Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo

0

Đề bài: Top 3 bài Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Bài văn mẫu

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc viết về đề tài người nông dân. Nhân vật của ông chủ yếu là những người nghèo khó, cùng cực, họ bị áp bức bất công, bị chà đạp về cả thể xác và nhân phẩm. Chắc hẳn chúng ta không thể quên Chí Phèo_nhân vật điển hình cho một giai cấp, đại diện cho người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Đây là nhân vật có một không hai trong lịch sử văn học dân tộc làm nên tên tuổi của tác giả để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

Chí cũng giống như anh cu Lộ trong tác phẩm “Tư cách mõ” hiền lành, chất phác, bản tính vốn lương thiện nhưng bị xã hội, bị giai cấp thống trị chèn ép, đẩy đến mức đường cùng phải bán linh hồn và nhân phẩm cho quỷ dữ. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn con người ấy vẫn có những phút giây khao khát được hoàn lương, được sống đúng nghĩa. Cuộc đời Chí trải qua hai giai đoạn là trước và sau khi gặp thị Nở diễn biến tâm lí, suy nghĩ và hành động của nhân vật được Nam Cao thể hiện xuất sắc dưới ngòi bút hiện thực.

Trước khi gặp thị Nở cuộc đời của hắn vừa bước chân ra khỏi nhà tù thực dân trở về làng là một kẻ lưu manh tha hóa, mất hết nhân hình lẫn nhân tính, là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Những tháng ngày ấy Chí bị phần con lất át phần người ngoại hình bên ngoài đúng chất của một thằng đầu bò, du côn, lưu manh với cái đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn, mắt gườm gườm, người thì xăm trổ đầy mình. Hắn khiến cho người ta sợ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chí Phèo được Nam Cao khắc họa vẻ bên ngoài thật ấn tượng, tỉ mỉ từ đầu đến chân để hắn hiện lên thật dị dạng không giống ai. Không chỉ vậy tính cách, nhân phẩm của hắn cũng đã bị bóp méo. Chí trượt dài trên cái dốc tha hóa, kể từ khi về làng lúc nào cũng trong tình trạng say xỉn mà chưa bao giờ tỉnh, bao giờ cũng thế cứ say là hắn chửi và có thể làm bất cứ thứ gì mà người khác sai khiến. “Hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người lương thiện”. Những việc hắn làm là rạch mặt ăn vạ, cướp của giết người khiến cho “Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi khi hắn qua”. Kể từ đó Chí sống trong cô đơn cô độc giữa dòng đời tấp nập, giữa bao người ngược xuôi nhưng tuyệt nhiên không một ai coi Chí là người.

Tưởng rằng con quỷ dữ cứ sống mãi kiếp thú vật nhưng Nam Cao đã để cho Chí hồi sinh sau khi gặp thị Nở. Đây là đoạn văn nhân đạo nhất trong tác phẩm mà tác giả dành cho nhân vật của mình. Chí đã được thức tỉnh nhờ bát cháo hành và tình cảm chân thành, sự quan tâm săn sóc của thị Nở. Buổi sáng hôm ấy thức dậy Chí có một sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Chí Phèo tỉnh dậy sau một cơn say rất dài “hắn thấy miệng đắng, lòng buồn mơ hồ”. Lần đầu tiên kể từ ngày trở về hắn nghĩ đến rượu mới cảm thấy rùng mình “hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ cơm”. Hắn cảm nhận được âm thanh của cuộc sống “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”… Những âm thanh ấy ngày nào cũng có nhưng đây là lần đầu tiên Chí tỉnh để nghe thấy tiếng gọi tha thiết của sự sống.

Chí nhận thức được bản thân mình về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tiếng bàn tán của người bán hàng gợi nhớ về quá khứ tươi đẹp của hắn từng ước mơ về một gia đình nho nhỏ “Chồng cuốc mướn, cày thuê vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Đó là ước mơ, là khao khát của anh canh điền hiền lành chất phác. Nhưng éo le thay điều đó không thành hiện thực để rồi giờ đây trong hiện tại “hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của đời”, cơ thể đã hư hỏng ít nhiều. Chí phèo cũng đã nghĩ về tương lai và “trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Sau những ngày sống như vô thức qua một trận ốm Chí đã tỉnh dậy và suy nghĩ về cuộc đời mình. Như vậy với khả năng nhận nhức về ngoại cảnh và nhận thức về chính mình Chí đã tỉnh dậy và hồi sinh trở về với kiếp người. Giờ đây hắn khao khát được làm người lương thiện: “Trời ơi! hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được.” Nhà văn đã cho ta thấy khao khát hoàn lương một cách khẩn thiết và rõ rệt trong con người Chí, hắn đã đặt tất cả hy vọng và niềm tin vào thị Nở. Thị chính là cầu nối để Chí hòa nhập với mọi người và trở về với xã hội của những tấm lòng lương thiện. Chí muốn quay lại làm một người bình thường sống cuộc sống bình dị như trước đây chấm dứt những tháng ngày đen tối và tội lỗi.

Cuộc đời lại không được như mong muốn tưởng rằng đã tìm thấy hơi cháo hành tình yêu của riêng mình nhưng một lần nữa bi kịch lại ập đến, hắn bị thị Nở từ chối, bị cả làng Vũ Đại cự tuyệt quyền làm người. Mặc dù Chí Phèo đã cố gắng hoàn lương, cố gắng để hòa nhập với mọi người nhưng chính định kiến xã hội đại diện là bà cô thị Nở khi nghe thị xin ý kiến về chuyện tình duyên của đôi lứa bà đã dùng tất cả những lời lẽ cay độc để xỉa xói thị, bà thấy nhục cho ông cha nhà bà để rồi thị nghe lời bà cô mà quay lưng lại với Chí. Cánh cửa hoàn lương vừa hé mở đã bị đóng sầm lại không một lần được mở ra nữa bởi duy nhất chỉ có thị quan tâm, cảm thông, chia sẻ với hắn, bao nhiêu hy vọng giờ đây chỉ còn là sự tuyệt vọng. Căm phẫn được đẩy lên đến tột cùng, nhận thức được về cá nhân ngày càng mãnh liệt thôi thúc Chí đi đến nhà Bá Kiến cầm dao đâm chết hắn rồi tự sát. Chí đã nhận thức được kẻ thù thực sự của mình là Bá Kiến. Tiếng đòi làm người lương thiện thống thiết kêu lên trước khi hắn giết cụ Bá còn vang vọng đó đây mỗi khi ta nhắc đến cái tên Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này?”. Cái chết là lựa chọn cuối cùng cho sự giải thoát của Chí, đó là cách tốt nhất mà nhà văn dành tấm lòng nhân đạo của mình cho nhân vật. Không chấp nhận được kiếp sống thú vật buộc phải chết để không phạm phải sai lầm, để hy vọng ở một cánh cửa mới Chí có thể sống tốt hơn. Cuộc đời của Chí phản ánh mâu thuẫn giai cấp khốc liệt ở nông thôn Việt Nam không thể giải hòa được, mâu thuẫn ấy càng bị dồn nén xuống tận cùng thì càng dễ bùng nổ và bắt buộc phải được giải quyết theo hướng tích cực nhất.

Như vậy dưới ngòi bút khắc họa nhân vật tài tình của Nam Cao, kết hợp với nghệ thuật trần thuật linh hoạt, sinh động, ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân làm cho nhân vật Chí Phèo hiện lên với đầy đủ ngoại hình, tính cách và có diễn biến tâm lí phức tạp. Số phận của Chí Phèo đại diện tiêu biểu cho hoàn cảnh người người nông dân trước cách mạng tháng Tám cũng là cảnh tỉnh cho xã hội phong kiến nửa thuộc địa nếu không thay đổi thì không biết sẽ còn bao nhiêu Chí Phèo con chuẩn bị ra đời. Hình ảnh cái lò gạch cũ và cái nhìn xuống bụng của thị Nở ở cuối chuyện minh chứng cho điều đó. Chí Phèo cùng với tác phẩm cùng tên nhân vật có đóng góp to lớn cho gương mặt và số phận của người nông dân Việt Nam làm nên tên tuổi của Nam Cao.

Leave a comment