Top 8 Địa điểm du lịch đẹp và nổi tiếng nhất tại tỉnh Bắc Ninh

0

Bắc Ninh là mảnh đất mang nhiều nét đẹp về vốn văn hóa truyền thống, trong đó tiêu biểu là làn điệu quan họ trữ tình đi vào lòng người. Không chỉ có vậy Bắc Ninh còn hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước bởi những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các làng nghề truyền thống lâu đời. Là trung tâm của xứ Kinh Bắc cổ xưa, Bắc Ninh giữ riêng cho mình nét đẹp độc đáo trong cảnh sắc thiên nhiên cũng như nền văn hóa lâu đời. Nếu có dịp đến với Bắc Ninh, bạn đừng quên ghé qua 6 địa điểm du lịch đẹp và nổi tiếng nhất nơi đây mà Review.tip.edu.vn đang muốn nhắc đến. Và bây giờ hãy cùng khám phá xem đó là những địa danh nào bạn nhé!

Đền Đô

Nếu có cơ hội một lần đặt chân đến vùng đất Bắc Ninh, bạn không thể bỏ qua địa điểm du lịch nổi tiếng tại đây: Đền Đô. Đền Đô hay còn được gọi là Đền Lý Bát Đế hay Cổ Pháp điện là nơi thờ 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý với bề dày lịch sử nghìn năm. Đền Đô – ngôi đền của các bậc đế vương thời nhà Lý, toát lên mình sự trang nghiêm, cổ kính, đậm nét hào khí Thăng Long một thời. Đến với Đền Đô, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng lại công trình kiến trúc cổ xưa còn lưu giữ đến ngày nay với những nét văn hóa độc đáo từ kiến trúc, ý nghĩa cho đến các lễ hội diễn ra nơi đây.

Nhắc đến vùng đất địa linh nhân kiệt Cổ Pháp – Đình Bảng, Bắc Ninh, ngày nay, là nhắc tới một trong ba “tam cổ” nổi tiếng lịch sử, thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp. Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí linh thiêng. Đây là một vùng có nhiều hồ, đầm lầy, sông Tiêu Tương uốn khúc quanh co, thế đất mang hình con nhện, xòe ra như cánh hoa sen. Đó là huyệt đất quý, phát tích đế vương – ứng với 8 vua nhà Lý, hưng thịnh kéo dài tới 216 năm. Hiện nay, tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh, còn đậm dấu ấn anh linh của các vị đế vương. Nơi đó chính là đền Đô còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế nơi thờ 8 vị vua nhà Lý.

Đền Đô được xây dựng vào ngày 3 tháng 3 năm Canh Ngọ 1030 bởi vua Lý Thái Tông. Sau này đền trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng. Tuy nhiên trong thời kì chiến tranh, quân Pháp đã dội bom, phá hủy hoàn toàn công trình kiến trúc tôn nghiêm này. Về sau vào năm 1989, Đền Đô được xây dựng, phục hồi theo hình dáng, kiến trúc cũ dựa trên sự nghiên cứu của các chuyên gia cũng như các dấu tích còn lại. Dẫu vậy, Đền Đô vẫn giữ riêng cho mình nét cổ kính, trầm mặc, thể hiện sự uy nghi, hào khí một thời của triều đại nhà Lý.

Được xem là nơi thừa tự của các bậc đế vương nhà Lý, Đền Đô thờ 8 vị vua như sau:

  • Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028)
  • Lý Thái Tông (1028-1054)
  • Lý Thánh Tông (1054-1072)
  • Lý Nhân Tông (1072-1128)
  • Lý Thần Tông (1128-1138)
  • Lý Anh Tông (1138-1175)
  • Lý Cao Tông (1175-1210)
  • Lý Huệ Tông (1210-1224)

Đền Đô nằm trong khuôn viên rộng hơn 31.000m². Nét kiến trúc tại đây được chăm chút tỉ mỉ với những chạm khắc tinh xảo cũng như sự uy nghi, linh thiêng trong khu chính điện và các khu thờ tự khác. Bước vào chính điện của Đền Đô, bạn sẽ thấy một bên khắc họa lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ, một bên là bài thơ “Nam quốc sơn hà” được xem như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Khói hương trong chính điện nghi ngút càng làm tăng thêm vẻ trầm mặc, cổ kính và linh thiêng cho Đền Đô.

Xung quanh Đền Đô là khuôn viên rộng lớn, trồng nhiều cây xanh cũng như lối đi rải đá sạch sẽ. Nơi đây có hồ Bán Nguyệt là nơi thường xuyên diễn ra quan họ Bắc Ninh – nét văn hóa độc đáo của vùng đất này. Đồng thời Đền Đô còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc. Nếu đến đây vào rằm tháng 3, bạn sẽ có cơ hội tham dự lễ hội truyền thống của người dân nhằm tưởng nhớ công lao của các vị vua nhà Lý trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Nếu có dịp một lần ghé qua mảnh đất giàu văn hóa này, đừng quên ghé qua Đền Đô bạn nhé!

Khu chính điện tại Đền Đô
Khu chính điện tại Đền Đô
Đền Đô

Chùa Dâu

Nhắc đến Bắc Ninh ta không thể không nhắc tới địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng chính là chùa Dâu. Còn có tên gọi khác là chùa Diên Ứng, chùa Pháp Vân hay chùa Cổ Châu cũng như nhiều tên gọi khác mà người dân nơi đây thường sử dụng, chùa Dâu được xem là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam cũng như là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất còn lưu giữ đến ngày nay. Theo thư tịch cổ, chùa được khởi dựng ở vùng Dâu (Luy Lâu) vào thế kỷ II đầu Công nguyên, thời kỳ Sĩ Nhiếp (nhà Hán) làm Thái thú quận Giao Châu. Đây được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, là dấu tích quan trọng gắn với quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.

Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, cảnh quan đẹp, quay về hướng Tây, có bình đồ kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, gồm các hạng mục: tam quan, tiền thất (bái vọng đường), tháp Hoà Phong, Tam bảo, hậu đường, hai dãy hành lang và các công trình phụ trợ, như: nhà Mẫu và Tổ, nhà khách, vườn tháp, ao chùa, hệ thống tường bao. Trải qua theo năm tháng, chùa Dâu được tu sửa nhiều lần. Trong chiến tranh, ngôi chùa tôn nghiêm, cổ kính này đã bị tàn phá ít nhiều và ngày nay được phục dựng lại dựa trên lối kiến trúc cũ cổ xưa.

Chùa Dâu nổi tiếng linh thiêng không những vì là ngôi chùa Phật Pháp đầu tiên tại Việt Nam mà còn gắn nhiều với nhiều truyền thuyết như truyền thuyết Mạc Đĩnh Chi, truyền thuyết Man Nương. Đến với chùa Dâu, du khách sẽ được trải nghiệm không gian cổ kính, linh thiêng tại đây. Lối kiến trúc của chùa Dâu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trong đó bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tại chùa Dâu có thờ đức Bồ Tát, Tam Thế, Đức Ông, Thánh Tăng,…cùng nhiều tượng khác.

Đến tham quan chùa Dâu vào dịp nơi đây tổ chức lễ hội, bạn sẽ được trải nghiệm các nghi thức cổ xưa tại đây. Lễ hội tại chùa Dâu cũng được xem là một trong những lễ hội cổ nhất tại Việt Nam còn lưu giữ đến ngày nay. Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Chính vì thế nếu có dịp, bạn nên ghé qua chùa Dâu trong khoảng thời gian này để tận mắt chiêm ngưỡng nét văn hóa độc đáo được tổ chức tại đây.

Đề nhất cổ tự – Chùa Dâu
Lễ hội tại chùa Dâu
Lễ hội tại chùa Dâu

Làng gốm Phù Lãng

Nếu bạn là người yêu gốm sứ và muốn tìm hiểu về nghệ thuật cũng như nghề làm gốm thì đừng bỏ qua làng gốm Phù Lãng khi đến với vùng đất Bắc Ninh. Làng gốm nằm ở huyện Quế Võ, cách sông Lục Đầu 4km và nằm ngay bên bờ sông Cầu thơ mộng. Tới đây bạn không chỉ được đắm chìm trong phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn được tham quan quy trình sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ như chén, ấm, chậu cảnh, nồi đất…

Làng gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển vào khoảng thời nhà Trần và còn lưu giữ đến ngày nay. Theo những gì được ghi chép lại thì ông tổ nghề gốm của làng gốm Phù Lãng tên là Lưu Phong Tú. Ông đã có công rất lớn trong việc học hỏi kỹ thuật làm gốm và truyền bá, tạo lập nên làng gốm Phù Lãng như ngày nay. Nghề gốm được ông học khi đi sứ sang Trung Quốc. Từ thời nhà Trần đến nay, nghề gốm của làng Phù Lãng được truyền từ hết đời này sang đời khác còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Làng gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại hình sản phẩm chủ yếu, đó là loại hình sản phẩm dùng cho các tín ngưỡng dân gian, loại hình sử dụng trong gia đình làm các đồ gia dụng và cuối cùng là loại hình dùng trong việc trang trí. Mỗi loại hình đều được làm một cách tỷ mẩn và khéo léo, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm hoàn hảo nhất.Một số sản phẩm gốm Phù Lãng vào thế kỷ thứ 17-19 hiện nay còn được bảo tồn và lưu giữ tại Bào tàng Lịch sử Việt Nam. Đến thăm làng gốm Phù Lãng, không những du khách có cơ hội tìm hiểu về quy trình làm gốm và các sản phẩm truyền thống nơi đây mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm kiến thức cũng như trải nghiệm về làng nghề hàng ngàn năm tuổi này. Qua đó càng thêm hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc thể hiện qua từng sản phẩm gốm thủ công truyền thống.

Nhìn chung, gốm Phù Lãng tập trung vào ba loại hình đó chính là:

  • Gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ,…)
  • Gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại,…)
  • Gốm trang trí (bình, ấm hình thú…)

Có thể thấy, sản phẩm tại làng gốm Phù Lãng không những mang đậm nét văn hóa mà còn mang sắc thái riêng biệt không thể nhầm lẫn với bất cứ làng gốm nào ở Việt Nam. Nét điêu khác của các sản phẩm gốm tại Phù Lãng đắp nối theo hình thức chạm bong, tạo nên những sản phẩm đặc biệt, độc đáo.

Làng gốm Phù Lãng
Sản phẩm gốm tại làng gốm Phù Lãng
Sản phẩm gốm tại làng gốm Phù Lãng

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp (hay còn có tên là Ninh Phúc tự) là một trong số những địa điểm thu hút nhiều du khách đến với Bắc Ninh. Được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, chùa Bút Tháp mang nét đẹp cổ kính, trầm mặc, đặc biệt có thờ tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất nước ta.

Nằm bên bờ sông Đuống, chùa Bút Tháp mang dáng vẻ phong rêu cổ kính nhưng không kém phần linh thiêng. Ngôi chùa có hình dáng như cây bút nằm hiên ngang giữa trời, bên những cánh đồng bát ngát, mênh mông. Tới đây bạn được tự do sải bước trong khuôn viên rộng lớn, khoáng đạt và tĩnh mịch. Chùa Bút Tháp sẽ mãi là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm về nguồn cội tâm linh. Về lịch sử hình thành thì đến nay chưa có nguồn tài liệu chính xác nào ghi nhận. Tuy nhiên có một số thông tin cho rằng chùa có từ thời nhà Trần và được mở rộng, trùng tu nhiều lần.

Kiệt tác nghệ thuật này được thực hiện một phần lớn, như đã thấy, là nhờ công lao của hai mẹ con Hoàng thái hậu Ngọc Trúc và Công chúa Ngọc Duyên. Năm 1619, chúa Trịnh Tùng bắt vua Lê Kính Tông tự tử rồi lập Hoàng tử Duy Kỳ lên ngôi, lấy hìệu Lê Thần Tông. Người thông minh, học rộng, nhà vua còn bị Trịnh Tùng ép lấy con gái mình là Ngọc Trúc đã có chồng là Lê Trụ bị xử trảm và bốn con. Làm vua đến 1643, Lê Thần Tông nhường ngôi lại cho con là Thái tử Duy Hữu tức Lê Chân Tông rồi đưa Ngọc Trúc về Thanh Hóa xây dựng chùa Mật, nay đã hoàn toàn bị phá. Bên phần Hoàng thái hậu, số phận long đong, cũng muốn nương nhờ cửa Phật, bèn cùng các thân nữ lại chùa Phật tích nghe Thiền sư Chuyết Chuyết giảng kinh. Từ đấy, bà xin vua cha cho phép trùng tu chùa Bút Tháp đang đổ nát để sau nầy chính thức xuất gia.

Là một trong số những ngôi chùa cổ lâu năm ở Bắc Ninh, chùa Bút Tháp có sự kết hợp hài hòa giữ kiến trúc và không gian, tạo nên nét đẹp riêng, thu hút nhiều du khách. Chùa chính với ba dãy nhà Tiền đường – Thiên hương – Thượng điện tạo thành chữ “công”, bên trong thờ tượng Phật Quan Âm cũng như nhiều tượng thờ khác. Đặc biệt tại đây có tháp Bảo Nghiêm với kiến trúc như cây bút khổng lồ vươn thẳng lên trời. Các phiến đá đều được chạm khắc một cách đầy kì công, tinh xảo.

Nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa tâm linh ở Bắc Ninh cũng như các lối kiến trúc cổ xưa còn sót lại thì đừng quên ghé qua ngôi chùa Bút Tháp nổi tiếng này bạn nhé!

Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp
Tháp Bảo Nghiêm

Đình làng Đình Bảng

Cái tên tiếp theo trong danh sách những địa điểm du lịch đẹp và nổi tiếng nhất Bắc Ninh đó chính là Đình làng Đình Bảng. Ngôi đình này được xây dựng vào cuối thế kỉ 18 để thờ các vị thành hoàng làng. Kiến trúc độc đáo nơi đây gồm có gian chính điện và các vách gian hai bên cao dần để tạo ra không gian hội họp của người dân trong làng. Đến đây bạn có thể chiêm ngưỡng gần 500 bức phù điêu rồng phượng trong không gian yên bình và uy nghiêm. Nhắc đến đình làng Đình Bảng, người xưa có câu:

“Thứ nhất là đình Đông Khang,

Thứ nhì đình Bảng, thứ ba đình Diềm”

Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700 thời Hậu Lê kéo dài ba mươi sáu năm đến năm 1736 mới hoàn thành. Người hưng công là quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng (từng làm trấn thủ Thanh Hóa) và vợ là Nguyễn Thị Nguyên, quê ở Thanh Hóa. Ông bà đã mua gỗ lim, một loại gỗ quý và bền đem về cúng để dựng ngôi đình. Đình Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi theo dạng chữ Nho là kiểu “chữ đinh”. Tòa đại đình dài 20m, rộng 14m, cao 8m, phần mái rủ xuống đẹp đẽ chiếm tới 5,5 m tổng chiều cao.

Đến với đình làng Đình Bảng, bạn sẽ được trải nghiệm không gian kiến trúc độc đáo với không gian mái đình đồ sộ, tỏa rộng với nhiều kiến trúc điêu khắc độc đáo. Đồng thời nội thất bên trong đình được trang trí với nhiều hình dáng khác nhau như rồng, phượng, thanh gươm, tùng, trúc,…Đây cũng chính là nét độc đáo khiến đình làng Đình Bảng thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu về nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.

Đình làng Đình Bảng được xếp hạng là Di tích cấp Quốc Gia vào năm 1961 và được bảo tồn, gìn giữ đến ngày nay. Đến với địa điểm du lịch này, không những bạn được trải nghiệm không gian yên bình, thoáng đãng mà còn có thể học tập được thêm nhiều kiến thức văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Đình làng Đình Bảng
Đình làng Đình Bảng
Đình làng Đình Bảng - ngôi đình cổ tại Bắc Ninh
Đình làng Đình Bảng – ngôi đình cổ tại Bắc Ninh

Làng tranh Đông Hồ

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh – một trong những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan quy trình làm tranh, ngắm nhìn những kiệt tác do những nghệ nhân lâu đời sáng tác. Làng Đông Hồ Cách Hà Nội chừng 33km về hướng Đông và nằm sát bờ Nam đê sông Đuống, làng Hồ hay Đông Hồ là một làng nghề cổ truyền, có tên Nôm là làng Mái nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc được nhiều người cả trong và ngoài nước biết đến, với những bức tranh từ lâu đã đi vào đời sống tinh thần bao người dân Việt. Nổi tiếng với làng nghề làm tranh với nét văn hóa đặc sắc lâu đời. Tranh Đông Hồ còn được đề cử với UNESCO để được công nhận là Di sản phi vật thể. Qua từng bức tranh thể hiện được nét văn hóa trong lối sống sinh hoạt thường ngày của người dân.

Tranh Đông Hồ trước đây chủ yếu được bày bán vào các ngày lễ Tết. Ngày nay, tranh Đông Hồ ngày càng được ưa chuộng và gìn giữ bởi giá trị văn hóa mà các tác phẩm này mang lại. Điều nào nên sự khác biệt của tranh Đông Hồ đó chính là giấy in và màu sắc phối trong từng bức tranh. Loại giấy đặc biệt của tranh Đông Hồ đó chính là giấy điệp, được sử dụng để vẽ lên các bức tranh về cuộc sống với nhiều màu sắc đa dạng, kết hợp hài hòa với nhau tạo nên tổng thể vô cùng đặc sắc.

Nếu bạn ghé qua Bắc Ninh thì đừng quên ghé đến làng tranh Đông Hồ để có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo tại đây. Từ đó càng hiểu hơn về nét văn hóa dân tộc đa dạng, độc đáo.

Làng tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích (còn gọi là chùa Vạn Phúc) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa tại Quyết định số 313/VH-VP, ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa và được Thủ tướng chính phủ ký và xếp hạng 62 Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Chùa Phật Tích thuộc xã Phật Tích, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ân Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của đất nước (trung tâm Dâu – Luy Lâu). Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, làng đổi tên là Phật Tích và dời cả lên trên sườn núi.

Bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh ngồi trên tòa sen cao 1,87 m, một tác phẩm điêu khắc đặc sắc của nền mỹ thuật nước nhà nói chung và nghệ thuật tạc tượng nói riêng. Đây là điểm nhấn độc đáo mà ai cũng nhớ đến khi nói về chùa Phật Tích. Hiện nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu. Chùa Phật Tích Bắc Ninh có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m, cao từ 3–5m, ở khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có 80 bậc.

Lễ hội chùa Phật Tích thường được tổ chức trong ba ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là mồng 4. Từ ngày khai hội (mồng 3 tết), rất đông du khách đã kéo về chùa Phật Tích để lễ Phật, cầu bình an. Hàng vạn người có mặt tại đây đã khiến các lối lên chùa, tháp chuông, Đại phật tượng A di đà chật cứng.

Bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh ngồi trên tòa sen cao 27m nằm trên đỉnh núi
Bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh ngồi trên tòa sen cao 27m nằm trên đỉnh núi
Tháp Phổ Quang cao hơn 5m tại Chùa Phật Tích
Tháp Phổ Quang cao hơn 5m tại Chùa Phật Tích

Đền Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.

Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo… vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt. Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã “thác” trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Khuôn viên đền Bà Chúa Kho
Khuôn viên đền Bà Chúa Kho
Bà Chúa Kho
Bà Chúa Kho

Leave a comment