Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão

0

Thời đại nhà Trần là một trong những thời đại oai hùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với chiến công ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược. Nhắc đến chiến công ấy, ta không thể không nhớ tới Phạm Ngũ Lão – một danh tướng có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến bảo vệ nước nhà. Ngoài cương vị một võ tướng, ông còn thích đọc sách, ngâm thơ. Bài thơ Thuật hoài vừa khắc họa sinh động hình tượng người tráng sĩ thời Trần hiên ngang, bất khuất; vừa thể hiện khát vọng cao đẹp của chính tác giả.

Ngay từ câu thơ đầu tiên, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc một không gian bao la rộng lớn của sông núi. Cũng trong không gian mênh mông ấy, hình tượng người tráng sĩ thời Trần với tư thế hiên ngang, anh dũng sừng sững hiện lên. Người tráng sĩ ấy cầm ngang ngọn giáo để bảo vệ đất nước. Tư thế ấy, tầm vóc ấy như sánh ngang cùng giang sơn hùng vĩ. Từ “hoành sóc” vừa khắc họa tư thế hiên ngang, bất khuất vừa tạo nên âm hưởng hào hùng. Người tráng sĩ canh giữ giang sơn không chỉ trong chốc lát. Thời gian dài đằng đẵng được tác giả nhắc đến qua ba từ “kháp kỉ thu” rất nhẹ nhàng. Thời gian mấy thu dung hòa với không gian và con người tạo nên bức tranh có chiều sâu trong đó nổi bật là hình tượng người tráng sĩ hiên ngang, anh dũng. Cầu thơ thể hiện lòng tự hào của tác giả đốì với vẻ đẹp của con người thời đại nhà Trần.

Đến câu thơ thứ hai, nhà thơ khiến người đọc cảm nhận một cách rõ nét khí thế của tam quân. Khí thế ấy được đặc tả qua cụm từ “khí thôn ngưu” – khí thế nuốt trâu đầy dũng mãnh. Đội quân ấy chính là tập hợp những tráng sĩ cầm ngang ngọn giáo bảo vệ Tổ quốc. “Tam quân” với hào khí ngút trời, khí thế dũng mãnh, ý chí kiên cường có thể đánh tan mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc giang sơn. Hai câu thơ đầu hiện lên với khí thế hào hùng và vẻ đẹp của con người thời Trần. Nó cũng thể hiện lòng tự hào của Phạm Ngũ Lão về con người thời đại ông.

Nếu như hai câu thơ đầu là hình tượng người tráng sĩ thời Trần oai phong, dũng mãnh thì đến câu thơ thứ ba, nhịp thơ như chậm lại, hình tượng nhà thơ hiện lên với một vẻ trầm tư suy nghĩ:

Nam nhi vị liễu công danh trái.

Theo quan niệm của Nho giáo, người con trai sinh ra trong cuộc đời này là đã mang một món nợ: nợ nam nhi, nợ công danh. Nợ công danh còn gọi là nợ tang bồng – món nợ mà người đàn ông phải trả bằng sự cố gắng phấn đấu, rèn luyện trong suốt cả cuộc đời đế làm nên nghiệp lớn. Phạm Ngũ Lão một danh tướng thời Trần cũng không khỏi trầm tư suy nghĩ về món nợ của kẻ làm trai. Những tưởng vị danh tướng ấy đã có thể yên lòng vì mình đã trả hết món nợ công danh bằng những công hiến to lớn cho sự nghiệp chông ngoại xâm bảo vệ đất nước nhưng không phải vậy. Đọc đến câu thơ cuối, ta mới thấy hết khát vọng và nhân cách cao đẹp của ông:

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Vũ hầu là Gia Cát Lượng, người có tài dùng binh và rất trung thành, tận tụy với sự nghiệp giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán. Phạm Ngũ Lão tự cảm thấy hổ thẹn khi nghe chuyên Vũ hầu. Mặc dù Phạm Ngũ Lão là người có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước song ông chưa bao giờ hài lòng với những gi mình đã làm được. Ông vẫn cảm thấy mắc nợ với đời, hổ thẹn vì mình không tài giỏi được như Vũ hầu để đóng góp cho nước cho dân. Đó là cái thẹn cao đẹp, thể hiện tấm lòng luôn mong mỏi được công hiến. Tâm sự ấy của Phạm Ngũ Lão thật đáng quý biết bao! Hình tượng nhân vật qua hai câu thơ cuốỉ không chỉ thể hiện khát vọng cao đẹp của Phạm Ngũ Lão mà còn bộc lộ vẻ đẹp của con người thời Trần nói chung.

Hình tượng nhân vật trong bài thơ vừa toát lên sự oai hùng, kiên cường, bất khuất lại vừa thể hiện nỗi trầm tư và khát vọng được công hiến, đóng góp cho đất nước. Đó là vẻ đẹp của con người thời Trần – một vẻ đẹp khiến người đọc chúng ta tự hào và cảm phục. Đó không chỉ là lí tưởng sống của con người thời Trần mà còn là mục đích sống của con người mọi thời đại. Sống vì cuộc đời, vì sự nghiệp chung của đất nước chính là lí tưởng sông cao đẹp, tích cực của tất cả mọi người dù ở thời đại nào. Ngày nay, khi chúng ta được sông trong hòa bình thì nhiệm vụ của mỗi người là phải ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Thế hệ trẻ hôm nay hãy cố gắng noi theo lí tưởng sông của con người thời Trần, phấn đấu hết mình để đóng góp cho đất nước. Hãy biến hào khí Đông A của nhà Trần năm xưa thành tinh thần hăng say học tập, lao động để phục vụ nước nhà.

Bài thơ Tỏ lòng chỉ gồm bốn câu nhưng đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp hiên ngang, anh dũng cũng như lí tưởng sổng cao đẹp của con người thời Trần. Đọc bài thơ, hào khí của một thời kì oai hùng trong lịch sử dân tộc như đang dâng lên trong lòng người đọc. Hào khí, lí tưởng sống của những con người năm xưa sẽ trở thành động lực để thế hệ trẻ hôm nay ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện, đóng góp công sức của mình xây dựng, phục vụ đất nước.

Leave a comment