Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên
Trong Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 – 12 – 2003, Cô-phi An-nan viết: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. (Ngữ văn 12, Tập một – NXB Giáo dục 2016 – trang 82). Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
GỢI Ý LÀM BÀI
1. Mở bài
– Nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối, trong đó đại dịch HIV/AIDS là một thảm họa kinh hoàng.
– Mặc dù bận trăm công ngàn việc của một tổng thư kí Liên hiệp quốc, ngài Cô-phi An-nan vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phòng chống HIV/AIDS.
– Trong Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chong AIDS, 1 – 12 – 2003, Cô-phi An-nan nhấn mạnh: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cải chết.
2.Thân bài
a. Giải thích
– Giải thích khái niệm AIDS: AIDS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Acquired Immune Deficiency Syndrome, nghĩa là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (còn gọi là bệnh liệt kháng hoặc SIDA).
– Chúng ta và họ:
+ Chúng ta: chỉ những người khỏe mạnh, may mắn không mắc hoặc chưa bị căn bệnh AIDS.
+ Họ: chỉ những người đang bị căn bệnh AIDS.
=> AIDS là đại dịch vô cùng nguy hiểm, là thảm họa của loài người. Nếu không tích cực phòng chống, AIDS sẽ gõ của từng nhà và đưa loài người đến chỗ diệt vong.
b. Phân tích, chứng minh
bl. AIDS là thế giới khốc liệt
-Thực trạng của bệnh dịch AIDS ở Việt Nam và thế giới: AIDS vẫn không ngừng phát triển và có chiều hướng gia tăng (Thí sinh lấy dẫn chứng).
– Những hậu quả của căn bệnh AIDS để lại:
+ Tuổi thọ bị giảm sút nghiêm trọng, thiệt hại về tính mạng.
+ Thiệt hại về của cải vật chất.
+ Băng hoại các giá trị đạo đức.
+ Ngăn cản sự phát triển cùa xã hội.
—> AIDS là một thế giới khốc liệt, là thảm họa đưa loài người đến chỗ diệt vong.
b2. Trong thế giới khốc liệt cùa AIDS không có khái niệm chúng ta và họ
– Khái niệm chúng ta và họ đó là một thực tế đang xảy ra trong xã hội (Thí sinh lấy dẫn chứng để chứng minh).
– Chính thực tế xã hội đã vô tình tạo nên hai thế giới: chúng ta và họ. Ý kiến cùa Cô-phi An-nan không chỉ nêu lên thực tế mà là lời cảnh báo, nhắc nhở thái độ sai lầm đó.
b3. Im lặng đồng nghĩa với cái chết
– Khi mọi người không lên tiếng về đại dịch AIDS thì tốc độ lây lan càng nhanh hơn.
– Khi mọi người có thái độ kì thị, phân biệt đối xử về đại dịch AIDS sẽ tạo thành hàng rào ngăn cách đối với người nhiễm bệnh.
b4. Bài học nhận thức và hành động
– Nhận thức sự nguy hiểm của đại dịch AIDS trước cuộc sống của nhân loại.
– Giải pháp để đẩy lùi đại dịch.
+ Mọi người cần công khai lên tiếng về AIDS.
+ Các quốc gia, tổ chức phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chưong trình nghị sự chính trị và hành động thực tế.
+ Đầu tư ngân sách cho việc phòng chống AIDS.
+ Các tổ chức từ gia đình đến các cơ quan, đoàn thể phải giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.
– Trách nhiệm của thanh niên trong việc góp phần đẩy lùi căn bệnh AIDS.
+ Luôn tu dưỡng phẩm chất tốt, có lối sống lành mạnh.
+ Tham gia các hoạt động xã hội cùng cộng đồng phòng chống căn bệnh AIDS.
+ Khoan dung, nhân ái, đối xử tốt với người bị nhiễm HIV/AIDS.
3. Kết bài
– Khẳng định ý nghĩa của lời nói.
– Ý thức bản thân trước đại dịch khủng khiếp này.
BÀI ĐỌC THAM KHẢO
Cuộc thi viết thư “Giảm kì thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV”.
Bức thư đoạt giải nhất cuộc thi.
Thư gửi dì
Dì Lan thương mến!
Hôm nay là ngày giỗ đầu của cháu Thành dì ạ. Nhìn ảnh cháu trên ban thờ, lòng tôi lại quặn đau. Nó đấy, khuôn mặt trẻ trung, rắn rỏi, đôi mắt to, tinh nghịch và cái miệng thật tươi đang cười với tôi.
Nhận được thư của dì đúng vào ngày giỗ đầu của cháu, nỗi đau trong lòng tôi lại nhân lên gấp bội. Lẽ nào cháu Hương lại đi theo con đường của anh Thành nó. Tôi thấu hiểu được lòng dì, lòng người mẹ với bao nỗi căm hận, đau đớn, xót xa khôn cùng. Khi hay tin con mình bị nhiễm HIV, tôi đã muốn chết như dì. Tôi chạy ra biển như điên dại, lội dần ra chỗ sâu, lòng tôi trống rỗng, nước mắt hoà với nước biển mặn chát. Bồng trước mắt tôi, trên mặt nước hiện ra gương mặt cháu rõ mồn một tiều tụy, đẫm lệ và cả hình ảnh nó quỳ xuống ôm hai chân tôi và van xin trong nỗi tuyệt vọng “Mẹ ơi, cứu con”. Thế là tôi không thể nào… không thể nào bỏ rơi nó được.
Tôi chuệnh choạng lê bước về nhà với thực tại tàn khốc ấy. Nghĩ đến gia cảnh của mình, tôi thấy cay cực khôn cùng. Chồng bỏ đi theo tiếng gọi tình ái. Tôi lặn lội thân cò nuôi con, dồn tất cả tình thương, vật chất cho cháu, mong sao cho nó nên người. Vậy mà… khi xin cho cháu ở nơi cai nghiện về, nó yếu quá, ốm quá. Nhìn cháu mà lòng tôi quặn thắt như có ai xát muối, đâm dao vào tim mình. Con tôi khoẻ mạnh, cao lớn, đẹp trai là vậy, thế mà giờ đây ma tuý và căn bệnh quái ác này đã triệt phá cơ thể nó đến tàn tạ.
Tất cả những căm hận, tuyệt vọng trong tôi đã biến mất, chỉ còn lại duy nhất một tình yêu, xót thương vô bờ của người mẹ. Những ngày đầu đưa cháu về, tôi cũng có mặc cảm như dì. Tôi xấu hổ với hàng xóm, sợ họ xa lánh, khinh rẻ mẹ con tôi. Tôi đã nhầm dì ạ. Nghe tin cháu đổ bệnh ở giai đoạn cuối được về nhà. bà con lối xóm, Hội phụ nữ, hội những người có con nghiện, nhiễm HIV kéo đến đầy nhà, thăm hỏi, động viên mẹ con tôi bàng cả tinh thần và vật chất. Cô y tá cùng các cô cộng tác viên của phường thường xuyên qua lại chăm sóc cháu và hướng dẫn cho tôi cách thay rửa, bôi thuốc cho cháu.
Đó là những động lực mạnh mẽ khiến cho tôi thêm sức mạnh và nghị lực để chăm sóc cháu. Những ngày cuối cuộc đời, cháu đau đớn lắm. Đêm khuya thanh vắng, ngồi bên con, thấy nó quằn quại, co quắp, tôi như đứt từng khúc ruột. Nó ngước đôi mắt đục lờ nhìn tôi và phều phào nói trong nụ cười méo mó Mẹ ơi, ôm con. Mẹ hát đi…! Tôi ôm chặt cháu vào lòng, nghẹn ngào cất lời ru cái bổng là cái bổng bang. Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ… và thế là nó ra đi thanh thản, nhẹ nhàng trong vòng tay. trong lời ru của mẹ. Cùng là người mẹ, chắc dì cũng thấm được nồi đau đớn xé lòng của tôi. Cũng lời ru ấy, khi nó còn thơ bé, tôi đã hát cho nó vào giấc ngủ ngon. Hai mươi lăm năm sau, tôi lại phải cất lời ru để cho con tôi đi vào cõi chết một cách nhẹ nhàng, êm ái. Đau lắm dì ơi! Thương lắm dì ơi!
Đám tang cùa cháu được tổ chức rất chu đáo. Khu phố và các đoàn thể của phường đã đên đưa cháu về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi cứ nghĩ một cách tuyệt vọng rằng: cháu ra đi thì tôi sống một cách vô nghĩa, thế nhưng bà con lối xóm, chị em trong tổ phụ nữ, hội những người mẹ có con nghiện, nhiễm HIV đã bên tôi, tiếp sức sống cho tôi. Tôi bây giờ sống thanh thản và hoạt động tích cực trong phong trào phòng chống HIV. Đó là lẽ sống và niềm vui cùa tôi. Những lời tâm sự từ đáy lòng tôi chắc dì cũng hiểu ra. Đừng vì buồn mà nghĩ quẩn dì ạ. Hãy là chỗ dựa cho cháu, hãy giúp cháu sống có ích cho xã hội, gia đình và bản thân nó dì nhé. Xã hội và cộng đồng không bỏ rơi những con người như mẹ con của chị em mình đâu.
Giỗ cháu xong, tôi thu xếp việc nhà sẽ về Hải Phòng thăm mẹ con dì. Chúc dì sức khoẻ, tự tin và kiên cường trong cuộc sống! Tạm biệt dì!
Người chị cùng cảnh ngộ
Phạm Thị Oanh