Top 15 Đặc sản nổi tiếng nhất Quảng Nam bạn không nên bỏ lỡ

0

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mỗi miền, mỗi vùng đất lại lưu giữ cho mình những bản sắc văn hóa, ẩm thực riêng. Về với Quảng Nam – đất mẹ ân tình, du khách sẽ không quên những hương vị quê đậm đà qua các món ăn nơi đây. Quảng Nam là khúc ruột miền Trung, nơi đây không chỉ nổi tiếng với các địa danh Tam Kỳ hay Hội An mà còn thu hút bởi các đặc sản cực kỳ phong phú. Sau đây, Review.tip.edu.vn sẽ giới thiệu tới các bạn những đặc sản nổi tiếng nhất vùng đất Quảng Nam nhé!

Mỳ Quảng

Đến Quảng Nam bạn dễ dàng bắt gặp những quán Mỳ Quảng dọc quốc lộ 1A. Cũng như phở, bún… thì mỳ quảng cũng được làm từ bột gạo. Mỳ Quảng được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mỳ mỏng khoảng 2mm. Sợi mỳ làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai.

Kế đến, đem chần mì qua nước sôi, trong lúc chần, người thợ có quyết thêm dầu lạc để sợi mỳ không dính, đó là nguồn gốc cho vị béo đặc trưng của sợi mỳ Quảng. Dưới lớp mỳ là các loại rau sống, mỳ Quảng phải ăn kèm với rau sống 9 vị thì mới tạo nên được hương vị nồng nàn: Húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, ngò rí, rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối cắt mỏng.

Trên mỳ là thịt heo, tôm, thịt gà, thịt ếch, thịt cá lóc cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm lạc rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ… Thông thường nước dùng được gọi là nước nhưng đây cũng là một loại nước lèo nhưng rất cô đặc và ít nước. Ăn mỳ Quảng phải ăn với loại ớt xanh to thì mới ngon đúng vị. Ngoài ra mỳ còn được dùng kèm với bánh tráng mè, thêm cả đậu phụng rang giòn thơm tạo nên hương vị đặc trưng.

Mỳ quảng
Mỳ quảng

Bê thui Cầu Mống

Thương hiệu “bê thui Cầu Mống” được xây dựng từ rất lâu, tồn tại và phát triển mạnh cho đến bây giờ bởi hương vị không thể lẫn đâu được, mang đậm bản sắc miền Trung. Một con bê được chọn để quay phải là con bê ít tuổi, nặng chừng 25kg – 35kg, đặc biệt phải chọn bê nuôi ở đồng bằng ăn cỏ. Khi thui bê bằng lửa than thì phải thui sao cho vừa lửa để thịt bên trong chín mềm và ngọt, da bên ngoài vàng ửng thì thịt ăn sẽ giòn và ngon.

Bê thui được xắt thành từng lát mỏng, xếp đều đặn trên một đĩa tròn lớn. Bê thui ăn kèm với bánh tráng cuốn mềm như bánh tráng cuốn thịt heo, ngoài ra còn ăn kèm với bánh tráng (bánh đa). Thành phần quan trọng quyết định đến sự thành công của món bê thui Cầu Mống là nước chấm và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng. Rau sống để cuốn bánh tráng cùng lát bê thui cũng khá cầu kỳ, đủ loại của vùng quê bên sông nước.

Đặc sản Bê thui Cầu Mống
Đặc sản Bê thui Cầu Mống

Gà đèo Le

Khi nhắc tới gà đèo Le thì phải nghĩ ngay đến huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam. Khi đến đây du khách sẽ được thưởng thức món gà được chế biến nhiều cách khác nhau như nướng, hấp hành, rô ti, luộc… nhưng hấp dẫn và dậy mùi nhất vẫn là món gà nướng, bởi nguyên liệu dùng để ướp và nướng gà chủ yếu là hành tím, lá chanh và rau răm, gà được nướng nguyên con và rất thơm khiến ai cũng phải tò mò muốn thưởng thức ngay. Các bạn cần chú ý, món gà nướng này phải ăn bốc bằng tay thì mới cảm nhận hết được hương vị và sự thú vị của nó.

Gà tre đèo Le là giống gà ta nuôi thả bộ tự nhiên. Từ nhỏ đến lớn, gà chỉ ăn các loại côn trùng đào bới được trong vườn, trong rừng hoặc chỉ ăn các loại nông sản lúa, bắp nên tuy còn non tuổi nhưng vẫn chắc thịt và thơm ngon. Gà đèo Le luộc nổi tiếng không chỉ nhờ thịt gà ngon mà một phần nhờ chế biến bằng nguồn nước của suối nước Mát nên có vị ngon ngọt hơn hẳn ở những nơi khác. Với đĩa gà luộc xé nhỏ bóp muối chanh, thêm chút tiêu rừng tạo hương vị đậm đà đến khó quên khi được thưởng thức.

Gà Đèo Le
Gà Đèo Le

Bánh xèo

Bánh xèo cũng được coi là một đặc sản của người dân xứ Quảng. Bánh xèo cũng được làm từ bột gạo, nhưng có độ mềm nhất định chứ không giòn như bánh xèo miền Nam, nhân bánh cũng đơn giản hơn, nhưng thứ làm nên hương vị đặc trưng cho bánh xèo xứ Quảng là rau sống và nước chấm. Tên của loại bánh xèo này xuất phát từ quá trình đúc bánh. Khi bột gạo được đổ vào chảo nóng phát ra những tiếng “xèo, xèo” nghe rất vui tai nên dần dà dân gian đặt tên cho nó là bánh xèo.

Là một món ăn dân dã, nhưng bánh xèo đòi hỏi không ít sự cầu kỳ và khéo léo. Để có được một chiếc bánh ngon, thơm giòn, người làm bánh phải chuẩn bị từ nhiều khâu, như ngâm gạo, xoay bột (ngày nay được máy bằng máy), rồi ném bột bánh, pha chế nước chấm (nước mắm hoặc nước tương), chuẩn bị các loại rau sống như giá, ngò, xà lách, chuối chát, khế, dưa leo… cùng ăn kèm.

Bánh xèo
Bánh xèo

Cao lầu

Cao lầu là món ăn đem lại hương vị đặc sắc cho du khách khi đến Hội An. Sợi cao lầu được chế biến vô cùng công phu. Không giống như sợi phở, muốn làm cao lầu đầu bếp phải chọn loại gạo nguyên chất của Quảng Nam. Đặc biệt, người dân địa phương không chọn loại gạo đã để lâu nhưng cũng không lựa loại gạo mới. Khi đảm bảo được tiêu chuẩn đó, sợi cao lầu mới mềm và dai, lại thơm mùi gạo đặc trưng của miền Trung. Gạo phải được ngâm trong nước tro lấy từ Cù Lao Chàm. Sau khi ngâm, gạo sẽ có màu vàng nhạt như pha nghệ.

Trong các công đoạn làm sợi cao lầu thì cách nhồi cho bột dẻo mà lại khô là bí quyết quan trọng nhất, quyết định chất lượng của sản phẩm. Khác với các loại mì, phở, bánh đa, người dân không làm cao lầu bằng cách tráng bột mà sau khi nhồi, bột cao lầu sẽ được cán mỏng rồi đem hấp cách thủy. Khi đã chín, bột mới được đem xắt thành từng sợi to.

Thưởng thức cao lầu mà không có rau ghém thực sự là một thiếu sót lớn. Kể tên đầy đủ rau ghém có thể dùng trong món cao lầu có tới 12 loại rau như: Rau thơm, rau Quế, cải cúc, rau Đắng, ngò, giá, xà lách, diếp cá, cải non, bắp chuối, dưa leo, khế chua. Tuy nhiên, có 3 loại rau cơ bản không thể thiếu đó là cải cúc, rau Đắng và rau Quế.

Cao Lầu Hội An
Cao Lầu Hội An

Bánh tráng đập Hội An

Ai đã từng ghé làng Cẩm Nam ăn bánh tráng đập ở những quán tranh ven sông Hoài (Hội An) đều giữ nguyên cảm giác “nhắc tới thấy thèm” để rồi “mỗi khi có dịp ghé lại Hội An, cứ phải qua cầu về Cẩm Nam ăn đĩa bánh tráng đập mới thấy trọn vẹn”.


Bánh tráng đập là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích. Nguyên liệu cũng dân dã như tên nó vậy, là sự kết hợp giữa bánh tráng mỏng được nướng giòn, sau đó trải mỳ lá cũng được tráng mỏng lên bánh tráng, trước khi ăn ta lại phải dùng tay đập nhẹ để hai thứ này dính vào nhau và nước chấm là nước mắm riêng tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn.

Hai lớp bánh tráng nướng mỏng, giòn tan kẹp lấy một lớp bánh ướt cùng hình tròn chu vi chừng 10cm. Khoan vội dùng bánh ngay, mà phải dùng lực nắm tay đập bánh cho lớp bánh tráng nướng vụn ra, dính quện vào lớp bánh ướt. Vì chi tiết này mà bánh tráng làng Cẩm Nam (Hội An) có tên là bánh tráng đập.

Bánh tráng đập Hội An
Bánh tráng đập Hội An

Bánh tráng cuốn thịt heo

Ngoài mì Quảng, cao lầu thì khi đến Quảng Nam du khách không được bỏ lỡ món bánh tráng cuốn thịt heo cầu kỳ độc đáo có nguồn gốc ở chính nơi đây. Bánh tráng muốn dẻo, dai, thơm ngon thì phải chọn bánh tráng Đại Lộc chính hiệu.


Bánh tráng gồm 2 loại là bánh tráng khô và bánh tráng ướt. Bánh tráng khô hay còn gọi là bánh tráng lề có độ dai vừa phải dùng để cuộn, không mỏng như bánh đa nem của người Bắc cũng không quá dày như một số địa phương khác. Bánh tráng ướt là bánh tráng xong sử dụng luôn trong ngày, không phơi khô. Thịt heo ở đây là thịt ba chỉ hoặc thịt có mỡ hai đầu. Tiếp theo không thể không nhắc đến rau sống để cuộn cùng. Nếu rau sống được ăn là của làng rau Trà Quế ở Hội An thì có lẽ thật tuyệt vời.

Rau sống được chọn là cải xanh, xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, dưa leo, chuối chát… thuộc loại tươi non và không thể thiếu bắp chuối lát mỏng, rau muống chẻ. Và cuối cùng là thứ không thể thiếu góp phần dậy nên hương vị khi ăn đó là bát nước chấm đậm chất xứ Quảng. Đặc biệt là nên thêm ớt xanh vào bát nước chấm bạn nhé.

Bánh tráng cuốn thịt heo
Bánh tráng cuốn thịt heo

Bánh tổ

Truyền thuyết kể lại rằng bánh này vốn do mẹ Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi, xuống biển làm lương khô ăn dọc đường đi. Cũng có chuyện kể lại rằng, bánh tổ xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, thời Quang Trung. Khi nhà vua chuẩn bị tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, một trong những nỗi lo của ngài là vấn đề bảo đảm lương thực trong suốt chặng đường dài hàng trăm cây số đầy chông gai, hiểm trở.

Người dân Quảng Nam, với sự thông minh và lòng yêu nước, quyết ủng hộ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đã tìm tòi và khám phá ra công thức chế biến loại bánh này. Bởi vậy, ngày nay bánh tổ xuất hiện trong những ngày Tết cổ truyền nhằm ghi nhớ công lao của vua Quang Trung vào mùa xuân năm ấy.

Bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường. Tuy nhiên không phải ai cũng làm ra được chiếc bánh vừa dai vừa dẻo lại có độ ngọt rất thanh chứ không phải ngọt lịm. Nguyên liệu ban đầu phải là loại hảo hạng nhất. Nếp dẻo và thơm, được vo sạch, phơi khô ráo rồi xay hoặc giã mịn như bột.

Bột sau khi đánh nhuyễn sẽ được đổ vào đài được làm bằng lá chuối. Đài tiếp tục được đặt vào chiếc rọ làm bằng nan tre vót mỏng. Để bột dẻo không tràn ra ngoài thì đài được ghim kỹ mép lá, và thường để vành lá cao hơn thành rọ tre. Tiếp đặt bánh vào lò hấp cách thủy. Người làm có thể thử bánh chín hoàn toàn hay chưa bằng cách dùng đũa đâm vào bánh, nếu thấy bột không trào ra là được. Bánh chín thì nhanh tay vớt ra, rắt lên bề mặt ít mè.

Bánh tổ
Bánh tổ

Nem nướng

Có một món ăn được biết đến như đặc sản của người Quảng Nam mà bất cứ ai có dịp thử qua một lần thì đều nhớ mãi đó là nem nướng. Có lẽ bạn không biết nhưng nem nướng là một món ăn vặt khá được ưa chuộng ở nhiều nơi, nhưng ở mỗi nơi thì cách chế biến lại khác nhau. Nguyên liệu làm món ăn này chỉ đơn giản là thịt heo quê tươi ngon, đa phần là nạc chỉ cho bám thêm một chút mỡ.

Từ lâu, món nem nướng của người Quảng Nam luôn níu chân thực khách phương xa bởi vị thơm ngon và đượm tình mến khách. Khách đến thăm nhà và chúc tết năm mới, gia chủ thường dọn món nem nướng, bên ly rượu nồng họ cùng nhau tâm tình và thưởng thức vị thơm ngon của món nem truyền thống này.

Nem nướng
Nem nướng

Bánh canh Hội An

Thực ra, trong mọi sách du lịch, cẩm nang ẩm thực Hội An, bánh canh không phải là món được nhắc đi, nhắc lại đến mức người ta thấy cần phải đến ăn. Nhưng với những người trót biết đến và nếm thử một lần thì việc tấm tắc, trầm trồ về độ thơm, ngon là điều tất nhiên.

Vào quán, bạn hãy mạnh dạn gọi tô đầy đủ với một cục xương chân giò béo ngậy, nạc, mềm, một viên chả cá vàng óng như nghệ, chả, giò thái chỉ thả cùng những bánh canh dai, mềm. Vẫn là những sợi bánh canh bột lọc trắng trong, giò heo ninh và chả cá đơn giản như nhiều hàng bánh canh khác thôi, nhưng tô bánh canh ở xứ Quảng lại khiến thực khách đặc biệt thích thú. Thứ nước xương, nước béo ngọt lịm từ xương, béo mà không ngấy, hơi cay nhẹ vô cùng “bắt miệng”, ăn cùng bánh canh rất thấm vị.

Như hầu hết những loại quà bánh ở Hội An, giá bánh canh quán này khá mềm chỉ 20 ngàn đồng/bát đầy đủ. Nếu không muốn ăn cùng bánh canh, bạn có thể gọi một tô với chả giò, chả cá rồi ăn với quẩy hoặc bánh mì nướng giòn. Vị thơm bùi của quẩy, bánh mì ăn kèm với thứ nước dùng ngọt lịm cũng vô cùng ăn ý, ngon lành đấy.

Bánh canh Hội An
Bánh canh Hội An

Ram tôm

Ram tôm là món ăn hấp dẫn thực khách. Món ram tôm gần giống như món nem của người miền Bắc, tuy nhiên lại mang những hương vị, cách chế biến riêng, mộc mạc, đơn giản nhưng không kém phần thú vị. Nguyên liệu để chế biến món ram tôm Quảng Nam rất đơn giản, gồm thịt ba chỉ, tôm đồng, bánh đa nem cỡ vừa, một quả trứng gà, và các gia vị như muối, mì chính, hành tía băm, tỏi, hạt tiêu và hành lá. Khác với món nem của xứ Bắc, các nguyên liệu cần băm nhỏ hoặc xay nhuyễn, ram tôm Quảng Nam có hương vị đặc biệt nhờ các nguyên liệu đều được để nguyên.

Cũng giống như chiên nem, để chiếc ram được giòn, chỉ nên chiên nhỏ lửa, khi chiếc ram vàng đều là đã chín. Ram tôm ngon nhất khi ăn nóng, bởi độ ngậy và thơm, béo của thịt, cùng với vị giòn của con tôm còn nguyên vỏ, hành lá kết hợp với nước chấm chua ngọt, thêm một chút ớt cay, hương vị sẽ không thể nào quên. Ram tôm cũng nên thưởng thức kết hợp với rau sống thái nhỏ, dù ăn với bún, hay cơm, đều thích hợp. Giữa rất nhiều món đặc sản của xứ Quảng, ram tôm là món ăn dễ hợp khẩu vị của mọi thực khách ở các miền khác nhau.

Ram tôm
Ram tôm

Xương rồng Quảng Nam

Xương rồng sống ở những vùng đất khô cằn, được tôn vinh là siêu thực phẩm mới, là đặc sản của người dân Quảng Nam. Ở nơi đây có khí hậu khô hạn nên có rất nhiều xương rồng. Tại đây món xương rồng là món ăn khá phổ biến. Món ngày nguyên liệu dễ tìm, hương vị hấp dẫn và cách chế biến không quá cầu kỳ.

Trước khi chế biến, xương rồng cần phải sơ chế bằng cách gọt bỏ phần gai bên ngoài cùng lớp màng xanh, sau đó thái mỏng rồi đem luộc sơ cho bớt nhớt, tới khi những miếng xương rồng chuyển sang màu vàng là được. Những miếng xương rồng này sau đó đem vắt ráo nước là có thể chế biến thành những món ăn ngon tùy thích. Xương rồng có thể chế biến được nhiều món khác nhau. Phổ biến nhất khi đến xứ Quảng, du khách sẽ được thưởng thức món xương rồng xào. Sau khi ráo nước, xương rồng được đem đi xào với mỡ, thêm chút nước mắm là có ngay món đãi khách.

Vào những ngày hè nóng bức thì món canh xương rồng chính là món giải nhiệt tốt nhất. Ngoài ra người xứ Quảng còn sáng tạo ra món gỏi xương rồng. Chỉ cần với vài miếng xương rồng đã luộc qua và đậu phộng giã nhỏ trộn lên là có thể có món gỏi thơm mát.

Xương rồng Quảng Nam
Xương rồng Quảng Nam

Trái Bòong Boong

Bòong boong là một trong những đặc sản trái cây nổi tiếng của Quảng Nam. Trái này có nhiều ở vùng Đại Lộc, mùa thu hoạch vào các tháng 5, 6, 7 âm lịch. Nếu bạn muốn thưởng thức trái này thì hãy đến đây du lịch vào dịp cuối hè sang thu. Trái có vị chua, thơm, ngọt lạ lùng. Nhiều người khẳng định rằng chỉ ở Quảng Nam mới có trái bòong boong thơm ngon nổi tiếng.

Cây boòng boong là loại cây cùng họ với cây dâu đất, trái kết thành chùm ở thân cây và ở cành, có chùm đơn, chùm kép, có chùm dài đến hai tấc rưỡi, trái kết có dáng đẹp như chùm nho. Trái ngon ngọt là loại trái không lớn, trung bình độ bằng đầu ngón tay cái, hơi bầu dục, vỏ màu vàng trắng, nuốm cuộn hơi căng phồng. Những trái to gần bằng ngón chân cái trông thì đẹp nhưng ít có trái ngon, những trái tròn, vỏ vàng đậm thường là không ngon, hơi chua.

Những trái nhìn bên ngoài khá đẹp nhưng bóc vỏ ra nhìn thấy múi có nhiều hạt to và xanh là loại trái chua, những trái vỏ có chỗ còn phơn phớt xanh là trái chưa chín ăn rất chua. Những trái nhỏ phần nhiều là không ngon nhưng cũng có trái ngọt, những trái này hột đều lép. Khi bóc lớp vỏ ngoài, bên trong lộ ra 5 múi dính chặt lấy nhau màu trắng trong, mọng nước thơm lừng. Khi ăn vào một múi, cảm thấy có một dòng nước ngọt lịm ngấm dần.

Trái Bòong Boong
Trái Bòong Boong

Bánh thuẫn

Bánh thuẫn là thứ bánh cổ truyền ngày Tết của người dân xứ Quảng. Đây là món bánh đặc sản với vị ngon vang dội bốn phương. Bánh thuẫn có mùi vị rất đặc trưng, ngọt dịu của đường và mùi thơm của trứng, ăn hoài không ngán. Cầm chiếc bánh vàng ươm trên tay giống như bông hoa mai bung nở rồi cắn một miếng từ từ thưởng thức sẽ mang đến cho bạn cảm giác thú vị.

Người dân Quảng Nam hay dùng bánh thuẫn là một vật phẩm để cúng tổ tiên, làm quà tặng cho nhau mỗi dịp Tết đến Xuân về. Du khách ghé nơi đây nhớ thưởng thức món bánh thơm ngon và mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Vị bánh xốp mềm, ngọt bùi, thơm ngon nức mũi, gợi lên hương vị quê nhà đầm ấm, xoa dịu trái tim thổn thức của bao người con đi xa có dịp về quê ăn Tết.

Bánh thuẫn
Bánh thuẫn

Leave a comment