Văn nghị luận: Khuyên em gái đọc sách

0

Ngày mười bảy tháng bảy, ngày sinh nhật thứ mười tám của em, tiễn cũ đón mới, nhà mình lại có một người lớn. Gia đình họ Giã là một hộ lớn trong xã, đời bố có bốn anh em, đến đời chúng mình có đến mười anh em trai, bảy chị em gái. Anh là con trai thứ tám, em là con gái út. Sau khi kiêng ăn, các anh chị đều khỏe mạnh, thông minh, có ích cho xã hội, chỉ đáng thương cho anh em mình. Lúc ấy, anh gầy yếu, khuôn mặt xấu, mới mười ba tuổi mà nom như hai mươi, người làng chê là si dại, em mới ba tuổi mà chưa biết nói, chỉ biết khóc hu hu. Bố mẹ thì già, hận không có ai tiếp sức, thường oán chúng mình yếu ớt sẽ không thành đạt. Từ ngày ấy, anh xấu hổ đi lại trước mặt mọi người, cõng em chơi đùa một góc, có chuyện chẳng biết nói với ai, mà nói với em thì em không thể trả lời, nên đâm ra thích sách.

Người trong sách đối với anh tốt nhất, mỗi lần đọc đến chỗ vui, anh lại trồng cây chuối trên đất, em thích cười khanh khách. Đọc đến chỗ buồn, anh đã khóc, em thấy anh khóc, cũng bò lên người anh mà khóc. Nhưng nhiều hơn cả là anh đắp thành quách trên bãi cát để em chơi, anh nằm một bên đọc sách, kết quả cứ để em đái ướt quần, em lại khóc, anh chẳng biết dỗ thế nào, liền đọc sách cho em nghe, em không khóc nữa. Anh cảm động ôm chặt em, bảo: “Ồ em út của anh cũng yêu người trong sách ư?”. Nhà Nhị Đán ở thôn Đông, ông bố là người nho già, chứa trong nhà nhiều sách, anh cõng em đi mượn, họ không cho mượn, bảo phải đẩy cối xay. Anh liền đặt em lên mặt cối, bảo em bám lỗ cối, anh cầm cần cối đẩy cối quay. Cả buổi sáng xay cho họ ba thùng ngô, mượn được ba quyển sách, anh vui quá thơm vào má em, để lại vết răng đỏ. Em còn nhớ quyển “Hồng Lâu Mộng” không? Hồi ấy, em lên bốn vừa biết nói, chúng mình lên nhà dì ở phố huyện. Anh thấy trong tủ có nhiều sách, nên ngồi xổm đọc. Tuy không hiểu hết nhưng thấy hay hay. Trời sắp sửa tối sách mới đọc hết một phần năm, anh đã lén giấu quyển sách vào bụng. Ba ngày sau, người nhà dì tìm đến, bảo anh ăn cắp, anh không phục, hai bên cãi nhau, bị mẹ tát cho một cái, anh đã khóc, mẹ cũng ôm chúng mình mà khóc. Lúc ấy, em bảo: “Anh ơi khi nào lớn, em nhất định mua sách cho anh”. Em ơi, câu nói ấy của em đã an ủi anh nhiều lắm. Bây giờ ngồi trong thư phòng của mình, cứ nhìn sách đầy trên giá, anh lại nhớ tới chuyện đáng thương hôm nào.

Chúng mình không phải “Thư hương môn đệ”, gia đình không thuộc diện giàu có, cho dù hiện nay, bố mẹ và em vẫn ở gần quê, được chia ruộng, đủ gạo ăn, song tiền không có. Tuy mỗi tháng anh gởi về một chút, cũng chỉ lo được dầu mỡ, mắm muối, không so được với những người buôn bán. Nhưng nghèo không phải là sai lầm của chúng mình, sách đã giúp chúng mình địa vị thấp mà nhân phẩm không kém, nghèo khó mà chí hướng không hèn. Trong xã hội này, thiên hạ đang chấn hưng, dân tộc đang phấn đấu vươn lên, chúng mình không ham muốn làm quan mà lập công với nước bằng con đường sách bút. Nhưng làm một thường dân, chúng ta chỉ có thể đọc sách viết văn mới có ích cho xã hội. Em cũng lập chí sáng tác, anh mừng lắm. Em phải chăm đọc sách, ganh ghét cái gì chứ đừng ganh ghét đọc sách, bạn nào có thể gác, bạn sách không thể bỏ một ngày. Nghèo khó lại có điều kiện chuẩn bị để làm nhà vãn, sách kị giàu, người giàu thì lười suy nghĩ. Môi trường hiện tại của em vừa vặn buộc em phải tĩnh tâm đọc sách. Đạo lí này thường người ta không tin, có đi vào mới tỉnh ngộ. Em hãy nhớ điều anh nói để tránh sau này “hối không kịp”.

Anh đi ra ngoài đã mười năm, mắt không dám quên đọc sách, viết được một hai bài văn, hoàn toàn chỉ là tập viết nông cạn, càng phải đọc sách không ngừng. Qua ngày hai mốt tháng hai đã bước sang tuổi “tam thập nhi lập” mới càng thấy lập thân khó, lập đức khó, lập văn khó. Đêm đọc “Tây du kí” mới hiểu ra rằng “lấy kinh phải lòng thành, dẹp quái phải dùng sức”, bất giác xúc động trong lòng mà than lên trước gió. Anh bằng tuổi em bây giờ, sách đọc qua là nhớ, mỗi lần mượn được sách là hết sức chăm chú đọc. Vậy mà bây giờ, trên bàn, trên ghế, trên giường trên giá toàn sách là sách, song thường đọc mười không nhớ nổi bốn năm. Điều này hoàn toàn do tuổi tác quyết định. Anh bây giờ đành phải lấy ghi chép bù lại cho nhớ lâu. Còn em nhất định phải quý trọng lứa tuổi hiện đại, đọc thật nhiều sách.

Đã có điều kiện, phải đọc thật rộng. Phải đọc sách văn học, sách chính trị, triết học, lịch sử, mĩ học, thiên văn, địa lí, y dược, kiến trúc mĩ thuật, nhạc lí… Những sách có thể tìm được đều phải đọc.

Khi ở nhà, mỗi lần sinh nhật em, anh đều tết cho em một đuôi sam, đích thân bóc cho em một quả trứng gà mẹ luộc. Xa nhà mười năm, cứ quên thời gian cụ thể ngày sinh của em, em trách anh là phải. Năm nay, vừa bước vào mùa hè, anh đã luôn nhắc mình, đến sinh nhật em, nhất định phải chúc mừng em đã thành người lớn. Bà hàng xóm bảo anh gửi tặng em một món tiền to, bà bảo anh viết sách, kiếm tiền dễ như cúi xuống nhặt. Anh bác lại vào bảo: Lợn béo cũng còn rên. Hừ, người hàng xóm chỉ biết tiền! Người ta sông không thể không có tiền, nhưng chỉ cần có bát cơm ăn, thì tiền coi là gì? Hiện giờ tiền nhuận bút thấp lắm, gia đình đâu có phát tài được bằng nhuận bút?

Đọc sách phải đọc kĩ, đọc tinh. Viết sách phải chí ở mình, công ở thiên hạ, đâu có phải hốt bạc như bà hàng xóm nói. Bao năm nay anh không dám xa xỉ, chỉ sống giản dị, cứ sợ mình quên khốn đốn ngày xưa, cũng do không quên ngày xưa, mới đem số tiền kiếm được mua sách. Cho nên sinh nhật em gái, anh không tặng gì, chỉ mua bộ mười quyển sách quý tặng em, mong em vui vẻ.

Leave a comment