòe ra, rung rinh vẫy chào chú.
Thỏ con vô cùng sung sướng reo lên: “Ôi, mùa xuân, mùa xuân đã lại về rồi!”
Sự tích lì xì trẻ em ngày Tết
Bao lì xì ngày Tết có xuất xứ từ Trung Hoa, bắt nguồn từ chuyện trẻ con bị yêu quái hãm hại.
Xưa, có một con yêu quái tên Sui cứ đến đêm giao thừa là xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ khiến chúng tỉnh giấc, hoảng sợ và khóc lớn. Sau đó các bé sẽ bị đau đầu, nóng sốt và nói nhảm; khi những triệu chứng này biến mất, đứa trẻ sẽ trở nên ngu đần. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải chong đèn thức cả đêm để canh không cho yêu quái Sui hãm hại con mình. Đây là nguồn gốc tập tục thức qua đêm giao thừa.
Có một gia đình nhà họ Quan nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai nên rất cưng chiều. Tết nọ, có 8 vị tiên đi qua cho biết rằng cậu bé này sẽ gặp họa với yêu quái. Thấy nhà họ Quan có tâm tốt, thường hay giúp đỡ mọi người nên 8 vị tiên ra tay cứu độ bằng cách biến thành 8 đồng tiền, dặn cha mẹ cậu bé phải làm thế này, thế này… Giao thừa, Sui đến, định đưa tay chạm vào đầu cậu bé thì bất đồ 8 đồng tiền đặt trong mảnh giấy đỏ đặt cạnh gối cậu bé bỗng lóe lên một luồng sáng cực mạnh khiến cho yêu quái kinh hồn bạt vía, bỏ chạy.
Từ đó, chuyện 8 đồng tiền gói trong giấy đỏ lan truyền khắp nơi, kẻ gần người xa bắt chước làm theo mỗi khi Tết đến. Về sau, người ta nghĩ ra chiếc phong bì thay cho gói giấy đỏ và biến phép trừ yêu quái này thành tục mừng tuổi trẻ con mỗi khi Tết đến.
Nàng tiên của mùa xuân
Trong vườn hoa, loài hoa nào cũng cho là mình đẹp nhất. Hoa Hồng bảo:
– Nếu không có tớ, cả vườn hoa sẽ chẳng còn gì là đẹp nữa.
Hoa Lay-ơn nói:
– Nếu không có tớ, sẽ chẳng ai vào vườn ngắm hoa đâu.
Hoa Vi-ô-lét vội nói:
– Vườn hoa đẹp là vì có tớ chứ ! Bộ áo tím và dáng vẻ mềm mại của tớ thật tuyệt vời.
Rồi Hoa Huệ, Hoa Cúc, Hoa Thược Dược, Hoa Đồng Tiền…đều tranh nhau khoe rằng mình đẹp nhất, khiến cho cả khu vườn trở nên huyên náo. Chỉ riêng một cái cây đứng ở trong góc vườn là im lặng. Cái cây đó muôn ngàn cành nhỏ màu nâu và thưa thớt lá xanh. Những bông hoa nhìn nó và nói:
– Cây gì mà thân cành khẳng khiu thế kia, chẳng có hoa gì cả.
Và từ đấy, không ai nhắc đến cái cây trong góc vườn nữa.
Sáng Ba mươi Tết, cô chủ bước vào vườn hoa và nói:
– Xin chào những bông hoa của mùa xuân!
Tất cả vườn hoa xôn xao, hớn hở, bông hoa nào cũng hướng theo cô chủ, hy vọng cô sẽ chọn mình để bày trong ngày Tết. Nhưng lạ chưa, cô chủ chạy lại phía góc vườn và reo lên:
– Ôi, cây đào đẹp quá !
Các loại hoa bất chợt nhận ra cái cây khẳng khiu mọi khi giờ đã khoác một chiếc áo đẹp tuyệt vời. Hàng nghìn bông hoa thắm hồng xinh xinh đang đùa trong nắng xuân ấm áp.
Các hoa cất tiếng hỏi Hoa Đào:
– Thế bạn đã làm cách nào để có được những bông hoa đẹp đến như vậy?
Hoa Đào dịu dàng trả lời:
– Đó là nhờ Đất mẹ nuôi nấng, nhờ mưa nắng bốn mùa, nhờ bàn tay chăm sóc sớm hôm của cô chủ đấy !
Cô chủ nói tiếp:
– Đó còn là nhờ tính khiêm nhường, giản dị, nhờ lòng kiên trì, dũng cảm chịu đựng gió rét, sương sa của hoa Đào nữa chứ. Cả năm vất vả, hoa Đào đã dành tất cả để đơm hoa thắm dâng tặng sắc hương của mùa xuân cho chúng ta đấy.
Bây giờ, các loài hoa đã hiểu ra. Chúng cảm thấy xấu hổ vì thái độ của mình trước kia và khẽ nói:
– Hoa Đào ơi, chúng tớ muốn cùng bạn góp sắc hương trong ngày Tết có được không ?
Hoa Đào và cô chủ đáp:
– Tất nhiên rồi ! Nào các bạn, chúng ta hãy cùng nhau đón mừng năm mới nhé !
Cả vườn hoa bừng hương sắc rực rỡ và ngào ngạt để đón mừng mùa xuân về.
Sự tích cây nêu ngày Tết
Tục xưa truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.
Thương người, Phật mách cho trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ đổi điều khoản sang “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.
Bực tức vì 2 vụ liền không thu được gì, quỷ đổi điều khoản “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.
Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sa mở rộng che khắp mặt đất.
Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Uất hận, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Biết quỷ sợ vôi bột, lá dứa, máu chó, Phật bảo người sử dụng những thứ đó để 3 lần đánh bại lũ quỷ.
Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi địp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.
Sự tích bánh chưng, bánh dày
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.
Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”
Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dàỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dày và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dày, Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dày để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Sự tích hoa đào
Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng.
Có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.
Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái.
Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ.
Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Tuy nhiên về sau, người ta quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này vì không còn tin vào ma quỷ, thần linh như tổ tiên ngày xưa.
Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.
Sự tích hoa mai
Ngày xưa có một cô gái tên Mai con của một người thợ săn vốn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha đào luyện trở thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi và tinh thông võ thuật. Lúc ấy, có một con yêu tinh đến quấy phá một làng nọ, dân làng treo giải ai giết được yêu tinh sẽ được thưởng trọng hậu. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội và lan truyền khắp mọi nơi.
Không lâu sau đó, người cha lâm bệnh nặng và sức khỏe ngày một yếu đi. Lúc này, cô con gái thì đã bước qua tuổi mười tám, sức khỏe càng tăng lên gấp bội, võ thuật càng ngày càng tinh thông. Năm ấy yêu tinh rắn lại xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoản hai cha con đi giết yêu tinh. Trước khi con gái lên đường, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng rất đẹp và cô gái hứa ngày trở về sẽ mặc bộ đồ vàng ấy cho mẹ nhìn thấy cô từ xa. Sau đó hai cha con trèo non lội suối tìm cho ra yêu tinh để tiêu diệt nó. Tuy nhiên, người cha vì sức yếu nên không phụ giúp được gì để cô con gái một mình chống chọi với yêu tinh. Nhưng cuối cùng cô gái cũng giết được nó. Nhưng rủi thay, trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và xiết chết cô gái.
Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp nên ông Táo trong nhà đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong chín ngày. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong chín ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mồng 6 Tết thì biến mất). Về sau khi cha mẹ và người thân của cô gái mất hết, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu mà người dân đã lập nên để cúng bái cô. Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt chín ngày Tết nên dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là cây hoa mai và chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ xuân về, năm hết Tết đến.
Sự tích ông Táo về Trời
“Sự tích ông Táo về Trời” hay còn gọi là “Sự tích Táo quân” là câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng, qua đó giải thích tục lệ cổ truyền của người Việt cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp hằng năm đấy các bé ạ!
Ngày xưa có 2 vợ chồng nghèo lấy nhau đã lâu mà không có con. Một hôm trong lúc phiền muộn, vợ chồng cãi nhau, chồng nóng nảy đánh vợ, vợ tủi thân bỏ nhà đi. Duyên số run rủi, chị ta kết bạn với một người đàn ông khác ở miền ngược làm nghề săn bắn. Anh chồng hối hận, ít ngày sau, đi tìm. Tìm mãi không thấy, hết tiền, lại sinh ốm đau, đành phải ăn xin lần hồi.
Một hôm tình cờ anh ta đến xin ăn đúng nhà vợ chồng người đi săn. Chị vợ nhận ra chồng cũ, thấy đói rách tiều tụy, chị ta rất thương. Nhân chồng mới vắng nhà, chị dọn một bữa cơm rượu đãi chồng cũ. Anh ta ăn uống no say, rồi lăn ra ngủ thiếp đi, đánh thức mấy cũng không dậy. Thật là tai hại! Trời sắp mưa, chồng cũng sắp về. Hoảng quá, chị vội cõng anh kia ra đống rơm cuối sân, lấy rơm phủ lên người giấu đi để tránh điều tiếng không hay.
Vừa lúc đó người chồng mới mang về 1 con cầy, bảo chị vợ ra chợ sắm sửa các gia vị làm một bữa ra trò thết hàng xóm. Ở nhà, anh ta đốt đống rơm thui cầy. Bất đồ, lửa bùng lên, bén vào đống rơm, thui cả anh chồng cũ. Chị vợ về, thấy vậy, vô cùng đau xót, như chính mình mắc tội giết chồng cũ. Chị ta liền nhảy vào đống lửa chết theo. anh chồng mới thương vợ, cũng đâm đầu vào chết luôn. Hôm ấy là hai mươi ba tháng Chạp âm lịch.
Thấy ba người ăn ở với nhau có tình nghĩa, Ngọc Hoàng cho họ hóa thành ba “ông” đầu rau để họ được ở bên nhau mãi mãi, đồng thời phong cho họ là Táo quân (còn gọi là Vua Bếp). Hàng năm, Táo quân phải lên chầu Ngọc Hoàng tâu về việc làm ăn của các nhà ở hạ giới. Nhân dân ta từ xưa, mỗi lần năm hết Tết đến có tục mua cá chép làm cỗ tiễn ông Táo lên chầu Trời, chính là bắt nguồn từ câu chuyện này.