Top 12 Đặc sản nổi tiếng nhất của đất Bắc Giang

0

Nếu có dịp đến với đất Kinh Bắc, bên cạnh việc thăm thú những di tích lịch sử, văn hóa lừng danh như di tích Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm…hay các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp thì bạn cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản ngon nổi tiếng ở Bắc Giang để hiểu thêm về vùng đất thân thương này nhé. Đặc sản Bắc Giang có rất nhiều nhưng để mọi người biết đến nhiều nhất thì phải kể tên những đặc sản trứ danh Bắc Giang dưới đây. Hãy cùng Review.tip.edu.vn tìm hiểu bạn nhé!

Bánh đa nem Thổ Hà

Xuôi về mạn Bắc, ghé thăm những làng nghề thủ công truyền thống, để thấy được những dấu ấn văn hóa nghìn năm trên mảnh đất Bắc Bộ. Những hình ảnh đó đã đi vào thơ ca, nhạc họa, vẽ nên một bức tranh mang đậm dấu ấn thời gian của xứ Kinh Bắc. Trong bức tranh muôn màu ấy người ta đặc biệt ấn tượng với làng cổ Thổ Hà, một địa danh nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem cổ truyền:

“Ai về Kinh Bắc quê em,
Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề.
Sông Cầu in bóng trăng thề,
Người đi người ở người về với ai.”

Từ thành phố Hà Nội chạy xe khoảng 45 phút theo quốc lộ 1A, bạn sẽ tới được Thổ Hà, một làng nghề truyền thống thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Có dịp về đây, bạn sẽ thật sự ngỡ ngàng khi được chứng kiến một không gian yên bình đến lạ, dường như cuộc sống náo nhiệt ngoài kia trở nên lạc điệu vô cùng. Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò trở thành một dấu ấn không thể nào quên, thể hiện rõ nét nhất những đặc trưng lâu đời của quê hương phía Bắc.

Với những bí quyết riêng, bánh đa của làng Thổ Hà nổi danh khắp chốn. Với hơn 400 hộ gia đình gắn bó với nghề cùng tính chịu thương chịu khó của người dân nông thôn miền Bắc, đặc sản bánh đa của Thổ Hà được ưa chuộng khắp mọi vùng miền. Tới thăm làng cổ Thổ Hà, người ta bắt gặp hình ảnh của những phên bánh đa được phơi ở bất cứ nơi đâu quanh làng quê mộc mạc này.

Bánh đa nem Thổ Hà
Bánh đa nem Thổ Hà
Phơi bánh đa nem ở mọi nơi
Phơi bánh đa nem ở mọi nơi

Bánh đúc Đồng Quan

Bánh đúc là món ăn dân dã có ở khắp vùng quê Việt Nam. Bánh đúc thuần túy rất giản dị được nấu từ bột gạo pha với nước vôi trong. Tuy nhiên, mỗi vùng có một cách chế biến khác nhau, cho hương vị khác nhau và cách thưởng thức cũng khác nhau. Trong số đó thì bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo, vừa mát, dân dã mà đậm đà hương vị quê hương, không nhiều nơi có được.

Để làm bánh đúc, người Đồng Quan chọn loại gạo tẻ ngon đem ngâm 3 ngày 3 đêm, mỗi ngày thay 1 lượt nước, đến khi di trên đầu ngón tay thấy hạt gạo nhuyễn mới đem xay. Vôi dùng để quấy bánh là vôi cục nướng lên, hòa vào nước rồi gạn lấy nước trong, đem gạo đã xay hòa với nước vôi này để nấu bánh. Theo người dân làng Đồng Quan, để có bánh đúc ngon thì quan trọng nhất vẫn là khâu nấu và quấy bánh. Chuẩn bị một cái nồi đã được tráng mỡ, đổ bột vào, bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay nếu không sẽ bị vón cục ngay. Lửa nấu phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không khê.

Tùy theo kinh nghiệm và cảm nhận của nười nấu sẽ biết khi nào nồi bánh gần được thì đậy vung, tắt lửa, để om trên bếp một lúc rồi cho lạc rang, dừa xát mỏng vào. Lại quấy tiếp tới lúc bột quánh dẻo, các nguyên liệu hòa đều, lấy đũa cả đánh lên thả xuống thấy róc đũa là được. Bánh đúc chín đổ ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào bát sẽ được bánh nhỏ, xâu lạt được. Nhìn miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc bùi bùi, giòn sần sật làm ta chẳng thể cưỡng lại mà cầm lên thưởng thức. Ăn bánh đúc phải chấm với tương bần. Khi đó, cái vị ngọt của gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa, vị mặn của tương, tất cả hòa quyện thành vị quê nồng đượm.

Bánh đúc Đồng Quan
Bánh đúc Đồng Quan
Bánh đúc Đồng Quan
Bánh đúc Đồng Quan

Gà đồi Yên Thế

Ở Yên Thế, món gà đồi chính hiệu mới là thứ đáng để nhớ bởi “Yên Thế đệ nhất gà đồi. Thịt thơm lại chắc, ăn rồi thì mê”. Món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm. Gà đồi Yên Thế là 1 trong 4 sản phầm được bình chọn Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á – ASEAN bestfood. Như vậy, với chứng nhận này, “Gà đồi Yên Thế” đã trở thành sản phẩm nông sản hàng hóa mang thương hiệu mạnh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.Đây là giống gà ta được nông dân nuôi thả trên các đồi cao và các khu đất rộng.

Gà đồi được nuôi thả tự nhiên, ngày chạy ở vườn đồi bắt côn trùng, tối nhảy lên cành cây cao hoặc nóc chuồng để ngủ. Do vậy gà rất nhanh nhẹn, mắt sáng long lanh, lông mượt, chân thẳng thon nhỏ, da chân vàng đều và sáng bóng, móng chân cùn do chạy nhảy, đào bới thức ăn… Thức ăn chủ yếu của gà đồi là ngô nên thịt gà thơm ngon, rắn chắc. Chắc chắn bạn sẽ không tìm thấy được từ bất kỳ loại gà nào từ vùng miền nào đạt được chất lượng như gà đồi Yên Thế. Đừng quên đến với vùng đất huyện Yên Thế của tỉnh Bắc Giang để được thưởng thức loại gà đặc sản này nhé!

Những chú gà được nuôi trên vùng đồi Yên Thế
Những chú gà được nuôi trên vùng đồi Yên Thế
Món gà Yên Thế nhìn đã thèm
Món gà Yên Thế nhìn đã thèm

Bún Đa Mai

Sản phẩm bún Đa Mai nổi tiếng từ lâu đời và ngày càng phát triển với chất lượng cao. Bún Đa Mai có sợi dẻo, ăn mát, bổ để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính, đó là bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá). Bún vẩy ốc và bún con ba thường chỉ được chế biến khi dân làng có hội hè, hoặc có người đặt riêng. Bún rối và bún lá thì là những sản phẩm luôn luôn được chế biến và tiêu thụ hàng ngày. Bún là món ăn dân dã thích hợp với khẩu vị của nhiều người. Từ sản phẩm bún, mọi người có thể chế biến ra nhiều món ẩm thực vô cùng hấp dẫn, như: bún riêu cua, bún ốc, bún cá, bún ngan, bún vịt, bún măng, bún chân giò, bún thịt chó, bún chả, bún chấm nước mắm cà cuống, bún chấm mắm tôm, bún đậu, bún nem, nộm bún…

Nghề làm bún ở Đa Mai xuất hiện tương đối sớm (khoảng 400 năm), là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa của miền Bắc. Làm bún là một nghề lắm công phu và cũng vô cùng nặng nhọc. Để làm ra một sản phẩm bún đã khó, nhưng để có một sản phẩm bún đạt tiêu chuẩn và có chỗ đứng trong thị trường như bún Đa Mai thì người làm bún phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, sự kiên trì và đôi bàn tay vô cùng khéo léo.

Để gìn giữ, phát huy tôn vinh nghề quí báu này, đã từ lâu, cứ vào ngày 9 tháng 9 âm lịch, dân làng lại tổ chức hội thi bún tại đình làng. Bún được giải là bún dẻo, trắng, bóng mượt, không có vị chua. Giải thưởng thì không trọng về vật chất, mà chỉ lấy tiếng. Thi để động viên khuyến khích những gia đình làm bún giỏi, đồng thời cũng nhắc nhở những gia đình nào làm chưa tốt thì phải phấn đấu làm tốt hơn, để giữ tiếng “bún Đa Mai”.

Bún Đa Mai
Bún Đa Mai
Bún Đa Mai
Bún Đa Mai

Rượu làng Vân

Người làng Vân nói riêng và người Bắc Giang nói chung tự hào với nghề nấu rượu làng Vân bởi qua mấy trăm năm, dưới các triều đại phong kiến, thứ rượu này từng là lễ vật tiến vua và thường xuyên sử dụng thưởng ẩm trong những yến tiệc chốn cung đình: “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam”. Rượu làng Vân nổi tiếng thơm ngon nhiều người biết. Đối với những người sành rượu và ưa thích những loại rượu dân tộc thì rượu làng Vân là thức uống đặc sản vùng miền có thể sánh ngang với bất cứ một loại whisky hảo hạng nào trên thế giới bởi vị đậm đà đặc trưng của hương nếp cái hoa vàng, hương thơm nồng của tới 35 vị men thuốc bắc bí truyền, cái êm dịu của thứ rượu được chắt lọc và ủ kỹ để lọai bỏ hết cái sốc của mùi cồn và hàm lượng aldehyde.

Giữa một thế giới rượu tây ta đủ loại ngày nay, về đất Kinh Bắc, thưởng thức đặc sản rượu làng Vân cùng những người bạn nơi đây bạn sẽ thật sự cảm thấy mình “say”. Say không chỉ bởi những ly rượu mềm môi thơm nồng, say không phải vì những chiếc bình gốm đựng rượu quý không bao giờ cạn, mà “say” cái tình, cái nghĩa từ những cái bắt tay thật chặt, “say” những liền anh, liền chị đất Bắc Giang giàu lòng hiếu khách nức tiếng từ ngàn xưa qua những làn điệu quan họ say đắm gọi mời. Có về đất Bắc Giang thưởng thức rượu làng Vân mới hiểu hết ý nghĩa của hảo từ “Mỹ tửu”, mới hiểu hết ý nghĩa của việc thưởng thức rượu bởi rượu không chỉ cần phải thơm, ngon mà cách ứng xử trong văn hóa uống rượu cũng cần phải đẹp, chẳng thế mà mấy trăm năm về trước các bậc vua chúa lại chọn rượu làng Vân làm thứ để thưởng ẩm trong chốn cung đình quyền quý, cao sang.

Rượu làng Vân
Rượu làng Vân
Rượu làng Vân
Rượu làng Vân

Vải thiều Lục Ngạn

Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày khi ăn có vị ngọt đậm khiến người ăn chỉ muốn thưởng thức thêm. Nằm cách thành phố Bắc Giang 40 km về phía Đông Lục Ngạn là một huyện miền núi được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, đập Làng Thum… Khí hậu của Lục Ngạn khá ôn hoà với nền nhiệt độ trung bình thấp. Đặc biệt Lục Ngạn còn được biết đến là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng nhất là quả vải Thiều.

Nếu đến Lục Ngạn vào khoảng tháng 3 bạn sẽ được thưởng thức cảnh trí nên thơ của Lục Ngạn khi hoa vải nở trắng bên những vòm đồi lúp xúp và xa xa thấp thoáng những mái nhà của người dân địa phương. Nhưng vào khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 Lục Ngạn trở nên đông đúc, nhộn nhịp lạ thường bởi vải thiều đã vào mùa thu hoạch. Vào khoảng thời gian này đứng ở bất kỳ đâu trên đất Lục Ngạn phóng tầm mắt ra xa bạn cũng bắt gặp hình ảnh những chùm vải chín mọng đỏ lúc lỉu trên cây.

Vải thiều được trồng ở Lục Ngạn khoảng vào những năm 90 của thế kỷ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương. Với sự cần mẫn hay lam hay làm người dân Lục Ngạn đã biến những vùng đồi khô cằn trước đây thành những đồi vải bạt ngàn mang lại sự no ấm cho những người trồng vải. Vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng nhất cả nước, được xuất khẩu rộng rãi sang thị trường nước ngoài. Nếu có dịp mời bạn về huyện Lục Ngạn – Bắc Giang tự mình hái quả trên cây, ăn và cảm nhận hương đậm đà rất riêng của trái vải nơi đây nhé!

Vải thiều Lục Ngạn
Vải thiều Lục Ngạn
Những chùm vải thiều Lục Ngạn sai trĩu cành
Những chùm vải thiều Lục Ngạn sai trĩu cành

Xôi trứng kiến

Không phải là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất nhưng mảnh đất Bắc Giang sẽ khiến bản ngạc nhiên với một số đặc sản ẩm thực vô cùng độc đáo, ngon và hiếm trong đó có món “Xôi trứng kiến“. Xưa nay, người dân miền núi và trung du tỉnh Bắc Giang vẫn dùng trứng kiến để ăn và được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có thể chữa bệnh. Tuy trong rừng có nhiều loài kiến, nhưng chỉ có một loài mà con người ăn được trứng của nó.

Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Hành củ phi thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này.

Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi. Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị. Cách làm món xôi này đơn giản. Lấy gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4 – 5 tiếng, sau vớt ra để cho gạo ráo nước, rồi cho vào chõ đồ. Khi thấy có mùi thơm của xôi, nếm vào miệng thấy dẻo, hạt gạo mềm, mọng là xôi được. Món này nhiều địa phương của Bắc Giang đều có nhưng để nếm đúng vị mời bạn về vùng đất núi rừng Lục Ngạn – Bắc Giang nhé!

Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến

Mì Chũ

Đi dọc quốc lộ 31, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía đông, bạn sẽ đến thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn và được người dân nơi đây giới thiệu đến làng nghề mì gạo Nam Dương, còn gọi là mì Chũ ngon nức tiếng gần xa. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này là màu trắng của những giàn bánh tráng phơi dựa vào các tường xây bao quanh nhà ở, vườn cây của các gia đình.

Để tạo ra những sợi mì vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu. Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Loại gạo được dùng là gạo bao thai Hồng. Giống lúa tạo ra loại gạo này được trồng trên vùng đất đồi Chũ. Đặc trưng của loại gạo này là tạo ra được những sợi mì có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm đặc trưng. Những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, đem ngâm 6 – 8 tiếng, sau đó xay ra thành bột cho thật dẻo và sánh, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm.

Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng. Người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt trông đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải là người làm mì nào cũng thực hiện được. Thường phụ nữ đảm nhận khâu này để sao cho bó mì chắc, đẹp và đều nhất. Tổng cộng từ các nguyên liệu, người thợ phải thực hiện rất nhiều quy trình trong hơn 36 giờ mới cho ra đời những sợi mì đặc sản dẻo, dai và mỏng manh.

Sản phẩm mì chũ Lục Ngạn
Sản phẩm mì chũ Lục Ngạn
Phơi mì chũ
Phơi mì chũ

Chè kho

Chè kho còn gọi là chè đỗ đãi, được coi là một trong những món ăn truyền thống vào ngày tuần rằm hay dịp lễ tết. Nguyên liệu chính là đỗ xanh, đường kính trắng thêm chút vừng rang, hương va ni, tất cả hoà quện vào nhau tạo nên một món ăn mà từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân làng Mỹ Độ – Bắc Giang. Để có món chè, việc đầu tiên của các bà nội trợ là lựa chọn nguyên liệu gồm: Đỗ xanh loại đẹp, đường kính trắng loại ngon cùng nguyên liệu phụ là mỡ nước rán từ mỡ khổ, hương va ni và vừng (dùng để rắc lên mặt đĩa chè).

Dưới bàn tay khéo léo của các bà nội trợ nơi đây, món chè kho phải trải qua nhiều công đoạn công phu, tỷ mẩn như lựa chọn đỗ, xay vỡ đỗ, ngâm bằng nước ấm hàng giờ đồng hồ rồi đãi sạch vỏ, cho đỗ vào nồi xâm xấp nước cho ngọn lửa vừa phải cho đến khi sôi thì vớt hết lớp bọt phía trên đi, tiếp tục đun tới khi đỗ bắt đầu nhuyễn thì cho đường vào… Kỹ thuật nấu cũng hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành công của món chè và đây cũng chính là bí quyết của người làng Mỹ Độ, nó làm cho món chè đỗ đãi Mỹ Độ có hương vị đặc biệt thơm ngon khác hẳn so với món chè tương tự làm ở những nơi khác.

Chè kho đạt yêu cầu phải ráo, có độ dai, mềm nhất định. Yêu cầu của một món chè đỗ đãi thành công là phải có vị ngọt thanh, tan nhanh nơi đầu lưỡi. Việc chế biến đã là một công phu nhưng việc thưởng thức cũng không kém phần cầu kỳ. Sẽ đặc biệt thú vị nếu như ta ăn chè đỗ đãi với xôi vò – loại xôi có thêm đỗ xanh nấu chín, giã nhỏ, nắm thành từng nắm rồi dùng dao thái tơi. Hai thứ đó được ăn lẫn cùng với nhau vừa ngon mát, lại vừa mang tính chất tráng miệng. Chính bởi điều này nên trên bất cứ mâm cỗ cưới hoặc ngày Tết nào của người dân nơi đây cũng đều có 2 đĩa là chè đỗ đãi và xôi vò.

Chè kho
Chè kho
Chè kho
Chè kho

Nham cá

Với những người dân xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nham cá đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình đoàn tụ. Món này cũng đã được đưa vào thực đơn khai vị trong các nhà hàng tỉnh Bắc Giang. Cách làm nham cũng giống như món gỏi của người miền Nam. Nguyên liệu bao gồm trám đen, thịt ba chỉ, cá chép, rau thơm, khế chua, lạc rang, rau húng… Ngoài ra còn có hành tiêu, chanh, ớt và một số gia vị khác. Món nham ngon, đặc biệt nhờ hương vị trám thơm, bùi, ngậy.

Khi chế biến nham, người đầu bếp sẽ tách vỏ trám, lấy cùi rồi thái nhỏ. Loại thịt lợn ăn cũng phải chọn thịt ba chỉ tươi, vừa có nạc, vừa có mỡ. Có như vậy món ăn mới không bị khô hay quá nhiều mỡ. Thịt đem bóp muối, rửa sạch rồi để ráo, cho thêm nước mắm, bột ngọt và chờ thấm gia vị trong khoảng 1 giờ. Tiếp đó, mang thịt đi hấp chín, để nguội rồi thái chỉ. Nhiều người còn biến tấu bằng cách đem đi áp chảo cũng khá hấp dẫn, thịt lúc này chín vàng, bắt mắt.

Riêng phần cá chép sẽ được đem đi rán giòn, nhẹ nhàng gỡ bỏ xương. Tất cả các nguyên liệu sau đó được trộn cùng với rau thơm, khế chua xắt mỏng, nêm chút mắm, muối, bột ngọt, đường cho vừa miệng. Để món nham thêm dậy vị, người ta còn phi hành vàng để trộn chung với các nguyên liệu có sẵn. Sau khi hoàn tất mọi công đoạn, người đầu bếp sẽ trút nham ra đĩa, rắc thêm lạc rang giã nhỏ lên trên. Khi ăn, bạn có thể dùng kèm với chén nước tương, cảm nhận được vị mặn, chua, ngọt đậm đà không lẫn với những món khác.

Nham cá
Nham cá
Nham cá
Nham cá

Bánh hút Lục Ngạn

Bánh hút được làm từ bột gạo nếp, mật mía và rau cải cay (cải xanh). Quy trình làm bánh cũng rất đơn giản và dễ làm. Rau cải cay rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước, nhào bột gạo nếp với nước lá cải cay sau đó nặn bánh (nặn tròn như bánh trôi), thả bánh vào chảo dầu ăn chiên tới khi vàng đều vớt bánh ra, nhanh tay thả vào nồi mật mía (nồi mật đun nhỏ lửa). Viên bột sẽ tự hút mật căng tròn bên trong. Vớt bánh ra và lăn qua một lớp bột gạo nếp.

Bánh hút có vị ngọt thơm của mật mía hòa quyện với gạo nếp rất thơm ngon. Người dân nơi đây chỉ làm món bánh này vào ngày Tết để tiếp khách và làm quà biếu người thân, với ý nghĩa luôn bao bọc che chở nhau như vỏ bánh, tuy mỏng nhưng không bao giờ để chảy mật ra ngoài. Người dân tộc thiểu số miền núi của huyện Lục Ngạn – Bắc Giang thường làm những món bánh rất đặc biệt để tiếp khách. Nếu lên vùng cao Lục Ngạn đầu xuân này, bạn chớ để lỡ dịp thưởng thức món bánh hút độc đáo.

Bánh hút
Bánh hút
Bột làm bánh hút
Bột làm bánh hút

Bánh đa kế

Nói đến bánh đa, bánh tráng không chỉ có riêng ở vùng quê xứ Kinh Bắc (Bắc Giang) mà còn có ở nhiều địa danh khác trên mọi miền tổ quốc. Nhưng món bánh đa Kế (Bắc Giang) lại có một hương vị riêng mà không thể lẫn vào món bánh đa của nơi nào khác. Bánh đa Kế không giống bất cứ những chiếc bánh của một nơi nào, bởi kích thước to lớn và mầu sắc đặc trưng làm lên sự khác biệt độc đáo này. Nhìn xa những chiếc bánh đa như chiếc nón thúng quai thao của người quan họ, duyên dáng, dịu dàng, đằm thắm tình quê. Ở Bắc Giang cũng có nhiều nơi làm bánh, như bánh đa dừa Thổ Hà Việt yên, bánh Đa Mai, nhưng bánh đa nguyên gốc truyền thống phải nói đến bánh đa của làng Kế – Bắc Giang.

Bánh đa Kế là một món ăn bình dân giản dị, nhưng chứa đựng trong đó biết bao nhiêu mồ hôi công sức của người nông dân vùng Kinh Bắc xưa kia. Để trở thành một món ăn truyền thống đặc sản của người dân Bắc Giang như ngày nay, chiếc bánh đa cũng đã trải qua nhiều thăng trầm biến cố của lịch sử. Nhiều món ăn xưa kia cũng đã từng nổi tiếng nhưng rồi cũng mai một theo năm tháng thời gian, bởi nhiều lý do khác nhau như thiên tai địch họa, giặc ngoại xâm, dịch bệnh dẫn đến người dân phải tha phương cầu thực đi lưu tán khắp nơi, hoặc do nghề không được lưu truyền theo các hế hệ… Nhưng với món ăn mang hương vị đậm đà chất quê của người dân Dĩnh Kế – Bắc Giang này thì vẫn luôn được gìn giữ lưu truyền và phát huy qua các thế hệ.

Bánh đa Kế là món bánh đặc biệt thơm ngon bởi vị bùi, thơm dòn của lạc, vừng, khoai lang hòa quện với thứ gạo ngon của vùng trung du miền núi cùng với bàn tay khéo léo của con người nơi đây đã trở thành thương hiệu của người dân Bắc Giang. Thoạt nhìn, món bánh tưởng chừng rất đơn giản, nhưng để làm nên thành phẩm đó thì lại hết sức công phu, tỉ mỉ khéo léo của người làm bánh.

Bánh đa kế
Bánh đa kế
Phơi bánh đa kế
Phơi bánh đa kế

Leave a comment