Vai trò của rừng trong cuộc sống của chúng ta
Một mùa xuân mới lại về. Trong sự đầm ấm sum họp của mọi nhà vẫn còn đó nỗi lo canh cánh của người dân Bắc Bộ về sự bất thường của thời tiết và khí hậu. Miền Trung còn đó hậu quả của những đợt “lũ chồng thêm lũ”. Còn thế giới, cùng với sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, lũ lụt khủng khiếp là những đợt giá lạnh hiếm thấy xảy ra khắp nơi. Thiên tai hoành hành dữ dội và rộng khắp như thế đều liên quan đến vấn đề môi trường sống, nhất là rừng, bị hủy hoại. Tất cả những điều đó đã khẳng định vai trò quan trọng của rừng trong cuộc sống của chúng ta.
Cây rừng là lá phổi xanh của trái đất. Cây cung cấp cho chúng ta ô-xi và hút các-bon-níc do chúng ta thải ra. Ngày nay, dân số ngày càng tăng cao, lượng ô-xi càng ngày bị mất đi do nhu cầu hô hấp của con người. Thiếu cây rừng, thiếu ô-xi thì làm sao chúng ta tồn tại? Hơn nữa, cây rừng còn là “ngôi nhà xanh” của những loài thú hoang dã. Thú sống trong “ngôi nhà” của chúng thì điều kiện sống sẽ tốt hơn. Hiện nay, nhiều loài thú hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Một phần của hiện tượng đó cũng chính là vì môi trường sống của chúng đang bị tàn phá nặng nề. Chúng ta có thể khẳng định một điều: đối với con người và động vật thì cây rừng giữ vai trò quan trọng. Cầy rừng ngăn lũ lụt, thiên tai thất thường. Khi nước lũ dâng cao, cây rừng cản sức nước và rễ cây sẽ hút phần nào nước lũ. Có cây rừng, sức nước đỡ mạnh hơn, giảm thiểu sức tàn phá của nước lũ. Cây rừng còn chắn gió, từng tán lá, cành cây sum suê mở rộng giúp hạn chế và làm suy yếu sức mạnh tại những vùng bão đi qua. Vì lợi ích đó mà ở các bãi biển người ta thường trồng nhiều cây. Trồng cây trên bãi biển vừa tạo không khí trong lành vừa bảo vệ con người.
Thế nhưng nạn phá rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Có thể nói, rừng là nước cho đời sống của thực vật và cho sản xuất của xã hội, là không khí trong lành, là lá phổi xanh giúp điều hòa khí hậu,… Rừng đóng vai trò quan trọng như thế nhưng hiện nay rừng trên thế giới đang kêu cứu, cứ mỗi phút trôi qua có tới hơn 22 ha rừng nhiệt đới bị phá hủy. Sự mất mát quá lớn của rừng tất yếu dẫn đến sự nghèo kiệt của đất đai và sự biến mất dần những sinh vật quý hiếm, sự gia tăng hàm lượng các-bon-níc trong khí quyển – một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên “hiệu ứng nhà kính”, làm tăng nhiệt độ của Trái Đất…
Việt Nam tuy là nước nông nghiệp, hơn nữa sự phát triển của nước ta hiện nay vẫn chưa vượt ra khỏi trình độ của nền văn minh nông nghiệp nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không đe dọa bởi hiểm họa môi trường. Nếu ở các nước phát triển, hiểm họa môi trường là do sự phát triển của kĩ thuật công nghệ và đầu tiên sự phát triển tự phát nền văn minh công nghiệp thì ở Việt Nam, hiểm họa sinh thái là do những bất cập trong quá trình phát triển, do ảnh hưởng còn nặng nề của nếp nghĩ, nếp làm của người sản xuất nhỏ. Thiên nhiên nước ta trước đây bị phá hoại bởi những cuộc chiến tranh kéo dài, còn bây giờ bị phá hoại bởi những hoạt động vô ý thức, bởi thái độ tùy tiện vô trách nhiệm, thiếu kế hoạch của con người trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Hậu quả của việc phá rừng bừa bãi đối với môi trường là vô cùng nghiêm trọng. ô nhiễm môi trường cũng đang là vấn đề nan giải. Chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và y tế,… đang trở thành mối đe dọa đối với tất cả chúng ta.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải có ý thức về lợi ích của rừng và việc cấp bách của chúng ta lúc này là vận động, tuyên truyền mọi người cùng nhau trồng rừng, bảo vệ, khôi phục và phát triển các khu sinh thái, vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên,… Nhiều người nghĩ bảo vệ môi trường là những hoạt động mang tính quy mô, tốn kém và phải tốn nhiều thời gian. Điều đó đúng song việc bảo vệ môi trường có thể và trước hết phải bắt đầu từ mỗi cá nhân con người, từ những việc làm cụ thể hằng ngày. Từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông, chắc chắn học sinh chúng ta đã tham gia các phong trào do Đoàn, Đội phát động như “Vì trường em Xanh – Sạch – Đẹp”. Những công việc của “tuổi nhỏ” như tưới nước, tỉa cành, thu gom rác,… đã góp phần hình thành một thói quen, một nếp sống tốt trong thiếu nhi, đó là tình yêu thiên nhiên, sự thân thiện và ý thức bảo vệ môi trường. Ở mỗi tỉnh, thành phố lại có những đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế – xã hội cũng như những vấn đề đặt ra với môi trường và ở đó, các cấp bộ Đoàn đã tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai các chương trình nhằm mục đích giải quyết các “bức xúc” về môi trường tại địa phương. Phải kể đến ở đây là các mô hình: “Cánh rừng thanh niên”, “Câu lạc bộ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản”, “Câu lạc bộ thanh niên với môi trường và phát triển bền vững”,… Trong các đợt bão lũ, thiên tai, ở đâu chúng ta cũng bắt gặp sự có mặt kịp thời của lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả những cơn giận dữ của “bà mẹ thanh niên”.
Đã thành tập quán tốt đẹp gần nữa thế kỉ qua, cứ độ xuân về, cả nước lại sôi nổi phong trào Tết trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ. Tết trồng cây mở đầu cho năm sản xuất mới, tạo ra phong trào xây dựng và bảo vệ vốn rừng trong cả nước, đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường ở từng vùng miền và trong cả nước.
Rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy cùng chung tay góp sức bảo vệ rừng, để đất nước ta mãi thắm tươi và hành tinh này mãi mãi xanh màu bạn nhé!