Văn biểu cảm về sự vật, con người – Cái ná chim
Chẳng đẹp như một miền cổ tích nhưng tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày đáng nhớ. Ở nơi ấy có những tháng ngày rong ruổi qua những vạt đồng mênh mông với những trò chơi ngỗ nghịch.
Tôi lớn lên, thả nổi tuổi thơ trôi theo những niềm nhớ nhung đầy ắp cánh cò, những mảng trời chiều và cả những vết chân trâu nứt nẻ, nham nhản trên những cánh đồng khô cháy. Tôi có những kí ức mà đôi khi nhớ lại, thấy mình may mắn. Tôi có những thú chơi mà trẻ con khi ấy gọi là “chơi hoang”. Khi những cơn mưa chiều hay cái nắng cháy da bất chợt ập đến, trong sâu thẳm trong tôi lại loé sáng những tia nhớ đầy day dứt. Ấy là cái lúc ba tôi còn thong dong thả trâu ngoài đồng cho con nhóc mới chưa đầy 10 tuổi như tôi chăn thả. Ấy là lúc mẹ hục hằn cả buổi gọi tôi giữa ánh trời chiều đầy những vệt vàng, đỏ lẫn xám xịt. Chắc như đinh đóng cột, lúc ấy tôi đang nấp ở một bụi lau nào đấy, rậm rịch giả tiếng chim cu để nhử mồi vào bẫy. Cái tiếng cu gáy cứ nghe vui tai. Thỉnh thoảng ở đọt dừa xa tít, chúng lại reo lên những khúc ca hoan hỉ để một đứa táy máy như tôi lại giở cái ná chim ra nghịch.
Cái ná ấy chẳng có gì công phu, chỉ là một phần của nhánh cây chạc ba nào đấy mà tôi vớ được, không từ cả nhánh ổi, nhánh xoài hay nhánh mận. Nhưng đã gọi là “ná tủ” (tức ná bắn êm, xa, nhẹ và bay) thì nhất thiết chỉ có một. Để có chiếc ná như thế, đôi khi ngay lần làm đầu tiên, khó mà chắc được, phải giương lên vài lần và bắn thử vài phát cho quen tay mới thấy thú. Những sợi thun được tết 5, tết 10 đan thành bím làm dây giương, ở giữa là miếng da đệm cắt ra từ một chiếc dép cũ sờn quai nào đấy. Nhiều đứa thường sử dụng ruột xe đạp hư mà chúng xin được từ các tiệm sửa xe ven đường. Mỗi đứa chúng tôi đều lận lưng khoảng vài cái ná, tuỳ tầm xác định chim đậu xa gần mà tung hứng. Ná sử dụng lâu, bỏng nhờn màu gỗ xỉn, đen mun nẫy nuột mới là “ná chiến”. Những chiếc ná như thế thường chỉ phải thay giàn thun khi dây trở nên lỏng lẻo, còn lại giữ nguyên cái nạng vì bởi lẽ gỗ sồi gỗ sộc khó mà chắc bền, tìm được một nhành cây cứng cáp, cong khoẻ như thế là quý. Bọn nào “quý tộc” hơn sẽ sắm sẵn lồng chim, đặt một con chim nhử (thường là chim mái) ở ngoài lồng, chân chim được cột và thả một đoạn vừa phải để chúng không bay đi. Ở thanh cửa khép hờ ngay chiếc lồng là một que tre vắt ngang, trét đầy nhựa mít để chẳng may anh chàng cu gáy nào sa chân nghe tiếng bạn tình, thế nào cũng mắc bẫy. Cách này chỉ có thể làm vài ba lần và mỗi lần đặt phải chọn những chỗ khác nhau bởi chim cu gáy cũng là loài tinh thông, khó sa bẫy. Có lúc bọn chúng tôi lại bắt cả se sẻ, chào mào lẫn bìm bịp, cò trắng, vết chân của những tên thợ săn tinh quái len lỏi ở mọi ngóc ngách từ những vườn dừa có cây dầu u cao chót vót đến những bãi đất trống giữa đồng, chiều xuống ngộp ngoạp tiếng ếch nhái inh ỏi. Phần thưởng cho cả bọn sau mỗi buổi săn là những tối đốt rơm ngay giữa đồng để thưởng thức món chim thui, cháy bén mùi tro nhưng thịt ngọt phây phẩy.
Trong đám tôi là người có khả năng “sát chim” nhất. Trong tầm ngắm vừa phải, tôi có thể nả thương một chú chim se sẻ nho nhỏ đang đứng rỉa lông. Chưa bao giờ có đứa nào trong bọn bảo trò này ác cho đến khi chúng tôi phát hiện một tổ chim non trên một hốc cây dâu với những chiếc mỏ há hốc, chúng đang đói và chờ mẹ mớm mồi. Nhưng chẳng may, chim mẹ vừa bị một đứa trong bọn nả thương. Một cảm giác tội lỗi nhờn nhợn ngay sống lưng khiến một đứa trẻ như tôi giật mình. Tiếng kêu yếu ớt, hoang dại, dồn dập kia như đang ném về phía tôi… Cái ná chim đành gác trên mái nhà. Thỉnh thoảng nghịch, tôi vẫn hay đem bắn lung tung, nào là rắn mối, cá thòi lòi ở các bãi sồng, đem về nướng cho con heo nái đẻ. Ba tôi bảo, ăn nhiều, heo lợi sữa. Tôi đã chẳng bao giờ giương chiếc ná về khoảng trời trống không – nơi có tiếng chim xa gọi bạn một lần nữa vì tôi sợ sẽ phải nghe những tiếng gọi chơi vơi, hờn trách vang vẳng đến ám ảnh.
Bắn chim chưa bao giờ là luật cấm đối với chúng tôi ở nơi làng quê này. Nhưng từ khi có những tay săn vác súng nòng lùng sục ở các mảnh vườn đồng, chim trời không chỗ neo, nhát dần rồi thưa hẳn. Trò bắn chim của chúng tôi cũng chỉ là trò con trẻ để thoả mãn cái hiếu kì nghịch ngợm của những kẻ chăn trâu thôi. Có mấy lúc chúng tôi nả thương được chiếc cánh nào nhưng với những nòng súng săn lăm le kia, chim dần tán loạn. Thời gian sau, hình như có lệnh cấm sử dụng súng săn nên những mảnh vườn nhà lại có tiếng chim tíu tít. Tôi vẫn nghe tiếng những con cu gáy phe phẩy cất cái âm rù rù như bồ câu, vẫn thấy đâu đó giọng hót lảnh lót của những chú chim se sẻ. Cả tiếng bìm bịp gọi vang con nước lớn và những cánh cò trắng lửng lơ thảng thốt giật mình khi có kẻ đi thăm đồng. Tất cả đi vào yên bình…