Top 15 Phong tục đặc sắc của Tết Cổ Truyền Việt Nam
Contents
Với vai trò là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên Đán mang đậm bản sắc của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, nhưng người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục, tập quán tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền.
Trong dịp Tết Nguyên đán, có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Hãy cùng Review.tip.edu.vn điểm qua những phong tục đặc sắc trong dịp tết cổ truyền của Việt Nam nhé!
Tiễn ông Công, ông Táo về trời
Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của loài người.
Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.
Tục tảo mộ trước Tết
Hằng năm, cứ từ khoảng 20 tháng chạp đến chiều 30 Tết, mỗi gia đình Việt Nam lại thực hiện nghi thức tảo mộ. Trong quan niệm của người dân, khi năm mới đến, mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất. Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.
Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4 Tết, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương, và nếp sống của mỗi gia đình. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật. Họ trở về với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó. Phong tục tảo mộ trước tết đã có từ lâu trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Ăn tất niên cuối năm
Để kết thúc một năm, chuẩn bị đón chào những ngày năm mới, các gia đình Việt Nam thường tổ chức một bữa cơm cuối năm, đây là một phong tục không thể thiếu trong Tết Cổ Truyền Việt Nam, thường diễn ra vào ngày 30 tháng chạp (29 tháng chạp nếu là tháng thiếu). Không chỉ là ngày các thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên, tất niên ngày nay còn là nơi gặp mặt bạn bè cùng nhau đón giao thừa chào đón năm mới, nên ăn tất niên là một phong tục không thể thiếu của người dân Việt.
Buổi tiệc tất niên cuối năm là một thời điểm để các thành viên trong gia đình tổng kết một năm làm việc những thành quả đã đạt được, những hạn chế gì trong năm cũ để giúp kinh nghiệm và những mục tiêu cần đạt trong năm mới. Vì vậy trong các buổi tiệc tất niên cuối năm là một buổi tiệc diễn ra rất vui vẻ, náo nhiệt để chúc mừng cho sự thành công và tăng trưởng của gia đình trong năm vừa qua và cũng để chuẩn bị tinh thần chào đón một năm mới tốt đẹp hơn.
Tục xông đất đầu năm
Từ xưa, ông bà ta luôn tâm niệm rằng mọi sự việc diễn ra trong ngày mùng 1 Tết đều có thể sẽ ảnh hưởng đến cả năm mới. Nếu ngày đầu năm mới mọi chuyện suôn sẻ thì người ta tin rằng cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý và ngược lại! Do đó, tục xông đất, xuất hành, những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điều mà ai cũng phải cẩn trọng, chú ý. Theo quan niệm truyền thống, sau thời điểm giao thừa thì người nào bước vào nhà của gia chủ đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Thông thường gia chủ sẽ có ý định mời người nào đó xông đất cho nhà mình. Người được mời xông đất sẽ được gia chủ sẽ dựa vào sức khỏe, đức tài, sự thành đạt… để dự đoán vận hạn của gia đình mình trong năm.
Xông đất hay xông nhà đầu năm là phong tục lâu đời của người Việt, với quan niệm rằng trong ngày mùng Một Tết nếu được người có vận khí tốt đến nhà thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, suôn sẻ. Người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà sự may mắn và an lành cho một năm. Hầu hết ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, phong tục xông đất, xông nhà đều tương tự như nhau. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc mừng năm mới và ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu. Tục xông đất thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình.
Chúc Tết
Tết Nguyên đán là những ngày trang trọng, vui tươi nhất của dân tộc ta. Tết là dịp gia đình vui vầy sum họp, trao cho nhau nụ cười và những lời chúc tụng, mừng tuổi để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu của mọi người trong gia đình, với niềm mong ước một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc. Phong tục chúc Tết là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Phong tục chúc Tết của người Việt được gói gọn trong câu thành ngữ: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Đó là nếp sống đã trở thành phong tục ngày Tết, được bảo tồn và giữ gìn qua bao thế hệ, thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ, hai bên nội – ngoại và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Sáng ngày mồng Một – ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người đều tăng lên một tuổi. Bởi vậy, ngày mồng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà, cha mẹ. Con cháu trong nhà, lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khỏe và những điều tốt lành. Ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những đồng tiền mừng tuổi để trong giấy hồng (ngày nay gọi là phong bao “lì xì”) cầu chúc cho con trẻ một tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui. Ngày nay do thời gian eo hẹp hay khoảng cách xa xôi nên phong nay tục này ngày càng ít đi thay vào đó là những tấm thiệp chào xuân, những cuộc điện thoại chúc mừng năm mới.
Lì xì đầu năm
Phong tục lì xì ngày đầu năm mới là một nét đẹp văn hóa được người Việt lưu giữ và phát huy theo năm tháng. Những phong bao đỏ thắm mang theo lời chúc bình an và nhiều hạnh phúc. Cho dù không một ai biết chính xác tục lệ này có từ bao giờ nhưng qua năm tháng nó vẫn được gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt, với mong muốn gắn kết mọi người với nhau hơn, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Phong bao lì xì là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt một năm.
Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết Cổ Truyền của người Việt Nam. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng có một nét văn hóa đặc sắc không bao giờ biến mất là phong tục lì xì ngày Tết cổ truyền. Những phong bao lì xì đỏ thắm, xinh xắn chính là biểu tượng của lời chúc may mắn và hạnh phúc đầu năm.
Xin chữ đầu xuân
Không biết từ bao nhiêu nay, cứ mỗi năm vào mùa Tết là nhiều tục lệ cổ xưa được mọi người thực hiện. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Theo tục lệ người Việt Nam mỗi đợt Tết đến xuân về, không kể già trẻ, gái trai thường đi xin chữ cầu may cho một năm mới an lành hạnh phúc. Những người cho chữ là bậc nho sĩ, thầy đồ học rộng biết nhiều, hiền tài, đức độ. Xin chữ là phong tục tốt đẹp vẫn được giữ gìn tại đất nước ta, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người dân Việt. Vì vậy phong tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết Cổ Truyền của dân tộc. Ngày nay, việc xin chữ đầu năm ngày một phổ biến ở khắp nơi, một số địa điểm cho chữ như Văn Miếu Quốc Tử Giám…
Chơi hoa dịp tết
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hi vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Chính vì vậy, những phong tục tốt đẹp trong ngày Tết cần phải được gìn giữ và phát huy, một trong những phong tục đó là chơi hoa ngày Tết. Tết Nguyên Đán là ngày lễ trọng đại nhất của một năm, là dịp để nhắc nhở tất cả người dân Việt Nam ý thức về sự đổi mới của đất trời, về lẽ tuần hoàn của tạo vật để mà phấn khởi hân hoan chào đón một năm mới tươi đẹp. Do đó, ai ai cũng đều cố gắng tạo niềm vui cho mình và cho người, để cuộc đời được tốt đẹp, ý nghĩa hơn.
Tết Nguyên đán đã là cơ hội để gia đình được sum họp, con cháu tỏ lòng biết ơn bằng những hành động đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành, tưởng nhớ đến tổ tiên cội nguồn của mình… Tết Nguyên đán cũng là dịp để mọi người tạm dẹp bỏ mọi lo toan thường trực hàng ngày, thay vào đó là những thú vui tao nhã, thư thái cho tâm hồn. Chưng hoa, chơi hoa ngày Tết là một trong số những thú vui thanh tao, tuyệt đẹp đó. Tết Nguyên đán chính là khởi đầu của mùa xuân tràn trề nhựa sống. Mà những bông hoa xinh đẹp, đa dạng về màu sắc, chủng loại, là biểu tượng của cái đẹp, sự sống chính là biểu tượng của mùa xuân. Trong ngày Tết, người dân thường chưng rất nhiều loại hoa khác nhau, trong đó 2 loại hoa nổi bật đặc trưng của ngày Tết là hoa đào ở miền Bắc và hoa mai ở miền Nam.
Gói bánh chưng, bánh tét
Trong xã hội hiện đại, đã có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ cho tới bây giờ đó là tục gói và dâng cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Việc gói và thờ cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống. Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hóa của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian. Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giày,” tục gói bánh chưng bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6 và tồn tại đến tận ngày nay.
Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà. Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thị để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng. Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm…
Bày mâm ngũ quả
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, trong mỗi gia đình người Việt dường như không thể thiếu được mâm ngũ quả trên bàn thờ ông bà, Tổ tiên. Mâm ngũ quả là một mâm có năm loại trái cây khác nhau, thường được các gia đình Việt chuẩn bị để lên bàn thờ trong những ngày Tết nguyên đán. Thông qua tên gọi của năm loại trái cây, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn khác nhau cho năm mới. Tùy vào vùng miền và thời kỳ mà hiện nay, mâm ngũ quả mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh. Người phương Đông thường tin vào thuyết Ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây cũng là 5 yếu tố tạo nên vạn vật theo thuyết duy vật cổ đại, nên 5 loại quả tượng trưng cho sự đầy đủ và thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn.
Do điều kiện địa lý tự nhiên của người Việt có sự khác biệt và thay đổi theo vùng miền nên mâm ngũ quả cũng được trình bày với các loại quả và hình thức khác nhau. Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối đặt ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ những loại quả khác. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi tròn căng mọng hoặc quả phật thủ có màu vàng đẹp mắt. Những quả nhỏ hơn như cam, quất, hồng… sẽ xếp xen kẽ xung quanh. Sự sắp xếp hợp lý giữa màu sắc và kích thước của các loại quả sẽ mang lại sự hài hòa đẹp mắt và hợp phong thủy cho mâm ngũ quả. Nếu mâm ngũ quả hai miền Nam Bắc có sự khác biệt thì ở vị trí nằm giữa, mâm ngũ quả miền Trung lại có sự giao thoa của hai vùng miền này. Các loại quả thường được bày rất đa dạng phong phú, bao gồm chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu…
Lễ cúng Tổ tiên
Ngày Tết Nguyên đán là ngày gặp gỡ của các thế hệ từ vị tiên tổ tới các cháu con. Theo quan niệm của người phương Đông, các vị tiên tổ nối tới cháu con bằng tâm linh giao cảm giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình, sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình với vũ trụ thần linh, cho nên ban thờ ngày Tết thể hiện đầy đủ những yếu tố giao cảm đó. Trên ban thờ của người Việt ngoài lễ vật thường bầy hai ngọn đèn dầu, về sau được thay bằng hai cây nến, khi thắp sáng lên tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, gọi là “nhật nguyệt quang minh”, soi tỏ con đường để thế giới hữu hình biết lối đi về, chứng giám và phù hộ cho con cháu sức khoẻ dồi dào, làm ăn thịnh vượng.
Đặc biệt là mâm cơm cúng ngày Tết được tổ chức nấu nướng và bầy biện khá công phu. Tuỳ từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu chung đầy đủ 4 món cơ bản là: Bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ. Món bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài và con người mỗi năm một tuổi. Thịt lợn chế biến thuộc về âm, dưa hành thuộc về dương, âm dương hài hoà tượng trưng cho sự phát triển. Cơm tẻ là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ lẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.
Cúng giao thừa
Giao thừa là thời khắc mà trời đất giao hoà, âm dương hoà quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Đối với người Việt Nam phút giao thừa thật thiêng liêng và trang trọng. Lễ cúng Giao thừa được cử hành đúng vào lúc 23 giờ – 24 giờ mở đầu cho năm mới: ngày Mồng một Tết. Theo phong tục, tại thời điểm giao thừa, nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà. Lễ giao thừa hay còn gọi là Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại “tống cựu nghinh tân”, nên lễ được cử hành rất trịnh trọng trong mỗi gia đình người Việt. Người xưa tin rằng: mỗi năm có một vị hành khiển trông coi việc nhân gian, hết năm thì vị thần năm cũ lại bàn giao công việc cho vị thần năm mới, nên phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới. Có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển). Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại.
Lễ cúng giao thừa được cúng trước sân nhà, có một chiếc bàn hương được kê ra, thắp nhang tỏa khói nghi ngút. Hai bên có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Theo phong tục của người Việt ta từ xưa, mâm cỗ cúng giao thừa thường có một đĩa xôi gấc đỏ tươi với ý nghĩa cầu may mắn cho cả năm, một con gà trống luộc rất khéo, miệng ngậm bông hồng đỏ với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết. Kèm theo 02 thứ trên thì còn có bánh chưng hay bánh tét, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu, nước và nhất là không quên được rượu, vì “vô tửu bất thành lễ”. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương. Một số gia đình lại giản tiện hơn, hương thắp ngay trên mâm lễ, hoặc cắm vào các khe nải chuối. Ý nghĩa của lễ này còn bao gồm việc đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Sau khi các nghi lễ cúng giao thừa đã hoàn tất, có thể coi như mọi việc đã xong, và mọi người trong gia đình cùng nhau xum vầy đón mừng năm mới.
Hái lộc
Hái lộc đầu năm là phong tục bẻ cành cây (cành lộc) mang về nhà để lấy may mắn, được diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán, trong những ngày đầu năm mới. Những Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… đây thường là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Cành lộc được mang về, treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, treo ở gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã rước phúc lộc về nhà. Trong ngày Tết thì chúng ta thường thấy nhiều người đi chùa hái lộc hay đền thờ… Bởi cũng dễ hiểu hái lộc ở nơi đền chùa linh thiêng mang ngụ ý xin được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho để cả năm thuận lợi.
Trải qua mấy nghìn năm, hái lộc đầu năm còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam. Vào thời khắc giao thừa hay sớm mùng 1 Tết, người ta đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về nhà, với mong muốn được Thần, Phật linh thiêng ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Đó là những cành lộc rất nhỏ trên những thân cây có sức sống mạnh mẽ như si, sung, đa… Họ mang về, treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo ở gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã rước phúc lộc về nhà.
Đi lễ chùa đầu năm
Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất đông người dân đã hành hương về các đền chùa trên địa bàn để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, hoàn tất việc cúng gia tiên, nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới.
Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may. Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyên, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.