Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được thể hiện như thế nào trong chương Đất nước (Trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm
DÀN Ý
1. MỞ BÀI
– Mỗi nhà thơ có cách cảm nhận và thể hiện về hình ảnh đất nước khác nhau.
– Trong chương Đất nước (trích trong Mặt dường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện tư tưởng “Đất nước của nhân dân” theo cách riêng độc đáo.
2. THÂN BÀI
Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được triển khai qua ba ý lớn:
2.1. Nhân dân làm nên tên đất tên làng, danh lam thắng cảnh.
– Những nơi chốn ấy được nhìn qua không gian (trong Nam ngoài Bắc: núi rừng, biển khơi).
– Chúng còn được nhìn qua chiều sâu lịch sử (Thánh Gióng, vua Hùng).
– Nhìn tên đất tên làng, địa danh trong chiều sâu tâm hồn dân tộc.
2.2. Nhân dân làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc.
– Cả dân tộc ra trận bất kể là đàn ông, đàn bà.
– Đặc biệt là lớp lớp những người chiến sĩ vô danh. Tên tuổi của họ hòa lẫn vào hồn thiêng đất nước.
2.3. Nhân dân làm nên văn hóa
– Làm lụng, trồng lúa, trồng khoai, truyền lửa qua, con cúi – những nếp sinh hoạt bình dị của đời sống hàng ngày.
– Gin giữ, chăm chút tiếng mẹ đẻ.
– Gìn giữ tên đất tên làng, giữ hình bóng và bốn vía quê hương.
2.4. Khổ thơ có ý nghĩa khái quát hình ảnh một đất nước trong bốn lịch vực trọng yếu của đời sống: tâm linh, yêu đương, tình nghĩa, đánh giặc: Dạy anh biết yêu em (…).
– Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.
3. KẾT LUẬN
– Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” làm nên cái tứ lớn của đoạn thơ, làm cho mạch thơ vừa trữ tình vừa chính luận.
– Đây là một tư tưởng đã có từ ngàn xưa trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng đến Nguyễn Khoa Điềm đã được thể hiện một cách mới mẻ và độc đáo.
BÀI LÀM
Đất nước, với mỗi một nhà thơ lai gợi ra cảm hứng khác nhau. Trong cảm nhận của Nguyên Khoa Điềm, đất nước là đất nước của nhân dân, nhân dân đã xây dựng, gìn giữ và truyền lại cho đời sau một đất nước với nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được thể hiện trong chương Đất nước trích trong trường ca Mặt đường khát vọng có những sáng tạo riêng độc đáo của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Trong văn chương từ xưa đến nay, vai trò to lớn của nhân dân không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng mức. Lịch sử đất nước qua sự nhìn nhận của Nguyễn Trãi, một con người tha thiết thương dân cũng chỉ là lịch sử của các triều đại: “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nên dộc lập…”. Cũng có khi lịch sử đất nước được nói đến gắn liền với các vĩ nhân. Nhưng đến Nguyễn Khoa Điềm chúng ta có thể tự hào về một đất nước của nhân dân với bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Chính nhân dân, chứ không phải ai khác đã tạo dựng đất nước này bằng việc định hình những phong tục tập quán: “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn” hay “Hàng năm ăn đâu làm đâu – Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những nếp sinh hoạt đó mới trở thành phong tục. Những dòng thơ kể về đất nước không phải là khái niệm mơ hồ, trừu tượng mà nó gần gũi, thân thiết với ta như “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”, như miếng trầu bà ăn, thậm chí chỉ như “cái kèo, cái cột thành tên”. Nhân dân không đơn giản chỉ là những người tạo dựng nên đất nước bằng phong tục, tập quán mà nhân dân còn có một vai trò to lớn trong việc gìn giữ đất nước này: “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Ngay từ những ngày đầu dựng nước, nhân dân đã phải chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đến cả đứa trẻ cũng dồn dức để bảo vệ đất nước. Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, bao nhiêu người dân bình dị “Không ai nhớ mặt đặt tên” đã đổ mồ hôi, công sức, thậm chí đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Họ chính là những con người “đã làm ra Đất nước”. Bởi vì đất nước này là “Đất nước của nhân dân” nên: “Khi có giặc người con trai ra trận – Người con gái trở về nuôi cái cùng con”. Nhưng ý chí của người dân Việt Nam không cam chịu nô lệ còn khiến cho: “Ngay giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước đã kéo sát gần các thế hệ, quy tụ lại trong một đội ngũ để cùng chiến đấu hi sinh cho Tổ quốc:
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi Họ đã sống và chết Giản dị và bình tâm.
Nguyễn Khoa Điềm không những đã nhìn thấy cuộc sống kháng chiến oanh liệt của nhân dân mà còn nhận thấy công sức của nhân dân trong việc gìn giữ đất nước với tất cả sự trầm lặng. Nhân dân đã truyền lại cho đời sau hạt lúa, tiếng nói, những tên đất, tên làng:
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi.
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.
Những gì chúng ta có được ngày hôm nay là của ngày hôm qua. Đó là kết quả của cuộc tiếp sức kì lạ giữa quá khứ và hiện đại. Nhờ cuộc tiếp sức ấy, ngọn lửa từ buổi bình minh lịch sử vẫn còn tỏa sáng đến hôm nay. Suốt 40 thế kỉ, với chiều dài của “thời gian đằng đẵng” và “không gian mênh mông”, nhân dân đã đựng nước và giữ nước bằng mồ hôi, máu xương của mình “Để đất nước này là Đất nước nhân dân: Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm – Có nội thù thì vùng lên đánh bại”. Đất nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm là không gian tồn tại, là đất và nước mà nhà thơ đã diễn tả:
Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm.
Một không gian gần gũi, quen thuộc, gắn với đời sống con người, đất nước chỉ giản dị như thế thôi. Nhưng còn là một cái gì thẳm sâu trong nỗi nhớ: “Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Nỗi nhớ ấy được nhắc đến trong câu ca dao xưa “Khăn thương nhớ ai – Khăn rơi xuống đất…”, nhưng ở thơ Nguyễn Khoa Điềm, nó được thể hiện ở cả hai phương diện, tình yêu lứa đôi và tình yêu đối với những giá trị văn hóa bền vững của dân tộc.
Đất nước với một không gian rộng lớn và giàu có, rừng vàng, biển bạc:
Đất là nơi con “chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”.
Chỉ từ những câu ca dao bình dị của dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa vào trong thơ để nói được nhiều nhất vẻ đẹp của Tổ quốc với chiều dài, chiều rộng và cả chiều sâu. Núi sông Tổ quốc không chỉ là minh chứng cho những truyền thuyết mà đó là sự “hóa thạch” những khát vọng của ông cha, là “những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
Nhân dân đã để lại cho chúng ta một kho tàng những câu dân ca mà ở đó bao nét đẹp trong ứng xử, trong tình cảm. Đó là tình người trong gian khổ, trong đắng cay: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”, là tình yêu đắm say của anh và em:
Đất nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại.
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”.
Đó còn là sự trân trọng tình nghĩa, coi con người hơn mọi bạc vàng. “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”, là tấm lòng kiên gan bền chí quyết giữ gìn bảo vệ đất nước:
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu.
Kho tàng ca dao đã dạy cho ta bao điều mới mẻ, giá trị tinh thần của dân tộc ta được đúc kết lại qua những lời dạy ấy và tiếp tục được lưu giữ, truyền đạt cho những thế hệ sau. Sự lưu truyền, tiếp nối ấy khiến cho “Trong anh và em hôm nay – Đều có một phần Đất nước”. Đất nước là máu xương đối với mỗi con người, là một cái gì cụ thể mà vô hình. Chúng ta nói tiếng nói của ông cha truyền lại, thuộc nằm lòng những câu ca dao, thần thoại, lưu giữ những nét đẹp trong phong tục của dân tộc. “Trong anh và em hôm nay” chúng ta thấy đất nước là sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Chính vì lẽ đó nên nhà thơ ý thức rõ “Đất Nước là máu xương của mình” và mỗi chúng ta phải có một phần trách nhiệm.
Phải biết gắn bó và san sẻ.
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất nước muôn đời…
Những dòng thơ là sự khẳng định tinh thần sẵn sàng dâng hiến tất cả cho Tổ quốc. Tinh thần ấy được bắt đầu từ cha ông và còn mãi muôn đời với những thế hệ tiếp nối của người dân nước Việt.
Tư tưởng “Đất nưóc của nhân dân” không phải đến giớ mới có. Song bằng tầm vóc trí tuệ của một người am hiểu lịch sử – văn hóa dân tộc, và bằng cả tấm lòng của một người trẻ tuổi, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những rung cảm và suy tưởng về đất nước trong một chiều sầu và một vẻ đẹp mới. Đoạn trích Đất nước của trường ca Mặt đường khát vọng đã thể hiện sâu sắc tư tưởng “Đất nước của nhân dân” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Những giá trị vật chất và tinh thần được nhân đạo tạo dựng và gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch sử khiến ta càng thêm tin yêu, tự hào về đất nước mình.