Suy nghĩ về câu nói của Em-mơ-sơn: “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không phải bằng thời gian.”
Đã bao giờ ta tự hỏi ta sống trên đời được bao lâu và làm thế nào để cuộc sống của ta có giá trị. Có ý kiến cho rằng cuộc sống của con người là chuỗi những tháng ngày; con người bằng cách này hay cách khác, chỉ cần đi hết những tháng ngày đó, là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ làm người của mình. Thế nhưng, lại có suy nghĩ khác, cho rằng cuộc sống của chúng ta có giá trị hay không, không hẳn tùy thuộc vào thời gian. Đúng như Em-mơ-sơn từng nói: “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không đo bằng thời gian”.
Thật lạ! Người ta tính tuổi tác của một con người theo từng năm, từng tháng, vậy mà Em-mơ-sơn lại khẳng định thời gian không phải là thước đo của đời người. Ngẫm kĩ, ta thấy câu nói của ông hoàn toàn đúng bởi chính tư tưởng và hành động mới làm nên một con người. “Tư tưởng” là những suy nghĩ, quan điểm của con người đối với hiện thực khách quan và xã hội. Người có tư tưởng là người biết nhìn nhận, đánh giá cuộc sống, biết đề ra những nguyên tắc sống, mục đích sống và động cơ của việc “sống”. Còn “hành động”? Đó là những việc làm cụ thể nhằm một mục đích nhất định. Giữa tư tưởng và hành động có môì quan hệ chặt chẽ: Gieo tư tưởng gặt ý nghĩ, gieo ý nghĩ gặt hành động. Từ nhận thức đó, động từ “đo” trong câu nói thật có ý nghĩa. “Đo” không phải là dùng thước để đo độ dài, không phải dùng cân để “đo” cân nặng, cũng không phải dùng đồng hồ để đo thời gian. Đời người không cụ thể. Và sự “đo đạc” cuộc sống của một con người vì thế mà không thể rập khuôn như đo phút, đo giây. Từ “đo” ở đây chính là đo giá trị cuộc sống. Thông điệp mà Em-mơ-sơn muốn nói phải chăng là giá trị cuộc sống của một con người được đo bằng những gì người đó đã nghĩ và đã làm chứ không phải bằng thời gian đã sống? Nói cách khác, điều quan trọng là chúng ta đã sống như thế nào chứ không phải sống bao lâu.
Quả đúng như vậy! Cuộc sống của con người tuy được đếm bằng thời gian, nhưng lại được “đo” không phải bằng thời gian. Nó được đo bằng “tư tưởng” và “hàng động”. Con người khác với những sinh vật khác ở chỗ có tư duy. Tư duy con người đã đưa cuộc sống nhân loại phát triển ngày càng tiến bộ. Và tư duy được thể hiện qua tư tưởng và hành động. Như vậy, hai khái niệm “tư tưởng” và “hành động” chính là đặc điểm cơ bản phân biệt con người và các sinh vật khác. Những bước tiến của nhân loại từ xã hội công xã nguyên thủy đến nay đã chứng minh cho giá trị của tư tưởng và hành động. Từ những bầy đàn nhỏ lẻ, tư tưởng hợp nhất đã đưa con người thông nhất thành các bộ tộc, đất nước, các liên minh khu vực, và liên minh toàn thế giới… Nếu như thiếu đi một tư tưởng liên minh tiến bộ, nếu như con người qua ngày tháng vẫn chỉ lặp đi lặp lại một nếp sống bầy đàn thời sơ khai, liệu rằng cuộc sống của chúng ta có khác gì loài khỉ, vượn?
Hơn thế nữa, tư tưởng và hành động cũng là chuẩn mực phân biệt giữa con người và con người. Tư tưởng và hành động như thế nào thì giá trị của con người như thế ấy. Những người có tư tưởng và biết hành động, không ít thì nhiều, sẽ để lại những dấu ấn trong xã hội. Việc biết suy nghĩ, và dám thực hiện suy nghĩ của chính minh khiến họ không bị hòa tan vào những người xung quanh. Nhờ đó, dù hòa nhập vào vòng xoay của cuộc sống, những người có tư tưởng và hành động luôn sáng lên thứ ánh sáng đặc sắc riêng của bản thân họ. Ngược lại, người thiếu tư tưởng, ngại hành động sẽ mãi mãi chỉ là những hạt phù du nhẹ tênh, lững lờ phớt qua sự tấp nập của cuộc sống.
Vậy đấy, giá trị cuộc sống của một con người nằm trong chính tư tưởng và hành động của con người đó, chứ nào phụ thuộc vào thời gian. Chẳng vậy mà chúng ta có một Khổng Tử, một Các Mác bất tử; có một Lê-nin, một Hồ Chủ tịch sống mãi với thời gian; một Ê-đi-sơn đã “sống” ngót một trăm ba mười lăm năm ở tuổi tám mươi; một Mô-da ra đi ở tuổi ba mươi lăm để lại gia sản âm nhạc vĩ đại hơn bất kì một nhạc sĩ lão luyện nào trên thế giới; một V. Huy-gô, một Nguyễn Du luôn trường tồn cùng với tâm huyết muôn đời cháy bỏng trên trang văn cái khao khát cuộc sống con người được tốt đẹp hơn… Họ, cuộc đời của họ, và những tư tưởng, những hành động của họ là vết son chói lòa trong lịch sử nhân loại. Những con người ấy dù đã ra đi, nhưng ý nghĩa cuộc đời họ, tư tưởng và hành động của họ, công hiến của họ đã, đang, và sẽ mãi khẳng định giá trị trong cuộc sống nhân loại. Đó quả là những con người thách thức thời gian, thách thức giới hạn cuộc đời; những vì tinh tú sáng ngời soi đường cho bước đi của con người.
Trái ngược với những người ấy là những kẻ sống phó mặc, buông thả theo thời gian. Những kẻ sống theo hướng này thường có thái độ hờ hững với tất cả. Họ chỉ sống cho hết ngày hết tháng, không dám suy nghĩ và hành động. Họ trở thành những chiếc bóng dật dờ, từ chối đặc ân của con người là có “tư tưởng” và “hành động”. Những người như thế tuy không gây hại đến xã hội nói chung, nhưng cũng chẳng giúp ích gì cho ai. Họ thậm chí không nhận ra và cũng không thèm khẳng định giá trị của bản thân. Những thước đo cuộc sống từ chối họ, vì họ không có một chiều sâu nào để đo cả về “tư tưởng” lẫn “hành động”, cần nhấn mạnh rằng “tư tưởng” và “hành động” không thể tách rời với nhau. “Tư tưởng” là những suy nghĩ; và những suy nghĩ chỉ có giá trị khi nó được hiện thực hóa bằng “hành động”. Em-mơ – sơn đã cho “tư tưởng” và “hành động” đi liền vào một vế trong câu nói quả không phải không có dụng ý. Nếu một người sống chỉ để “suy nghĩ”, nhưng những suy nghĩ, tư tưởng của anh ta bị “chôn sâu ba tấc đất”, thì anh ta suy nghĩ để làm gì? Nếu như trước đây Các Mác vùi lấp những tư tưởng tiến bộ của mình về sự phát triển của xã hội; nếu như Lê-nin lĩnh ngộ tư tưởng Mác mà không hiện thực hóa nó bằng cuộc cách mạng vô sản, thì thế giới làm sao có được cái gọi là chủ nghĩa Xã hội, nhân dân khắp các châu lục làm sao thoát khỏi cuộc sống tối tăm của chủ nghĩa tư bản bóc lột; và quan trọng hơn, sẽ không có một “chủ nghĩa Mác – Lênin” với cái giá trị mà hiện nay được cả thế giới thừa nhận và kính phục. Từ đó, có thể thấy, “tư tưởng” phải được thể hiện ra bằng “hành động” cụ thể thì tư tưởng mới có thể có giá trị. Mặt khác, “hành động” lại cần có tiền đề là “tư tưởng”. Chỉ khi nào nhận thức được nguyên nhân, kết quả của công việc, ta mới nên hành động. Như vậy, hành động đó mới có ý nghĩa. Nếu chỉ “nhắm mắt làm bừa” thì đâu khác gì cỗ máy, không phải người sống. Như vậy, “tư tưởng” và “hành động” có mối quan hệ hữư cơ, tương hỗ nhau, tạo nên giá trị của một con người, giá trị của đời người. Biết đề ra tư tưởng đúng đắn và hành động hết mình theo tư tưởng đó, cuộc sống con người mới có giá trị. Giá trị đó, trước hết sẽ làm vui lòng bản thân ta, sau nữa sẽ khẳng định ta trước xã hội.
Đừng bao giờ tự trách rằng thời gian của mình quá ngắn ngủi, đừng bao giờ đổ lỗi vì thời gian đã không cho phép ta sống có ích. Thời gian chỉ là khoảng nền, còn tư tưởng và hành động mới chính là đường nét, màu sắc làm nên giá trị của bức tranh cuộc sống. Một lần nữa, chúng ta nhắc lại câu nói của Em-mơ-sơn, đó là kim chỉ nam giúp chúng ta tích cực suy nghĩ đúng đắn cũng như hành động với động cơ tốt. Có như thế, ta mới xây dựng được xã hội, khẳng định được giá trị cuộc đời mình. Hãy nhớ: “Đời người chỉ có một lần”. Ta không thể kéo dài sự sống nhưng ta có thể quyết định cách sống để làm cho khoảng thời gian sống của ta trở nên có ý nghĩa.